Niềm tự hào châu Á

Niềm tự hào châu Á

Trong quá khứ, người châu Á chúng ta có quá ít sự kiện và quá ít nhân vật để tự hào trong thế giới quần vợt. Trong khi Michael Chang đã đi vào ký ức, sự xuất hiện của những Paradorn Srichapan, Udomchoke Danai hay Sania Mirza giống như những ngôi sao vụt sáng bất ngờ rồi mãi mãi rơi vào bóng tối. Nhưng với buổi tối hôm 1-7 đầy hào hùng ở All England Club, không ít thì nhiều, niềm tự hào về châu Á đã ngùn ngụt dâng lên trong tâm tưởng của chúng ta…

Niềm tự hào châu Á ảnh 1

Zheng - niềm tự hào của cả châu Á.

Vẫn là như vậy, những tay vợt da vàng, tóc đen, thấp bé luôn chịu sức ép kinh người trước những tay vợt cao to Âu, Mỹ trên sân đấu. Nhưng thấp thoáng đây đó, người ta nhìn thấy những pha giao trả đẳng cấp đến lạnh người. Rồi sự khéo léo, nhiệt huyết và kiên cường như giăng đầy mặt sân cỏ Wimbledon. Hôm 1-7, có 2 tay vợt nữ châu Á ra sân đánh vòng tứ kết. Một người đã thua trong tư thế ngẩng cao đầu, còn người kia tiếp tục cuộc phiêu lưu…

Tờ Thai Post đã chạy dòng tiêu đề: “Siêu Tamarine” để nói về chiến công của tay vợt kỳ cựu người Thái Lan Tamarine Tanasugarn. Với chiến thắng trước tay vợt hạt giống số 2 Jelena Jankovic, Tanasugarn đã trở thành người Thái đầu tiên lọt đến trận tứ kết một kỳ Grand Slam. Trước đó, cô đã từng 6 lần lọt đến vòng 4 Wimbledon và 2 lần ở các kỳ Grand Slam khác.

Một sự kiện gây cười đã được loan truyền sau chiến thắng của Tanasugarn. Đó là khi Jankovic được thông báo rằng cô sẽ gặp một “Thai girl” (cô gái Thái), cô đã đùa giống như kiểu mình nghe không rõ và hỏi “Tiger à? Tiger nào? Tiger Woods sao?” (phát âm “Thai girl” và “Tiger” tương tự như nhau). Cô gái người Thái đó đã biến trò đùa của Jankovic trở thành… phản ứng cuối cùng của cô ở Wimbledon.

Tối 1-7, Tanasugarn đã dừng bước trước Williams “chị” - Venus Williams - sau khi làm khó dễ tay vợt Mỹ này khá nhiều trong ván đấu đầu tiên. Tất nhiên, cô đã thua sau đó với điểm số 4/6 và 3/6 do sự sút kém về hình thể, về thể lực và cả về năng lực trên sân. Nhưng với tất cả những gì đã đạt được ở đây, cô gái 31 tuổi người Thái Lan có quyền tự hào và hạnh phúc. Chắc chắn, cô sẽ không còn một ký ức nào tuyệt vời hơn.

Chuyến hành trình đầy mộng mơ của một người châu Á khác - tay vợt 25 tuổi Jie Zheng - vẫn tiếp tục trên mặt sân cỏ xanh mướt của All England Club. Cô vừa đánh bại tay vợt danh tiếng Nicole Vaidisova với điểm số 6/2, 5/7, 6/1 và trở thành người Trung Quốc đầu tiên tiến đến bán kết Wimbledon. Trước đó, tay vợt vốn bắt đầu với Wimbledon ở vị trí số 133 thế giới đã lần lượt “bước qua xác” Ana Ivanovic, Agnes Szavay.

Sau chiến thắng tuyệt vời mới đây của Zheng, trang web của Tân Hoa Xã đã bôi đậm tiêu đề: “Phép màu đã lặp lại” trong khi tờ nhật báo Trung Quốc thì giật tít “Zheng làm nên lịch sử”. Ông Xie Miqing - phát ngôn viên của LĐQV Trung Quốc lên tiếng cho biết: “Đương nhiên là chúng tôi ngạc nhiên về chiến thắng của Zheng. Nhưng cả đất nước đều cảm thấy tự hào và được truyền cảm hứng từ chiến thắng của cô ấy”.

Zheng từng nói cô sẽ đóng góp tiền thưởng của mình cho các nạn nhân của trận động đất mới đây. Cô cũng hy vọng sẽ mang phần thưởng “vàng” về cho đất nước ở Olympic Bắc Kinh trên sân nhà. Những người như cô, hay Tanasugarn đang khiến cả châu Á - không trừ một quốc gia nào – cảm thấy phấn khích. Nối gót các cầu thủ bóng đá, các tay vợt nữ châu Á đang chứng tỏ cho thế giới thấy tiềm lực thể thao của một lục địa đang say ngủ…

ĐỖ HOÀNG

Bên lề Wimbledon

Ancic - ước mơ thành sự thật

Niềm tự hào châu Á ảnh 2

Ancic - ước mơ được chơi trên sân trung tâm đã trở thành sự thật.

Sau cuộc lội ngược dòng ngoạn mục trước Fernando Verdasco ở vòng 4, tay vợt người Croatia Mario Ancic đã có một mơ ước nhỏ: trận tứ kết đấu với Roger Federer sẽ giúp anh được chơi trên mặt sân trung tâm tại All England Club. Ước mơ của Ancic đã trở thành sự thật, khi BTC xếp lịch thi đấu trận Ancic - Federer ở sân trung tâm vào tối 2-7.

Ancic cho biết: “Với tôi, việc được chơi ở sân trung tâm cũng giống như việc một cầu thủ bóng đá được chơi ở Wembley vậy. Hay nó cũng là cơ hội được chơi ở SVĐ Yankee với bóng chày, Madison Square Garden với bóng rổ. Ý tôi là, nó giống như một nơi thiêng liêng. Nơi đó thật sự truyền cảm hứng cho tôi”.

“Phán quyết” nhà vô địch

Nếu số 1 thế giới Roger Federer gặp số 2 thế giới Rafael Nadal trong trận chung kết Wimbledon lần thứ 3 liên tiếp, nhiều khả năng Federer sẽ đăng quang ngôi vô địch lần thứ 6 liên tiếp ở đây. Đó là “phán quyết” được đưa ra bởi 9 nhà cựu vô địch Grand Slam (trong tổng số 15 người được hỏi).

Những người chọn Federer là các huyền thoại Rod Laver, Pete Sampras, Stefan Edberg, John McEnroe, Goran Ivanisevic, Michael Stich, Jack Kramer, Jan Kodes và Tony Trabert. Trong khi đó, những huyền thoại khác như Bjorn Borg (cái này thì ai cũng đã biết rồi), John Newcombe, Stan Smith, Richard Krajicek và Pat Cash lại chọn Nadal.

Khác với những huyền thoại trên, cựu tay vợt chuyên nghiệp từng 3 lần đăng quang tại All England Club là Boris Becker đưa ra một quan điểm “nửa nạc nửa mỡ” nhưng lại là quan điểm khôn ngoan nhất. “Tay vợt nào thi đấu giỏi hơn trên sân đấu sẽ giành được chiến thắng”, Becker nói.

Nadal tiếp tục chỉ trích ATP

Niềm tự hào châu Á ảnh 3

Nadal không ưa De Villiers.

Rafael Nadal từng nhiều lần chỉ trích ATP (hồi đầu mùa sân đất nện, anh chỉ trích việc ATP xếp lịch quá kín khiến anh phải nghẹt thở) và anh mới vừa làm mới hơn nữa quan điểm của mình. Nhưng lần này, mũi dùi mà Nadal xoáy vào chính là người lãnh đạo ATP - Chủ tịch Etienne de Villiers.

Trên trang web của mình, Nadal đã công kích ông De Villiers một cách không thương tiếc, anh miêu tả ông như là một trong những “bù nhìn” của ATP Tour: “Một người đàn ông đã làm việc 30 năm trong quần vợt vốn không bao giờ xứng đáng với sự phục vụ này. Đó là một thứ quan điểm mang tính chủ quan của một người đứng đầu tổ chức”.

Hôm 21-6, Nadal (cùng với Eoger Federer, Novak Djokovic) được bầu vào BCH Hiệp hội các tay vợt chuyên nghiệp. Việc bầu bán này sẽ khiến tiếng nói của Nadal trở nên có trọng lượng hơn và hiện anh là một “địch thủ” đáng gờm của ông De Villiers - người sẽ hết hạn làm Chủ tịch ATP trong năm nay.

TIỂU SIÊU

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Sabalenka ở Miami Open

Miami Open: Aryna Sabalenka sẵn sàng thách thức Ngôi số 1 thế giới của Iga Swiatek

Không tốn quá nhiều thời gian để Aryna Sabalenka xác lập mục tiêu mới nhất của mình sau khi giành được danh hiệu Grand Slam đầu tay. Dành vài ngày để ăn mừng ngôi vô địch ở Úc mở rộng hồi tháng Giêng, tay vợt nữ người Belarus nhanh chóng quay trở lại tập luyện - và tập trung cho mục tiêu mới: Ngôi số 1 thế giới...