Đã đến lúc “di sản Grand Slam” thuộc tầm săn của một tay súng trẻ
Kể từ năm 2004, khi Federer bắt đầu chiếm ưu thế ở đấu trường Grand Slam, tiếp theo đó là thời điểm huy hoàng của Nadal và những quãng thống trị của Djokovic, đôi khi có sự chen ngang của Murray, những danh hiệu đình đám khó lòng lọt khỏi tay những tên tuổi quen thuộc. Có thể nói, sau khi Marat Safin giành danh hiệu Grand Slam cuối cùng trong sự nghiệp, bằng màn trình diễn rực lửa ở Australian Open 2005, ngôi vô địch Úc mở rộng, rồi Pháp mở rộng, rồi Wimbledon và Mỹ mở rộng chỉ quẩn quanh với 7 tên tuổi nhẵn mặt.
Ngoài Federer (sở hữu 20 Grand Slam), Nadal (sở hữu 17 Grand Slam), và Djokovic (sở hữu 14 Grand Slam), những tên tuổi khác là khá cân bằng nhau, đó là Murray (sở hữu 3 Grand Slam), Wawrinka (sở hữu 3 Grand Slam), Del Potro (vô địch US Open 2009) và Cilic (vô địch US Open 2014). Nói một cách ngắn gọn, nhóm “Thất kiếm này” luôn là ứng cử viên nặng ký nhất ở các kỳ giải Grand Slam đình đám.
Đã 14 năm trôi qua, ATP Tour cần có những sự thay đổi, làng quần vợt nam thế giới cần một, hoặc thậm chí nhiều gương mặt mới, những “tay súng trẻ gan dạ và dũng mãnh” sẵn sàng thay đổi cục diện của cả thế giới. Tay vợt trẻ người Đức gốc Nga, năm nay mới chỉ có 21 tuổi, quê ở Hamburg, được kỳ vọng sẽ trở thành “chiến binh thứ 8”, thắng Grand Slam tiếp theo, để kế thừa chiến công của 7 bậc đàn anh vẫn còn đang “dương danh lập uy”.
Với chiến thắng trước chính Djokovic ở trận chung kết giải ATP Finals – giải “Bát đại cao thủ” trong mùa, Zverev có vẻ như đang đi trên chính con đường mà Djokovic từng đi. Hồi năm 2008, tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia đã giành được danh hiệu ATP Finals đầu tiên trong sự nghiệp, và đó chính là điềm báo: “Một ngôi sao mới đã ra đời”, dù trước đó, hồi đầu năm, anh đã đăng quang Grand Slam đầu tay của Australian Open. 10 năm sau, Zverev có vẻ gì đó khá giống "đàn anh".
Nhưng… Zverev cũng nên tỉnh táo. Danh hiệu ATP Finals có thể trở thành “một cái bẫy” cực lớn, như những gì đã xảy ra với Grigor Dimitrov. Tay vợt người Bulgaria đã thắng ATP Finals hồi năm ngoái và được kỳ vọng “sẽ làm nên chuyện lớn” ở trong mùa giải năm nay. Rốt cuộc, anh này tiếp tục thực hiện bài “lặn sâu biệt tích”, như những gì mà anh này và Milos Raonic từng trải qua ở mùa giải 2015 – cũng được kỳ vọng là sẽ sớm thắng Grand Slam sau năm 2014 cực kỳ thành công, và kết cục là vẫn trắng tay.
Dù sao, anh vẫn nhận được những nhận xét cực kỳ tích cực từ “đàn anh” Djokovic, ngay sau ngôi vô địch ở London hồi tháng 11 rồi: “Không còn nghi ngờ gì nữa, cậu ấy sẽ trở thành một trong những ứng viên nặng ký nhất ở mỗi kỳ giải Grand Slam. Có rất nhiều điểm tương đồng trong quỹ đạo phát triển sự nghiệp chơi bóng chuyên nghiệp của cả 2 chúng tôi. Hy vọng cậu ấy có thể vượt mặt tôi. Tôi chân thành mong ước điều đó. Cậu ấy là tuýp người rất tận tụy với tham vọng của mình”.
Trong quá khứ, Ivan Lendl từng “phù phép”, biến một Murray yếu đuối trong những trận đấu then chốt trở thành một “chiến binh dũng mãnh”, và giờ đây, oai vệ với tước “Hiệp sĩ” trên người. Còn hiện tại, ông thầy “lắm chiêu” người Mỹ gốc Tiệp Khắc đã góp phần biến “một tay súng trẻ” người Đức trở thành “chiến binh thứ 8” sẵn sàng săn đuổi thành công ở bất kỳ đâu, cả ở đấu trường Grand Slam.
Kể từ khi được “đại sư phụ” Lendl thu nhận làm “tiểu đệ tử”, Zverev đã có những bước chuyển mình mạnh mẽ. Anh khởi đầu không quá tốt ở US Open, nhưng bắt nhịp mạnh mẽ ở Shanghai Masters và Basel (đều lọt đến bán kết) trước khi tạo ra “chuyến hành trình không tưởng” ở ATP Finals – đăng quang ngôi vô địch giải “Bát đại cao thủ” đầu tay, sau khi lần lượt đánh bại Federer (ở bán kết) và Djokovic (ở chung kết). Zverev trở thành tay vợt thứ 4 trong lịch sử “dám làm nên điều kỳ diệu này”, sau Murray, Nadal và David Nalbandian.
Tự tin hướng đến tương lai
Đối với Zverev, khi đã có Lendl “lược trận” ở phía sau, thì sự tự tin là yêu tố tiên quyết. Anh cho biết: “Federer, Djokovic hay là Nadal, đó vẫn là những tên tuổi lớn ở các giải đấu lớn. Nhưng tôi sẽ hy vọng vào tương lai của mình. Tôi sẽ làm tất cả mọi thứ để bản thân càng hoàn thiện hơn, để luôn có thể cạnh tranh với họ. Tôi cảm giác là, tôi đang làm như vậy. Nhưng tôi vẫn còn nhiều thứ phải cải thiện. Tôi vẫn còn rất trẻ. Hy vọng, ở mùa giải năm sau, tôi sẽ có thể chơi thứ quần vợt tốt hơn so với mùa giải năm nay, ngay cả cho dù, mùa giải này đã quá hay rồi”.
Boris Becker nhận định về “hậu bối” Alexander Zverev Cậu ấy đã được các chuyên gia kỳ vọng như là Nhà vua tương lai của ATP, và đang chơi với hơi hướm như vậy. Cậu ấy đã thi đấu suốt 2 mùa giải vừa qua ở một đẳng cấp cao, ngoại trừ thành tích ở Grand Slam. Bạn luôn đợi chờ một tay vợt trẻ như thế, có một bước tiến tiếp theo ở đấu trường Grand Slam, không may là, cậu ấy vẫn chưa từng lọt đến bán kết giải đấu này. Nhưng tôi nghĩ, cái cách mà cậu ấy trình diễn ở ATP Finals là thứ quần vợt hay nhất. Sẽ là rất hứa hẹn cho mùa giải 2019. Zverev và "tiền bối" làng quần vợt Đức - Boris Becker |