Phút 95 của hiệp phụ, sau pha dàn xếp đá phạt nhanh giữa Đỗ Khải - Hồng Sơn, bóng được treo cao từ phải vào. Huỳnh Đức bật lên đón hụt. Đứng ở phía sau, Minh Chiến liền tung cú đá vô lê vừa hiểm, vừa mạnh. Lưới Myanmar rung lên. Đó là lần đầu tiên và duy nhất mà sân chơi SEA Games áp dụng luật “bàn thắng vàng”, và bàn thắng của Trần Minh Chiến là khoảnh khắc lịch sử của bóng đá Việt Nam.
Phía sau cầu môn, nhà báo Minh Hùng (đã mất) của Báo SGGP vừa hò hét vui mừng vừa bật ra ý tưởng về một giải thưởng để tôn vinh khoảnh khắc ấy. Trong đêm đó, đường dây diện thoại “nóng” lên với các cuộc trao đổi giữa anh Minh Hùng và nhà báo Hồ Nguyễn - Trưởng bộ phận thể thao thời điểm đó. Bản thảo mang tên “Giải thưởng QBV Việt Nam” được viết vội ra giấy, fax thẳng về phòng Ban Biên tập Báo SGGP và cũng chỉ 3 ngày sau, quyết định tổ chức giải thưởng được phê duyệt.
Nhưng, danh thủ Trần Minh Chiến lại không có tên trong tốp 3 của cuộc bầu chọn đầu tiên năm 1995. Anh xếp thứ 4, sau Lê Huỳnh Đức, Nguyễn Văn Cường và Nguyễn Hữu Đang. Cho đến bây giờ, đó vẫn là một trong những kết quả bất ngờ nhất của Giải thưởng QBV. Năm 1995, Trần Minh Chiến chỉ mới 22 tuổi nhưng đã là Vua phá lưới của giải vô địch quốc gia với 14 bàn thắng, cùng đội Công an TPHCM vô địch quốc gia sau 15 trận đấu. Tài hoa là thế, nhưng chấn thương đã khiến Trần Minh Chiến sớm từ giã sân cỏ sau đó 1 năm.
Là một trong những điều nuối tiếc nhất của Giải thưởng QBV Việt Nam, nhưng “niềm cảm hứng” của ngày nào bây giờ vẫn là người bạn thân thiết của Ban Tổ chức Giải thưởng QBV cũng như Báo SGGP. Trần Minh Chiến là một trong những cây bút bình luận, là chuyên gia trong nhiều bài viết chất lượng về bóng đá trên mặt báo và là người đồng hành ở mỗi kỳ trao giải. Anh từng nói: “Tôi không có cơ hội để đoạt QBV nhưng luôn có cơ hội để cùng giải thưởng đi trọn con đường tôn vinh các tài năng bóng đá nước nhà”.
Trần Minh Chiến là một trong những người bạn lâu năm của giải thưởng. Rất nhiều cầu thủ từng đoạt danh hiệu QBV vẫn đang cộng tác, gắn bó và giúp đỡ cho ban tổ chức. Một Lê Huỳnh Đức “xung phong” làm MC, một Nguyễn Hồng Sơn sẵn lòng ngồi họp báo cùng ban tổ chức để nói về lịch sử giải thưởng, những “cô gái vàng” của bóng đá Việt Nam thì luôn có mặt ở các buổi gặp gỡ, thăm hỏi các cựu cầu thủ khi được ban tổ chức gởi lời mời, hay như HLV Mai Đức Chung, người gần như có mặt ở mỗi kỳ trao giải khi có học trò của mình đăng quang…