Không phải tự nhiên mà lá thỉnh nguyện thư nhờ ITF hỗ trợ của tay vợt nữ người Georgia - cô Sofia Shapatava, lại được quá nhiều đồng nghiệp ký tên ủng hộ đến như vậy. Đánh mất thu nhập hàng ngày, hàng tuần, và hàng tháng, đang là nỗi lo cực lớn với nhiều tay vợt thấp cổ bé họng, những người không có nhiều khoản tiền dự trữ và chỉ sống nhờ vào việc các giải đấu của ITF, các giải thuộc hệ thống WTA Tour và ATP Tour liên tục được vận hành.
Mới đây, chuyên gia đánh đôi người Brazil, anh Bruno Soares đã thừa nhận, nhiều đồng nghiệp của anh, cả nam lẫn nữ, sẽ không thể “sống sót” khi phải trải qua quãng thời gian 6 tháng trời không có thu nhập, vì không được thi đấu và do vậy không nhận được tiền thưởng. Theo tay vợt từng xếp hạng 2 đôi thế giới trên bảng điểm của ATP, việc mùa giải bị đình hoãn đến ít nhất là ngày 7-6 vì dịch Covid-19, sẽ gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống nhiều đồng nghiệp của anh.
Soares (người đã kiếm được gần 6 triệu USD tiền thưởng trong sự nghiệp của mình) nói trên La Nacion: “Có một số lượng rất, rất nhiều tay vợt cần đến những khoản tiền cơ bản hàng tháng. Cũng có một số tay vợt vẫn có thể trải qua quãng thời gian 6 tháng trời không cần phải thi đấu và kiếm tiền, nhưng không phải là phần lớn các tay vợt. Mọi chuyện rất phức tạp. Chúng tôi đang tìm kiếm và tính toán xem rằng, liệu chúng tôi có thể làm được gì ngay vào lúc này”.
Ở thời điểm hàng loạt giải đấu của ITF, hệ giải WTA Tour, ATP Tour đồng loạt bị đình hoãn, việc BTC Roland Garros chủ động dời lịch thi đấu lên tháng 9, chỉ 1 tuần sau khi US Open kết thúc, bị đánh giá là “ích kỷ, chỉ lo cho lợi ích của mình”. Với lịch thi đấu xáo trộn như vậy, nhiều tay vợt phải lựa chọn tham gia US Open hoặc Roland Garros, nếu bỏ chấp nhận bỏ 1/2 giải đấu, họ sẽ mất đi khoản thu nhập rất lớn. Đó là chưa kể Wimbledon cũng có thể bị huy bỏ.
Soares đã chỉ trích BTC của French Open vì không đặt lợi ích của các tay vợt lên hàng đầu: “Mọi người không hài lòng với những gì mà BTC Roland Garros đã làm. ATP sẽ không phê quyệt bất kỳ chuyện gì không có sự đồng thuận của mọi người. Ngoài ra, các giải đấu không cần thiết phải vội vàng hủy lịch trình ban đầu, cần cân nhắc thời gian và quá trình của dịch bệnh để đưa ra quyết định hợp lý. Tuy vậy, có thể sẽ chẳng còn nhiều giải đấu diễn ra trong mùa giải 2020”.
Về phần mình, để hỗ trợ cho các tay vợt, WTA đưa ra ý tưởng kéo dài mùa giải và gia tăng giá trị tiền thưởng ở các giải đấu không bị hủy bỏ, vì “cơ chế” của WTA không cho phép họ chi tiền, dù ít hay nhiều, để trực tiếp trợ giúp cho các tay vợt ngay vào lúc này.
Thông báo từ Hiệp hội quần vợt nữ chuyên nghiệp cho biết: “WTA đang nỗ lực làm việc tối đa với BTC các giải đấu để đẩy cao giá trị giải thưởng đến mức cao nhất, khi mùa giải 2020 quay trở lại. Chúng tôi cũng đang xem xét việc kéo dài mùa giải này, ban đầu chỉ là 44 tuần, ra thêm nhiều tuần lễ, để một số giải đấu vẫn góp mặt. Đó là ước vọng chân thành của chúng tôi, đưa mùa giải quay trở lại càng sớm càng tốt, ngay khi sức khỏe và sự an toàn của các tay vợt, các CĐV và các nhân viên có thể được bảo đảm”.
“Chúng tôi mong muốn có một cách nào đó, để tất cả mọi người, đặc biệt là những người cần giúp đỡ nhất, có thể được đền bù ở mức đáng mong đợi. Nhưng những nhu cầu hiện tại là quá lớn lao, không may là, WTA hiện đang không có tình trạng tài chính cần thiết để có thể hỗ trợ. Các tay vợt chuyên nghệp vốn là những nhà thầu độc lập, họ không phải là nhân viên hay người làm công của WTA. Kết quả, thu nhập của một tay vợt dựa vào màn trình diễn trên sân đấu và khi các giải đấu không được tổ chức, nó sẽ khiến dòng doanh thu chính của họ bị dừng lại. WTA hoàn toàn nhận thức được những thách thức mà các VĐV đang đối mặt, cũng như các thách thức mà hàng triệu người trên thế giới đang đối đầu trong tình trạng chưa hề có trong lịch sử này”, WTA viết.