Nhật ký Asiad 19: Học từ chính thành công

Hôm qua các cô gái tuyển bóng chuyền Việt Nam một lần nữa tạo ra cơn địa chấn châu Á với chiến thắng nghẹt thở trước nữ Hàn Quốc - đối thủ bị thầy trò HLV Nguyễn Tuấn Kiệt đánh bại cùng tỷ số ở giải vô địch bóng chuyền châu Á cách đây không lâu.

Asiad 19 là đấu trường lớn hơn, danh giá hơn, và vì thế chiến công của các cô gái “chân dài” Việt Nam thật đáng ngưỡng mộ.

Điều thú vị nằm ở cách mà các cô gái của chúng ta ngược dòng. Vẫn để thua 2 set đầu do một vài lỗi trong khâu chuyền hai, nhưng đội tuyển nữ Việt Nam không xuống tinh thần hay bị áp lực ở một sân chơi lớn đánh quỵ. Một thế trận tưng bừng hơn đã diễn ra trong 3 set cuối với tỷ lệ thành công rất cao của các pha chuyền hai giúp cho những chủ công như Trần Thị Thanh Thúy “ăn điểm” tối đa với các pha tấn công trên lưới. Chúng ta lặp lại những gì mình đã làm trước đối thủ. Có lẽ đội tuyển Hàn Quốc không lường trước điều này, có thể họ đã nghĩ đó chỉ là một sự thăng hoa nhất thời của bóng chuyền nữ Việt Nam chứ không tin vào bước tiến của bóng chuyền nữ Việt Nam.

Chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam trước đội tuyển Hàn Quốc. Ảnh: THANH QUỐC

Chiến thắng tuyệt vời của đội tuyển nữ bóng chuyền Việt Nam trước đội tuyển Hàn Quốc. Ảnh: THANH QUỐC

Asiad 19 đã trôi qua hơn nửa chặng đường, những gì diễn ra cho thấy mức độ khốc liệt và tầm cao về chuyên môn của đấu trường này vẫn ở một khoảng cách lớn so với thể thao Việt Nam. Lấy ví dụ như thất bại 0-7 của đội tuyển bóng đá nữ trước Nhật Bản, kết quả còn nặng nề hơn những gì đã xảy ra ở World Cup 2023. Sau trận thua, HLV Mai Đức Chung có nói rằng đây là một bài học cho bóng đá nữ Việt Nam. Nhưng có lẽ, sau Asiad 19 này, chúng ta cần có một sự thay đổi.

Trong thể thao, nếu trình độ giữa 2 VĐV, 2 đội bóng quá cách xa nhau sẽ rất khó rút ra được các bài học để giúp chúng ta tiến bộ. Chúng ta cần học từ chính thành công của mình, ví dụ như 2 trận thắng liên tiếp trước Hàn Quốc của đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam. Chưa hẳn trình độ của chúng ta đã ngang bằng, nhưng chúng ta có thể tìm cách nhân đôi, nhân ba những chiến thắng khi có cơ hội đối đầu với họ. Cảm hứng từ thành công sẽ giúp chúng ta phát triển nhanh hơn các thất bại, miễn là phải luôn giữ đôi chân mình trên mặt đất.

Cuộc đi săn huy chương của thể thao Việt Nam vẫn còn nhưng thời điểm này cần phải xác định ở đấu trường Asiad cần quyết tâm lớn hơn nữa mới có thể gặt hái được nhiều thành công hơn hiện tại. Những chiếc HCV đã có từ năm 1994 đến nay, qua những môn thể thao khác nhau từ Taekwondo đến rowing, bắn súng … có thể dùng làm cơ sở cho các nhà quản lý đưa ra một chiến lược hoàn chỉnh hơn trong việc tiếp cận trình độ châu lục.

Tin cùng chuyên mục