Các fan của Công Phượng từ chỗ phản ứng về việc anh không được ra sân ở những trận đầu tiên, thì nay lại chỉ trích cho rằng các đồng đội của Công Phượng không phối hợp ăn ý nên ngôi sao của họ không thể chơi tốt.
Tuy nhiên, đây đã là trận thua thứ 4 của Incheon United. Việc đưa Công Phượng vào thi đấu gần như là những giải pháp cuối cùng của HLV đội này. Thế nên không loại trừ, các trận kế tiếp Công Phượng sẽ trở về với ghế dự bị khi mà sự đóng góp của anh là rất ít (dù nguyên nhân từ đâu đi nữa).
Trong vô số chỉ trích, hiếm thấy ý kiến nào đặt vấn đề: Liệu rằng việc đưa cầu thủ Việt Nam ra nước ngoài thi đấu đã là điều tốt không? Liệu môi trường mà họ thi đấu có phù hợp cho sự phát triển của cá nhân họ hay không? Và tại sao không thể thành công ngay tại giải nội địa V-League?
Đành rằng khi một cầu thủ được thi đấu ở một giải đấu có đẳng cấp thì sẽ tích lũy được nhiều điều, kể cả khi chỉ ngồi dự bị, nhưng nói cho cùng, điều quan trọng nhất của một cầu thủ đó là niềm vui được chơi bóng, niềm vui chiến thắng. Điều đó đem lại cho họ khao khát hoàn thiện mình, một yếu tố mang tính quyết định đến sự phát triển tài năng, nhất là những người đang ở giai đoạn đẹp nhất của sự nghiệp như Công Phượng.
Lấy ví dụ, năm ngoái đâu có cầu thủ Việt Nam nào ra nước ngoài thi đấu nhưng bóng đá Việt Nam vẫn đạt thành công rực rỡ đấy thôi. Chúng ta vào đến tứ kết Asian Cup bằng 100% lực lượng chơi bóng ở V-League. Những tuyển thủ quốc gia ấy khi trở về khoác áo CLB tại V-League cũng có nhiều người vẫn tỏa sáng, như trường hợp của Quang Hải, Duy Mạnh... mặc dù họ đã cày ải rất nhiều. Những pha bóng đẳng cấp của Quang Hải trong thời gian gần đây đến từ đâu nếu không phải từ… Việt Nam.
Trên thế giới cũng chẳng thiếu các trường hợp cầu thủ chỉ chơi hay tại CLB này mà không tốt ở CLB khác dù có danh tiếng lớn hơn. Nói cho cùng, trước khi trở thành một ngôi sao để đi đến một bến đỗ lớn hơn, thì bản thân cầu thủ phải tỏa sáng ngay ở đội bóng trung bình. Nhiều CLB lớn của thế giới còn phải đem cầu thủ mình cho các đội bóng ở trình độ thấp hơn nhằm giúp cầu thủ có được cảm giác và niềm vui chơi bóng.
Thế nên, về lý thuyết thì Xuân Trường hay Công Phượng được đưa ra nước ngoài thi đấu ở đẳng cấp cao hơn là điều tốt, nhưng thực tế, biết đâu đó lại đi nhầm đường, ngồi nhầm chỗ. Họ ngồi dự bị mãi thì tài năng cũng thui chột, còn đội bóng của họ đá mãi mà không thắng, chắc chắn cũng chẳng giúp gì nhiều cho họ. Hơn nữa, chỉ riêng với các cầu thủ Đông Nam Á thì những trường hợp như Chanathip sang Nhật chơi bóng và giúp CLB của mình thành công là cực hiếm.
Ngược lại, với mật độ thi đấu rất nhiều như hiện nay, các tài năng Việt Nam hoàn toàn có thể chơi bóng ở V-League nhưng vẫn nâng cao trình độ của mình bằng các trận đấu quốc tế trong màu áo đội tuyển quốc gia. Chí ít, đó vẫn là lựa chọn phù hợp và an toàn nhất hiện nay khi mà những lần “xuất khẩu cầu thủ” đều không đạt hiệu quả.