Từng có thời được gọi là “Messi nước Đức”
Marin là một trong một số những cầu thủ có số phận khá kỳ lạ. Từng được kỳ vọng là một ngôi sao trẻ đầy tài năng, nhưng dòng đời xô đẩy, rồi những tác động kỳ quặc của chấn thương, may rủi, đã dẫn lối anh sang đi một con đường rất khác, đầy rẫy chông gai và khó khăn, có lúc tưởng chừng như đã khiến anh phải gục ngã. Nhưng cuối cùng, chàng trai có vóc dáng nhỏ bé, mảnh mai ấy vẫn có thể đứng lên một cách đầy mạnh mẽ để làm lại cuộc đời, sáng rực như “một ngôi Sao Đỏ” ở phương Đông.
Cũng như rất nhiều danh thủ từng giương cao chiếc Cúp Vàng World Cup 2014 trên đất Brazil, Marin là một sản phẩm trường thành từ lò đào tạo bóng đá Đức thời đổi mới, sau hàng loạt thất bại cay đắng ở World Cup 1994 (thua ngược “thế hệ vàng bóng đá” Bulgaria của những Hristo Stoichkov và Yordan Letchkov với tỷ số 1-2 tại tứ kết), ở Euro 2000 (bị loại ngay từ vòng đấu bảng, trong đó có trận thua cuối cùng “đầy nhục nhã” với tỷ số 0-3 trước tuyển Bồ Đào Nha – Sergio Conceicao lập “cú hattrick” trong trận đấu đó)…
Marin sinh ra ở Bosanska Gradiska (một thị trấn thuộc Nam Tư cũ) trong một gia đình có cha mẹ là người Bosnia và Serbia. Đến năm 1991, vì yêu cầu công việc của mẹ, cả gia đình Marin chuyển sang Đức sinh sống, khi đó, Marin mới chỉ 2 tuổi. Dù còn nhỏ xíu, nhưng Marin nhanh chóng có cảm tình với bóng đá và sớm bộc lộ năng khiếu với môn túc cầu. Đến mùa Hè năm 1996, cậu bé Marin, khi đó đã lên 7 tuổi, gia nhập Học viện đào tạo trẻ của CLB tiếng tăm nước Đức là Eintracht Frankfurt.
Quá trình tiến bộ… giống như sách giáo khoa của Marin đã khiến cậu bé sớm được CLB Borussia Monchengladbach để ý. Đến năm 16 tuổi, Marin ký hợp đồng trở thành học viên của lò đào tạo trẻ của CLB này. Tháng 3-2007, khi mới 18 tuổi, Marin đã chơi trận chuyên nghiệp đầu tiên trong màu áo của Die Fohlenin và nhanh chóng gia nhập các cấp độ tuyển trẻ của làng bóng đá Đức.
Monchengladbach xuống hạng ở cuối mùa giải 2006-2007, điều đó ảnh hưởng ít nhiều đến tương lai của Marin, nhưng chàng trai trẻ “máu Serbia” đã quyết định vẫn ở lại gắn kết với đội bóng vùng Rhineland. Hóa ra, đó lại là một quyết định thông minh, khi sự ổn định đã giúp Marin có phong độ tốt, góp công giúp tuyển U21 Đức giành ngôi vô địch châu Âu.
Con đường đến với ĐTQG Đức – Die Mannschaft – của Marin, vì thế cũng thênh thang rộng mở. Hồi năm 2008, anh góp mặt trong danh sách sơ bộ gồm 26 tuyển thủ mà HLV Joachim Loew triệu tập để chuẩn bị cho VCK EURO 2008, tuy vậy, anh bị gạch tên, không có trong đội hình 23 người cuối cùng.
Nhưng ngay sau đó, ở mùa giải 2008-2009, Marin đã có bàn thắng đầu tiên cho đội tuyển Đức, ngay ở lần góp mặt thứ 2. Được tung vào sân ở phút thứ 70 để thay thế cho Thomas Hitzsperger trong trận đấu với đội tuyển Bỉ ở Nurnberg, Marin đã “mở tài khoản bàn thắng” của mình ở phút thứ 77 của trận đấu.
Với lối chơi khéo léo, kỹ thuật xử lý bóng trong không gian nhỏ cực kỳ lợi hại, lại có vóc dáng nhỏ bé nhưng điều đó hỗ trợ cho khả năng luồn lách từ trước mặt ra phía sau lưng các hậu vệ to cao của đối phương, và có kỹ năng dứt điểm đầy tinh tế, Marin được đặt biệt danh là “Messi nước Đức” và cùng với Mesut Ozil, anh trở thành một trong những tài năng tương lai của “Cỗ xe tăng nặng nề ngày nào, nay đã được nâng cấp thành xe chiến đấu bộ binh BMT, với lớp giáp vẫn chắc chắn như xe tăng cổ điển, nhưng di chuyển linh hoạt hơn và tích hợp nhiều vũ khí lợi hại như tên lửa chống tăng, tên lửa bắn máy bay trực thăng…”.
Marin chuyển sang Werder Bremen trước mùa giải 2009-2010 với mức giá khiêm tốn 8,2 triệu EUR. Nhanh chóng hòa nhập vào lối chơi của đội, ghi được 7 bàn thắng, kiến tạo 14 lần, giúp cho Bremen xếp hạng 3 chung cuộc ở Bundesliga mùa giải đó, chàng trai 20 tuổi đã thắng tấm vé gia nhập đội tình tuyển Đức tham gia World Cup 2010 tại Nam Phi.
Trong 20 phút then chốt đó, Marin đã chơi tệ đến nỗi, Low sau đó đã “hoàn toản quên mất sự hiện diện của anh”, và không đưa anh vào sân thêm bất kỳ 1 phút nào nữa. Marin đã ngồi mòn băng ghế dự bị, chứng kiến tuyển Đức giành HCĐ ở World Cup, chắc chắn rất buồn bã nhìn các đồng đội chia sẻ niềm vui. Rời khỏi World Cup, phong độ của Marin ở Bremen dần suy giảm. Trong mùa 2010-2011, anh ghi được 5 bàn. Mùa giải tiếp theo, anh chỉ ghi được 1 bàn. Marin quyết định rời nước Đức, dấn thân vào cuộc phiêu lưu trên đất Anh, đến với Chelsea.
Ở thời điểm đó, Marin vẫn là một tài năng đáng để kỳ vọng, và việc được đội bóng đang là nhà ĐKVĐ của Champions League ký hợp đồng, là vinh dự lớn lao của Marin. Được “người hùng” Roberto di Matteo đưa về, nhưng Marin nhanh chóng tỏ ra thất thế. Vóc dáng mỏng manh nhỏ bé, thể lực không bảo đảm (sức khỏe đã yếu, lại dính chấn thương gân kheo ngay đầu mùa giải, không thể tham dự trận Siêu Cúp Anh, đến ngày 25-9, hơn 2 tháng sau lần ra mắt ở Tour đấu đầu mùa trên đất Mỹ, Marin mới có trận đấu chính thức đầu tiên trong màu áo Xanh), Marin tỏ ra thất thế trong những pha tranh chấp tay đôi với các hậu vệ to khỏe nước Anh, vả lại, Di Matteo (và sau này là Rafael Benitez) thiên về đá phòng ngự, Marin khó có đất diễn.
Chưa hết, khi Marin đến với Chelsea, đội bóng chủ sân Stamford Bridge lại cũng có "bộ 3" Ma-Za-Car cực kỳ lợi hại trên hàng tấn công, với Mata (mang áo số 10, cầu thủ xuất sắc nhất mùa giải Chelsea đăng quang ngôi vô địch Champions League), Hazard (đến với đội cũng từ đầu mùa giải, hiện giờ là người truyền cảm hứng không thể thay thế của Chelsea), Oscar (đến với đội cũng từ đầu mùa giải, biệt danh là “tiểu Kaka”). Marin – vì thế – rất khó cạnh tranh suất đá chính. Sự tù túng trên băng ghế dự bị, đã ảnh hưởng đến tâm lý của Marin
Sau một số trận đấu vốn chỉ được “sắm vai phụ” (vào sân từ băng ghế dự bị trong trận đấu với Wolves ở Cúp Liên đoàn hồi cuối tháng 9 – đó vốn lần đầu tiên thi đấu chính thức trong màu áo Chelsea, thay Hazard ở phút thứ 82 trong trận đấu với Fulham – lần đầu tiên được thi đấu ở đấu trường Premier League…), Marin không kềm chế được cảm xúc của mình.
Trong trận đấu với Queen Park Rangers vào tháng 1-2013, chỉ 4 phút sau lần ra sân đầu tiên trong đội hình xuất phát, Marin đã sung quá mức và có pha vào bóng bằng gầm giày khá thô bạo nhắm vào hậu vệ đối phương là Stephans Mbia. Pha chiếu chậm cho thấy, với tình huống phạm lỗi đó, Marin nên được trọng tài… gửi vào phòng thay đổ để đi tắm sớm. Rất may, anh chỉ bị phạt thẻ vàng và gần như mất tích trong thời gian thi đấu còn lại, là một phần của việc Chelsea thua 0-1.
Trong suốt 4 năm trời có biên chế thuộc Chelsea, Marin chỉ ra sân vỏn vẹn 16 lần (trong đó chỉ có 6 lần góp mặt ở đấu trường Premier League) và ghi được đúng 1 bàn thắng, đó là pha đánh đầu ở phút thứ 90+2 trong trận Chelsea thắng Wigan 4-1 hồi tháng 2-2013, sau khi được tung ra sân ở phút thứ… 90+1. Khi Marin ra đi “không kèn không trống” vào tháng 8-2016, nhiều Fan Chelsea thậm chí chẳng còn nhớ anh là ai, đã từng có mối liên quan gì với Chelsea.
Chàng Odyssey của châu Âu
Nếu như “cựu binh của Chelsea” Nicolas Anelka luôn được xem là một “lãng tử lang bạt kỳ hồ” với trải nghiệm thi đấu đầy thú vị và đáng nhớ ở 12 CLB khác nhau, trải dài từ châu Âu sang đến Thổ Nhĩ Kỳ (giao điểm của châu Âu và châu Á), sau đó phương Đông (với Trung Quốc và Ấn Độ), thì Marin lại chẳng mấy tự hào với chuyến hành trình bấp bênh qua tay 9 CLB khác nhau.
Anh được gọi là chàng Odyseey ở làng bóng châu Âu, nhưng trong khi Odyssey trong thần thoại Hy Lạp vẫn luôn hướng về quê nhà với quyết tâm tìm về gặp lại vợ con ở Ionia, Marin lại không thể tìm ra ngôi nhà thật sự của mình sau khi rời khỏi nước Đức. Dù chưa bao giờ hối tiếc với quyết định gia nhập Chelsea, nhưng với anh, sân Stamford Bridge chỉ là một chốn dừng chân tạm thời mỗi mùa Hè đến.
Marin đã được mang đi cho mượn ở Sevilla (nơi anh ra sân 30 lần, ghi được 2 bàn), Fiorentina (thậm chí còn không được chơi ở Seria A, chỉ góp mặt ở các trận đấu cấp châu lục, ghi được 2 bàn), Anderletch (ra sân 8 lần, không ghi được bàn nào) và Trabzonspor (ra sân 29 lần, nhưng cũng chỉ ghi được 2 bàn).
Rồi anh được bán đứt sang Olympiacos ở Hy Lạp, quê hương cổ đại của Odyssey. Marin cải thiện phong độ của mình, ít dính chấn thương hơn, anh ra sân 59 lần trong 2 mùa giải và ghi được 12 bàn thắng. Tuy nhiên, cuối mùa giải 2017-2018, anh dính vào một scandal khi phản ứng quyết định của trọng tài không cho Olympiacos hưởng phạt đền ở những phút cuối trong một trận đấu quan trọng.
4 tháng ở Sao Đỏ Belgrade, thăng hoa như thủa 20
Chàng Odyssey của bóng đá châu Âu, trong chuyến hành trình mạo hiểm về quê hương xa xưa là miền đất Serbia rực lửa, cuối cùng đã nhận ra, anh đã được “về nhà”. Sao Đỏ Belgrade (tên tiếng Anh là Red Star Belgrade, hay được gọi là Crvena Zvezda theo tiếng Serbia) với ngôi vô địch mùa giải năm ngoái, đã giành được quyền tham dự Champions League đầu tiên, và là lần đầu tiên quay lại đấu trường cao nhất của bóng đá châu Âu kể từ ngôi vô địch Cúp C1 hồi năm 1991, rất muốn có một ngôi sao quốc tế trong đội hình để thay đổi diện mạo của đội bóng. Và đó còn lại là người có sự thân thuộc với bóng đá Nam Tư ngày xưa và Serbia ngày nay. Marin là gương mặt mà Sao Đỏ cần có, không cần biết anh có phong độ không quá tốt.
Bản hợp đồng mang sự tin tưởng gần như tuyệt đối của Sao Đỏ, rốt cuộc đã gặt hái được quả ngọt. Marin như sống lại thời “mãi mãi tuổi 20”, chơi bóng khởi sắc bất ngờ và là ngọn cờ đầu giúp Sao Đỏ có thành tích “bất bại” ở các giải đấu nội địa. Họ đã thắng 14/15 trận đấu ở Serbian SuperLiga và có trận thắng mở màn ở Cúp QG. Marin đã đóng góp 2 bàn thắng và có 3 đường kiến tạo ghi bàn cho các đồng đội.
Mới đây nhất, anh đã góp công lớn giúp Sao Đỏ đánh bại Lữ đoàn đỏ Liverpool của Klopp, đội bóng mà anh chưa một lần được đối đầu khi còn khoác áo Chelsea. 2 pha kiến tạo ngoạn mục của anh đã giúp Milan Pavkov đánh bại Alisson Becker (mục tiêu hồi mùa Hè của Chelsea) ở lượt trận thứ 4 của bảng C đấu trường Champions League. Anh cũng từng ghi bàn thắng danh dự cho Sao Đỏ trong trận thua PSG với tỷ số 1-6 tại sân Công viên các Hoàng tử hôm 3-10. Như vậy, trước khi lượt trận thứ 4 của các bảng đấu E, F, G, H khởi tranh, Marin đang là cầu thủ Đức có thành tích tốt nhất, khi góp dấu giày vào 3 bàn thắng (ghi 1 bàn và có 2 kiến tạo).