Trong sự nghiệp đầy thăng trầm của mình, rất nhiều lần Maria Sharapova từng được người đời gọi là “Nữ hoàng”. Cô từng là “Nữ hoàng đích thực” của WTA, khi lên ngôi số 1 thế giới. Cô cũng được mệnh danh là “Nữ hoàng sắc đẹp” của làng quần vợt nữ thế giới, vì là bộ mặt, là thương hiệu của WTA đối với thế giới bên ngoài; hay cô cũng từng được gọi là “Nữ hoàng của làng quần vợt Nga”, với kỷ lục sở hữu đến 5 danh hiệu Grand Slam, đó là thành tích tốt nhất trong lịch sử với một tay vợt Nga, tính cả nam lẫn nữ.
Tuy vậy, với những gì diễn ra trong năm 2017, Masha xứng đáng có được một… danh xưng hoàn toàn mới, đó là “Nữ hoàng wild-card”. Kể từ khi quay trở lại sau án treo vợt dài 15 tháng trời, Masha đã được mời tham gia tổng cộng 10 giải đấu, và mới được mời góp mặt ở giải đấu thứ 11 tại Moskva, nơi mà BTC luôn khát khao muốn cô hiện diện, và cũng là nơi mà ông Shamil Tarpischev – Chủ tịch LĐQV Nga – miêu tả là: “Nếu Sharapova đến với Kremlim Cup, sẽ chẳng còn vé để mà bán cho khán giả đâu!”.
Cũng chỉ vì muốn “rù quến” Masha đến với giải đấu của mình lần đâu tiên kể từ năm 2007, BTC Kremlin Cup đã thẳng thừng từ chối yêu cầu tặng suất wild-card của tay vợt trẻ người Pháp Caroline Garcia, bất chấp việc cô này đang gây ra sức hút đáng kể sau khi giành 2 danh hiệu liên tiếp trên đất Trung Quốc. BTC Kremlin Cup muốn giữ lại suất wild-card đến giờ chót để xem liệu Masha có chấp nhận đến Moskva hay là không. Động thái của BTC Kremlin Cup, thậm chí đã khiến Garcia suýt mất suất tham dự giải “Bát đại mỹ nhân” ở Singapore, cũng may, cuối cùng, Johanna Konta lại rút lui khỏi chính Kremlin Cup, và Garcia, vì vậy không cần phải tham gia thêm một giải đấu nào để thỏa điều kiện đến với Singapore.
Với Masha, đây là một vinh dự, cũng là một gánh nặng. Làm thế quái nào, mà một tay vợt vừa mới quay trở lại sau án phạt cấm thi đấu vì… sử dụng chất kích thích, lại “không phải trải qua vòng đấu loại ở bất kỳ một giải đấu nào”, thay vào đó, cô được hưởng suất wild-card ở toàn bộ các giải đấu mà cô tham gia, từ Porsche Grand Prix (Stuttgart – Đức), đến Mutua Madrid Open, từ Italian Open (Rome), đến Bank of the West Classic (Stanford – Mỹ), từ cả… US Open (New Yorkk – Mỹ), đến China Open (Beijing – Trung Quốc) và từ Tianjin Open đến Kremlin Cup. Đó là chưa kể việc cô được nhận wild-card ở Birmingham Classic (Anh quốc), Rogers Cup – Toronto Open (Canada) và Western & Southern Open tại Cincinnati (Mỹ), nhưng cô phải bỏ cuộc vào giờ chót vì dính chấn thương.
11 giải đấu, 11 suất wild-card, đâu phải tự nhiên mà cả Eugenie Bouchard, Caroline Woziacki lẫn… Agnieszkaa Radwanska đều xúm lại “chửi bới” Masha. Tay vợt vừa mãn hạn treo vợt lại tiếp tục trở thành “Nữ hoàng”, là “Nữ hoàng wild-card”, đó là điều khiến không ít người cảm thấy vô cùng khó chịu! Nhưng trách sao được, khi các sức hút từ việc bán vé cho khán giả, khả năng quyến rũ sự quan tâm của giới truyền thông và “hớp hồn” các nhà tài trợ… của “Nữ hoàng wild-card” là quá khủng khiếp!
Chiến thắng trên đất Trung Quốc đã “đưa đường, dẫn lối” giúp Sharapova quay trở lại tốp 60 thế giới – cô vươn lên vị trí thứ 57 trên bảng điểm khi WTA công bố kết quả mới cập nhật vào ngày hôm nay, thứ Hai 16-10. Nếu tiếp tục chơi tốt ở Moskva, “không chóng thì chầy”, Masha cũng sẽ quay trở lại tốp 50 thế giới, và vươn cao hơn nữa. Với cái vị thế đó, cô sẽ chẳng còn phải “muối mặt đi xin” các suất wild-card tham dự các giải đấu, mà cô sẽ nghiễm nhiên giành vé tham dự ngay từ vòng đấu chính đầu tiên. BTC các giải đấu cũng không phải mất uy tín khi đi “mồi chài” cô, và người khác cũng chẳng cần phải “gân cổ chửi bới”. Như vậy, các bên đều có lợi. Nhưng người được lợi lớn nhất, đương nhiên vẫn là Masha, đặc biệt nếu cô đăng quang trên ở thủ đô nước Nga lần đầu tiên trong sự nghiệp.
“Nữ hoàng wild-card” liệu sẽ trở thành... “Tân Nữ hoàng” của giải đấu Kremlin Cup? Nếu được như vậy, còn gì tuyệt vời hơn?