Lỗi tai anh hay tại ả?

Đại hội VFF nhiệm kỳ 8 đến đầu tháng 9- 2018 sẽ diễn ra, nhưng người hâm mộ nhìn vào vẫn đang lo cho cái chung của nền bóng đá.

Người hâm mộ chờ đợi những nét mới tại Đại hội khóa VIII
Người hâm mộ chờ đợi những nét mới tại Đại hội khóa VIII

Dư luận đang đồn đoán gần như 90% là Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Lê Khánh Hải sẽ ngồi ghế nóng chủ tịch VFF, bởi chỉ mình ông tranh cử. Trong khi nhìn sang các chức danh khác lại thấy hấp dẫn hơn bởi có nhiều người xuất hiện.

Chẳng hạn, còn đến ba ứng viên phó chủ tịch VFF phụ trách tài chính, gồm: ông Cấn Văn Nghĩa (Giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình), ông Lê Văn Thành (Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thể thao Động Lực), ông Trần Văn Liêng.

Ở vị trí phó chủ tịch VFF phụ trách truyền thông - đối ngoại có nguyên Tổng giám đốc VPF Cao Văn Chóng, cựu Phó Chủ tịch VFF Nguyễn Lân Trung, Tổng biên tập Báo Bóng Đá Nguyễn Văn Phú, Lương Hoàng Hưng - Tổng biên tập Tạp chí Sở Hữu Trí Tuệ và Sáng Tạo.

Còn với phó chủ tịch VFF phụ trách chuyên môn có ông Phạm Văn Tuấn (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT), Phạm Ngọc Viễn (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT VPF), ông Dương Vũ Lâm (Trưởng văn phòng VFF đại diện phía Nam), ông Trần Quốc Tuấn (Phó Chủ tịch VFF) đua tranh.

Sự thật thì VFF dự tính tổ chức đại hội VFF nhiệm kỳ mới từ hồi giữa tháng 4-2018 nhưng bị “nấc cụt” nhiều lần, do những sai sót về danh sách đề cử. Nhiều người còn tỏ ra ái ngại với tình trạng nội bộ VFF vốn xào xáo và quy hoạch cũ kỹ thì đại hội khó tìm ra người tài để lèo lái con tàu bóng đá.

Những lo ngại ấy chằng sai nếu nhìn vào một số ứng viên đã lớn tuổi hoặc đã về hưu vẫn cứ xông ra ứng cử như ông Cấn Văn Nghĩa, ông Phạm Ngọc Viễn… Điều này trái với quan điểm của một tổ chức xã hội nghề nghiệp như VFF là cần hội tụ chất xám của các giới, nhưng nên chú trọng vào những người trẻ có tâm và tài.

Lâu nay trong cuộc đua vào các vị trí chủ chốt của VFF không ai chỉ ra một điều cơ bản là cần trẻ hóa. Trong lúc, nhiều CLB nhận thấy “người già” ngồi vào ghế nóng là không hợp lý, nhưng nguy hiểm là chẳng ai dám lên tiếng. Vấn đề của bóng đá Việt Nam là ở chỗ thấy bất hợp lý nhưng lại chấp nhận để mình được yên ổn. Nguyên nhân là nhiều đội bóng, lãnh đạo CLB bây giờ sống và làm giàu nhờ sự tồn tại của CLB. Do vậy, nhiều lãnh đội chọn giải pháp im lặng không vì cái chung mà vì cái họ gọi là nghề làm bóng đá vốn có nhiều khoản lợi lớn phía sau.

Câu hỏi đặt ra là tới đây tại cuộc bầu bán ở VFF, với sự hào hứng quá đà của các ứng viên lớn tuổi cộng sự thờ ơ của những người có tiếng nói thì VFF liệu có rơi vào cảnh bình cũ rượu cũ? Nhiều người có trách nhiệm sẽ thấy có lỗi, nếu tới đây VFF nhiệm kỳ 8 thiếu những giải pháp đột phá, chương trình hành động cụ thể.

Tin cùng chuyên mục