Ký sự Marathoner: Vượt đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ

Cung đường chạy là những lối mòn nhỏ hẹp, lầy lội, lên xuống không ngừng, nhiều lần phải băng suối, vượt dốc đá, hàng rào kẽm gai… Chúng tôi chạy mặc cho sương mù ướt áo, mặc từng đợt gió lạnh phớt vào mặt. 

Trời chuyển tối mịt, chân cẳng rã rời dò dẫm theo ánh đèn LED cỏn con cho đến khi chạm vạch đích. Chiến thắng thử thách “làm marathoner” của chúng tôi còn là chiến thắng chính mình.

Háo hức đổ về Sa Pa

Vietnam Mountain Marathon (VMM) là giải chạy việt dã vượt núi khó nhất Việt Nam, với đủ loại địa hình, đủ loại thời tiết trong ngày. Lời quảng cáo gọn lỏn bấy nhiêu chữ nhưng có sức hút mạnh mẽ vô cùng. Thông tin từ ban tổ chức, tại VMM 2019 (diễn ra trong hai ngày 20 và 21-9) đã có gần 4.000 vận động viên tham dự - một kỷ lục của giải đấu. 

Chẳng biết từ lúc nào mà việc đăng ký VMM lại dễ dàng như vậy. Theo những VĐV có thâm niên chạy trail (chúng tôi vẫn quen gọi là runner), VMM lần đầu tiên được tổ chức dường như chỉ là sân chơi dành cho các dân chuyên nghiệp hay bán chuyên. Còn nay, ai cũng có thể đăng ký, miễn là có tiền, đủ thể lực. Nếu không có thể lực thì phải có gan liều!

Cùng với VMM, còn có Vietnam Trail Marathon (Mộc Châu, Sơn La); Loop Ultra Trail (TP Uông Bí, Quảng Ninh); Vietnam Jungle Marathon (Thanh Hóa); hay La An Ultra Trail, Dalat Ultra Trail (TP Đà Lạt, Lâm Đồng)…, mà mỗi mùa thi không dưới ngàn người tham dự.

Sa Pa (Lào Cai) vốn được mệnh danh là “thị trấn trong sương” vì gần như quanh năm đều có sương mù. Nắng cuối thu tháng 9 còn giữ chút hơi ấm chưa tắt, mà sương đã giăng khắp ngõ ngách của thị trấn vùng cao. Những vận động viên cạnh tranh giải thưởng đến Sa Pa sớm cả tuần để không bỡ ngỡ với khí hậu 4 mùa và đường chạy mới. Chúng tôi hòa trong dòng người quá giang ở Hà Nội để kịp có mặt tại Sa Pa sớm một ngày. Đây cũng là thời điểm Sa Pa đón lượng runner tập kết đông đảo.

Nhà thờ đá cổ, một dấu ấn kiến trúc của người Pháp, nằm ngay khu trung tâm của thị trấn, được điểm tô bởi hàng ngàn sắc áo, sắc cờ. Thật may, Sa Pa năm nay đón chúng tôi trông “lành lặn” hơn. Sau một cuộc quy hoạch lớn, những nhà hàng, khách sạn mới mọc khiến nơi đây có phần bề thế, hiện đại, dù rằng có không ít người tiếc nuối một Sa Pa cổ kính ngày xưa. 

Những đôi chân chạy bằng… ý chí 

Đúng 6 giờ sáng, hàng chục chuyến xe buýt nối đuôi đưa các runner chạy 42km đến vạch xuất phát, cách trung tâm thị trấn Sa Pa chừng 30 phút xe chạy, ở độ cao hơn 1.600m so với mực nước biển. Đoạn đường khúc khuỷu xuyên qua những bản làng bà con dân tộc H’mông, Dao Đỏ sinh sống bao đời trên dãy Hoàng Liên Sơn hùng vĩ. Cuộc sống thường nhật của họ dường như đã bắt đầu trong tờ mờ sương.

Chúng tôi nhún nhảy làm nóng, cái không khí chộn rộn trước giờ xuất phát nhanh chóng xua tan cái lạnh tê tái và sự im ắng của núi rừng. “Một… hai… ba”, hơn 800 runner bước qua vạch điện tử, với tinh thần của những chiến binh ra trận, dù chẳng biết đâu là những thử thách khó khăn nhất của hành trình phía trước. Thông tin về đường chạy từ phía ban tổ chức không nhiều: 4 đỉnh núi phải vượt qua, chạm mặt đỉnh cao nhất 2.281m sau 5km đầu tiên; đa địa hình từ đường đất, đá dăm, bê tông, thung lũng…

Ký sự Marathoner: Vượt đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ ảnh 1 Khung cảnh hùng vĩ của dãy Hoàng Liên Sơn làm vơi đi nỗi mệt nhọc trên đường chạy. Ảnh: TẤN BA
Đường trơn sau cơn mưa lớn đêm trước, thêm nát tươm vì đầy dấu giày của các VĐV cự ly 70km và 100km vừa đi qua. Những đoàn người lê thê nhích từng bước, bùn nhão quyện với chi chít đá dăm, rễ cây nhú lên từ lòng đất như những “ngọn giáo xanh”.

Dừng đỉnh dốc cao nhất tiếp nước (có lẽ là CP.1), vài runners chụp mấy kiểu ảnh kỷ niệm. Thời tiết khá lạnh, sương mù và rừng mây bao phủ. Hít hà không khí lạnh buốt sống mũi, mở tầm mắt hướng về đỉnh núi Fansipan, nóc nhà Đông Dương thoát ẩn thoát hiện trong mây. Khung cảnh bao la trùng trùng điệp điệp của núi rừng cao nguyên như liều thuốc kích thích dịu nhẹ vào những thớ cơ đang căng cứng. 

Đường chạy từ đỉnh núi tới bản Tả Phìn thực sự khó, ngay cả với những runner chuyên nghiệp. Những con dốc sâu hun hút cứ kéo dài dường như vô tận. “Thở đều, tiến lên phía trước, không được phép bỏ cuộc”, những tiếng lẩm bẩm bên tai. Thời gian giới hạn (COT) đến CP.6 là 17 giờ 30. Ai cũng nhìn đồng hồ, đã 17 giờ và trước mặt là những dòng người như đàn kiến len lỏi, mấp mô dưới những tán cây.

Hít một hơi căng lồng ngực, chúng tôi thả đôi chân chạy theo quán tính, rồi tăng tốc thật mau ở vài mét cuối để không quá giờ. Bạn lạ hay quen đều ôm chầm trong sung sướng khi biết vẫn nằm trong số runner được phép tiếp tục hành trình hơn 10km cuối, vượt đỉnh núi Đá Bạc nổi tiếng. Chúng tôi nhắc nhau uống mấy viên muối cầm chừng, nhưng dạ dày kiên quyết không nạp thêm thứ hóa chất nào nữa. Trời đêm nhiệt độ xuống thấp, gió lùa 2 vành tai lạnh buốt, lần mò theo ánh sáng đèn LED cỏn con, nhóm runner đổ dốc.

Đã ròng rã hơn 15 giờ từ đầu hành trình, mỗi thớ thịt run lên bần bật, đói đến lả người. 23 giờ 30, nhóm runner chúng tôi chạm đích, nở nụ cười gượng đón tấm mề đay (huy chương). Hứa với lòng sẽ chẳng có thêm 42km nào nữa trong đời. Hứa là vậy, nhưng…

VMM - 3 ký tự đã trở nên quen thuộc với tôi suốt 5 năm qua. VMM 2015, còn nhớ tôi đã sợ hãi với cự ly 10km như thế nào đến bỏ cuộc vì sợ đau chân. Năm 2016, thấy xấu hổ vì vẫn chưa thực hiện lại lời hứa, quay lại VMM với đúng cự ly đã bỏ cuộc.

Rồi, dấu ấn bắt đầu với VMM 2017, khi tôi đặt mình vào vai “Người tạo mối” để tạo áp lực “không bỏ cuộc, khi mình không chỉ có một mình mà lại còn là người quản trò”. Khác nhau nhiều lắm! Tôi trách nhiệm hơn với lịch tập, với kế hoạch lên Sa Pa lần ấy. Và chúng tôi, hơn 20 thành viên với cái tên nhóm “Chạy xong, Nhậu”, vượt qua thách thức đầu đời chạy trail với mề đay 21km mùa VMM năm đó.

Sau khoảnh khắc tuyệt vời 2017, chúng tôi dìu nhau, thúc nhau, cổ vũ nhau lần lượt đi qua những giải chạy quanh Việt Nam. Dần dà, chúng tôi nâng cự ly để thấy mình được thách thức hơn, để thấy race hấp dẫn hơn. Thế là năm nay, nhóm lên Sa Pa với tinh thần 13 Marathoner trải nghiệm cự ly mới: Chạy trail 42km!

Ký sự Marathoner: Vượt đỉnh Hoàng Liên Sơn hùng vĩ ảnh 2 Cùng trải nghiệm ở giải chạy việt dã lớn nhất Việt Nam

Ban tổ chức tung ra hình ảnh 3D về độ cao mà 42km phải đi qua, tôi thốt lên thì thầm. Vậy mà, chúng tôi đã lần lượt cán đích của từng CP không bị lố giờ. Vừa lầm lũi đi, tôi dặn lòng mình, dặn trí mình, hãy cố gắng đi sao cho đừng bị trời quá tối khiến mình sợ hãi. Hãy chỉ nhìn xuống đất, tập trung, đừng để trượt chân và ngã, bên phải là vực đấy! Và đừng ngẩng lên nhìn nếu thấy bóng trắng trong trời tối, cũng đừng bận tâm nếu tự nhiên có tiếng sột soạt lạ kỳ... Kệ! Bước nhanh và chắc! Đích ở không xa đâu!

Tôi đã lẩm bẩm những câu đó ở chặng cuối: có 8km thôi nhưng trời đã tối rồi, mọi thứ trở nên đáng sợ và nhiều cản trở hơn nhiều lần. Tôi chỉ có một khát khao: Về đích trong an toàn. Vì 2 đứa con thì người làm mẹ như tôi… phải an toàn. Vì những người đã gửi gắm động lực cho tôi bằng những phần donate (quyên góp) vì Nụ cười trẻ em hở hàm ếch! Vì... vì... vì chính mình nữa! 

Cuối cùng, tôi đã nhận mề đay lúc 19 giờ 54 tối 21-9, tức sau 12 giờ 54 phút từ thời điểm xuất phát. Và tôi trân trọng nó, vì những nỗ lực, ý chí, sự quyết tâm của chính mình. Cảm ơn VMM đầy khắc nghiệt đã tôi tôi thế ấy! 

PHAN THU

Tin cùng chuyên mục