Hôm thứ Hai rồi (ngày 20-4), tay vợt nữ người Nga Dinara Safinađã chính thức thay thế Serena Williams (Mỹ) để trở thành “tân số 1 của WTA”. Cô là tay vợt Nga thứ 2 trong lịch sử (sau Maria Sharapova) vinh dự bước lên bục cao nhất trên bảng điểm WTA và là người thứ 19 (kể từ năm 1975 - năm bảng điểm xếp hạng ra đời) “đứng” ngôi “Nữ hoàng” trong lịch sử của thế giới WTA…
Anh em nhà Safin - những chủ nhân của ngôi số 1 thế giới
Trước khi cái tên Dinara Safina được giới quần vợt biết đến, có một cái tên khác của nhà Safin đã “danh trấn giang hồ”. Đó là Marat Safin - số 1 ATP hồi năm 2000. Safin chính là anh trai của Safina.
Ở thời đỉnh cao, Safin từng giành được 2 Grand Slam - US Open 2000 và Australia Open 2005 (đánh bại Roger Federer lúc đó vẫn còn là “nhà Vua” của ATP trong trận bán kết). Safin được thế giới biết đến như là một “quái kiệt” (không phải một kiểu huyền thoại, nhưng là một tay vợt rất đặc biệt) với cá tính mạnh mẽ, có thể đánh bại bất kỳ ai “trong một ngày đẹp trời”.
Cho đến những năm cuối của thập niên đầu tiên trong thế kỷ 21, Safina mới bắt đầu được biết đến (cô bắt đầu thi đấu chuyên nghiệp khi anh trai đang ở tột đỉnh vinh quang). Tuy nhiên, lúc bấy giờ cô chỉ được hiểu đơn thuần là “cô em gái nhỏ bé của Safin”. Tài năng của Safina chưa một lần được giới chuyên môn khẳng định, cho đến khi cô làm cú “lội dòng” đặc biệt ở mùa giải 2008 - từ thành tích thắng 10 trận, thua 11 trận ở đầu mùa, trở thành tay vợt hạng 2 WTA; giành được 4 danh hiệu và có thành tích cuối cùng là 55 trận thắng, 20 trận thua.
Safina chơi không thành công trong mùa giải năm nay. Nỗ lực phiêu lưu đến tận trận chung kết Australia Open 2009 và tham vọng giành ngôi số 1 ngay đầu mùa của Safina đã biến thành “công cốc” khi cô để thua Serena Williams tại đây.
Trong khi Serena lấy lại ngôi số 1 từ tay Jelena Jankovic, Safina tiếp tục tụt dốc khi để thua ở tứ kết Key Biscayne, vòng 3 Indian Wells. Tuy nhiên, việc Serena đánh mất ngôi vô địch Key Biscayne rồi bị loại sớm ở Andalucia giúp Safina qua mặt Serena…
Trên bảng điểm của WTA hôm thứ Hai rồi, Safina có 8.951 điểm sau 17 giải đấu, xếp trên Serena (chỉ có 8.272 điểm sau 17 giải đấu). Với thành tích đó, Safina cùng với anh trai mình là Safin trở thành hai anh em ruột đầu tiên trong lịch sử giành được ngôi số 1 đơn thế giới - ở cả ngôi số 1 của WTA và của ATP.
Safina chưa giành được một Grand Slam nào, nhưng cô vẫn còn thời gian để “sửa sai”, rất nhiều thời gian. Safina cho biết: “Anh trai tôi đã giành được 2 Grand Slam. Anh ấy vẫn còn giỏi hơn tôi rất nhiều. Vì thế, tôi sẽ phải cố gắng để bắt kịp anh ấy”.
Tâm lý - sức mạnh và cũng là điểm yếu của tân “Nữ hoàng”
Khi lên ngôi số 1 ở cuối mùa giải 2008, Jelena Jankovic của Serbia khiến dư luận rất trăn trở, vì cô là kiểu tay vợt hiếm hoi chưa một lần đăng quang Grand Slam nhưng vẫn có thể giành ngôi số 1 thế giới. Nhiều chuyên gia còn “ác ý” xếp Jankovic vào danh sách “số 1 thế giới kém cỏi nhất” trong lịch sử WTA. Jankovic đã thề “báo thù”, tuy nhiên, điều cô nhận được lại là thất bại.
Liên tục sa sút trong mùa giải năm nay, Jankovic đánh mất ngôi số 1 và vẫn chỉ là một “Nữ hoàng” chưa từng thắng một “kỳ công” Grand Slam nào…
Nhưng đó là câu chuyện của Jankovic, không phải là câu chuyện của Safina. Trong một tâm sự mới đây nhất với cây bút bình luận quần vợt Paul Newman của tờ The Independent, Safina đã nói đến hy vọng giành được những chiến thắng “kinh điển” nhất trong sự nghiệp của mình. Cô chẳng hề muốn trở thành một Jankovic thứ 2, dù rằng số phận đã “run rủi” và đẩy cô vào tình thế như thế (khi bảng điểm WTA “xác nhận” Safina là tân số 1 lúc cô vẫn chưa đăng quang một Grand Slam nào, dù đã lọt vào trận chung kết đến 2 lần).
Thế mạnh của Safina là những cú đánh uy lực từ cuối sân. Cô cũng là một tay vợt có lối chơi thiên về sức mạnh (tương tự như chị em nhà Williams) với thể hình cao to - cao 1,82 mét, nặng 70 kg.
Sự bền bỉ đã khiến Safina lọt đến chung kết Roland Garros 2008 (trước khi để thua Ana Ivanovic vì kém kinh nghiệm chinh chiến) và chung kết Australia Open 2009 (trước khi để thua Serena đang ở đỉnh cao phong độ), nhưng sức mạnh tâm lý mới là thứ khiến cô “tái sinh” trong nửa sau mùa giải 2008 ngay khi đang đối mặt với giai đoạn bi kịch nhất trong sự nghiệp…
Như vậy, có thể hiện tại Safina đang chơi không tốt, nhưng nếu cô biết cách kính thích lại tâm lý của mình, cô sẽ giải quyết tình trạng chịu áp lực do lời đàm tiếu “không thể giành Grand Slam” gây ra.
Nhớ lại trận thua Serena ở Malbourne Park hồi đầu năm nay, Safina nói: “Tôi đã chơi trong một trận đấu mà nếu thắng, tôi sẽ thắng được danh hiệu Grand Slam đầu tiên và cũng giành được ngôi số 1 thế giới lần đầu tiên. Tôi chưa từng đối mặt với tình huống như thế này trước đây, còn Serena thì rất nhiều lần. Thế nên, rất dễ hiểu khi tôi nhập cuộc không tốt”.
Có nghĩa là Safina chưa được trang bị tâm lý cần thiết để giành chiến thắng trong một trận đấu kiểu “được ăn cả, ngã về không”. Nhưng nếu cô đã có thói quen đứng dậy sau thất bại, “bệnh” tâm lý của cô vẫn còn chữa được. “Khi tôi chơi một trận chung kết ở một giải đấu lớn - nhưng không bằng đẳng cấp Grand Slam - tôi không gặp vấn đề gì cả. Nhưng trận chung kết ở Australia Open 2009 còn lớn hơn cả Grand Slam, vì nó còn có giá trị là ngôi “Nữ hoàng”, nên bản thân tôi đã chịu nhiều áp lực. Tôi đã không chơi tốt nhất có thể, thật thất vọng”, Safina tiết lộ.
Safina: “Tôi sẽ sớm thắng 1 danh hiệu Grand Slam”
Trải qua quá nhiều thăng trầm, nhiều chông gai trong cuộc sống, đôi khi Safina vẫn muốn nhìn lại về một trận đấu mà cô nhớ mãi. Và chắc chắn, trận chung kết Australia Open sẽ là cái ký ức mà cô không thể nào quên.
Safina tâm sự: “Dĩ nhiên, ở Melbourne trong ngày tháng Giêng đó, tôi đã tiến gần đến việc giành được danh hiệu Grand Slam đầu tay. Một số người đã có những danh hiệu Grand Slam, nhưng chưa bao giờ leo lên ngôi số 1. Với tôi, cả hai thứ to lớn ấy đột ngột xuất hiện chỉ trong 1 trận đấu. Nó quá lớn lao, vì thế, càng khiến tôi bé nhỏ trên sân”.
Tất nhiên, đây không phải lúc than trách hay hồi tưởng quá khứ. Là một “Nữ hoàng”, đây là lúc để Safina phản ứng và đáp trả sự hoài nghi của dư luận. Trước câu hỏi cắc cớ của phóng viên Newman, Safina trả lời: “Nếu tôi tiếp tục thi đấu được như thế này, và nếu thể lực của tôi không gặp trục trặc gì, tôi nghĩ không sớm thì muộn, mình cũng sẽ giành được một danh hiệu Grand Slam. Hy vọng đó sẽ là Grand Slam gần đây nhất - Roland Garros. Nếu không, tôi nghĩ vẫn sẽ có rất nhiều cơ hội lập kỳ công khác đang chờ đợi tôi ở ngoài kia”.
Safina cho biết thêm: “Hiện tại, những gì mà tôi thích làm với trận chung kết Grand Slam kế tiếp - nếu có cơ hội góp mặt - chính là: bước ra sân đấu và thưởng thức trận đấu, thế thôi. Nếu tôi có thể chơi mà không gánh chịu bất kỳ áp lực nào như vậy, cơ thể tôi sẽ thăng hoa cảm xúc và khả năng tôi sẽ thể hiện thật khó tin. Đó là yếu tố then chốt. Tôi cần phải để cho cây vợt của chính mình nói chuyện phải quấy trên sân đấu, không cần nghĩ đến điều gì khác nữa”.
TIỂU SIÊU (còn tiếp)
(SGGP-Thể Thao)