Mang tên gọi AFF Cup 2020, nhưng thực tế giải đang diễn ra vào thời điểm cuối năm 2021 và thậm chí trận chung kết lượt về còn “vắt” sang năm 2022 (ngày 1-1) khiến giải đấu này trở thành sự kiện “có một không hai” trong lịch sử bóng đá thế giới.
Việc giữ nguyên thể thức thi đấu cũng là một nét đặc biệt khác. Từ vòng knock-out, vẫn sẽ diễn ra các trận sân nhà - sân khách dù thực tế đều là sân của… Singapore, các đội không phải di chuyển đi đâu cả và cũng chẳng có được lợi thế từ khán đài. Điều này khá hy hữu trong trường hợp Singapore vượt qua vòng bảng vì họ có được lợi thế về sân bãi.
Nhắc đến Singapore, lại có những điều thú vị riêng. Đây là nước chủ nhà đầu tiên của AFF Cup, khi đó còn mang tên Tiger Cup diễn ra vào năm 1996. Rồi đến AFF Cup 2006, khi Singapore là một trong 2 nước chủ nhà, do các khó khăn về tài chính, AFF Cup 2006 lại được tổ chức vào đầu năm 2007.
Có lẽ đây là “cái huông” khiến cho AFF Cup 2020 lại có những biến động về thời gian tổ chức. Và cũng tại AFF Cup 2006, lần đầu tiên có trận đấu được tổ chức trên sân cỏ nhân tạo tại Singapore và chính Việt Nam là đội đã có trải nghiệm này.
AFF Cup 2020 còn đặc biệt ở chỗ hầu như không có cơ hội để truyền thông tác nghiệp, ngoài các thành viên thuộc những hãng truyền hình có bản quyền phát sóng. Từ cách đây hơn 1 tháng, Singapore đã khuyến cáo các phóng viên nước ngoài không nên đến tác nghiệp. Cụ thể, phóng viên muốn có mặt ở Singapore phải nhận được thư bảo lãnh, thuộc diện có giấy mời từ chính phủ nước sở tại.
Ai sang được thì phải thực hiện cách ly tập trung 7 ngày, nhưng ngay cả khi được tác nghiệp thì cũng bị hạn chế di chuyển hoặc không thể tham gia các sự kiện liên quan đến giải đấu. Các đội tuyển tham gia đều ở trong tình trạng “bong bóng” và những thành phần khác cũng không ngoại lệ. Nói cách khác, có sang được Singapore thì phóng viên cũng chẳng làm gì được nhiều.
Riêng với người hâm mộ Việt Nam, AFF Cup 2020 đặc biệt theo một cách khác vì đây là sự kiện mà HLV Park Hang-seo cùng các học trò đứng trước cơ hội bảo vệ danh hiệu vô địch lần đầu tiên. Sau 12 lần tổ chức, chỉ mới có Singapore và Thái Lan từng vô địch 2 kỳ liên tiếp.
Việt Nam hiện là đội có thành tích tốt thứ 3 trong lịch sử với 2 lần vô địch, nếu đăng quang trên đất Singapore thì chúng ta sẽ vượt qua nước chủ nhà để vươn lên thứ 2 giải đấu về thành tích, chỉ kém Thái Lan. Khi đó, HLV Park Hang-seo cũng trở thành người thứ 3 sau Avramovic (Singapore) và Kiatisak (Thái Lan) lập được cú đúp danh hiệu.