Vô địch Grand Slam lần đầu tiên đã khó, vô địch Grand Slam lần thứ 2 lại càng khó hơn. Đó chính là cái ranh giới tách biệt rạch ròi giữa một tay vợt giỏi và một tay vợt lớn. Trong làng quần vợt nữ thế giới, không phải tay vợt nào cũng có khả năng thắng nổi một danh hiệu Grand Slam, càng có hiếm người giành được danh hiệu Grand Slam thứ 2, khi mà Serena Williams vẫn đang hiện diện sừng sững ở đó và xung quanh vẫn ẩn tàng rất nhiều sát cơ, đến từ bất kỳ một đối thủ nào.
Với Angelique Kerber, cô đang đứng phân vân giữa một ngã ba, là thắng danh hiệu Grand Slam đầu tay rồi thôi, hay cố gắng phát triển sự nghiệp, tìm kiếm thêm một danh hiệu khác? Chắc chắn, đó là chuyện không hề dễ dàng, nhất là khi Kerber đang chơi rất chật vật sau khi lên đỉnh vinh quang ở Australian Open hồi tháng 1…

Angelique Kerber thất thế trong một pha bóng
Ngôi vô địch ở Melbourne Park đã đưa Kerber lên vị trí hạng 2 thế giới, giúp cô “đứng dưới một người nhưng trên cả vạn người” và đang trải nghiệm quãng thời gian tươi đẹp nhất trong sự nghiệp của mình. Nhưng kể từ dấu ấn tươi đẹp đó trở đi, Kerber vẫn đang quẩn quanh trong một cái lối mòn, nơi mà nhiều tay vợt đã từng sa chân vào, để rồi cứ mãi quanh quẩn trong chính “thứ mê cung của định mệnh”.
Trong suốt mấy năm trở lại đây, ngoại trừ những gương mặt quen thuộc như là Serena, Maria Sharapova, Petra Kvitova, Svetlana Kuznetsova hay Victoria Azarenka, những con người “tầm thường” khác chỉ giành được đúng 1 danh hiệu Grand Slam rồi “tắt lịm”.
Có thể đơn cử như là trường hợp của Anastasia Myskina với ngôi vô địch Roland Garros 2004, với Ana Ivanovic cùng ngôi vô địch Roland Garros 2008, với Francesca Schiavone cùng ngôi vô địch Roland Garros 2010, với Samantha Stosur cùng ngôi vô địch US Open 2011, với Marion Bartoli cùng ngôi vô địch Wimbledon 2012 (cô này đã giải nghệ gần như ngay sau đó), và gần đây nhất là với Flavia Pennetta cùng ngôi vô địch US Open 2015 (cô này cũng đã giải nghệ sau khi mùa giải 2015 kết thúc). Kerber có muốn theo chân những người này để trở thành “kẻ tầm thường tiếp theo”? Chắc chắn là không.
Nhưng, sao mà khó quá. Sau Australian Open 2016, Kerber tham gia Fed Cup nhưng không thể giúp đội nhà vượt qua tuyển Thụy Sĩ – cô chỉ có thành tích thắng 1 trận và thua 1 trận, khiến tuyển Đức thua tuyển Thụy Sĩ 2-3. Ở Qtatar Open, cô để thua ngay trong trận đấu mở màn của vòng 2 (sau khi được miễn vòng đấu đầu tiên) trước tay vợt kém danh người Trung Quốc Zheng Saisai, một kết quả mà giới chuyên môn nhận định là: “Có gì đó sai sai, không đúng ở đây”, trận thua sau vỏn vẹn 2 ván đấu. Và giờ đây, trong trận đấu mở màn của cô ở Indian Wells (cô cũng được miễn vòng đấu đầu tiên vì là hạt giống), cô lại tiếp tục để thua – lần này là thua Denisa Allertova (CH Séc) cũng sau 2 ván đấu với điểm số 5/7 và 5/7. Nên nhớ, Allertova thua kém Kerber đến… 62 bậc trên bảng điểm xếp hạng của WTA. Những kết quả này là kết quả của một tay vợt bình thường, mà thật ra, chính Kerber khi bình thường nhất cũng hiếm khi chơi tồi đến như vậy. Sau ngôi vô địch Australian Open 2016, sau danh hiệu Grand Slam đầu tay trong sự nghiệp, “đệ nhất mỹ nhân của làng quần vợt Đức” chợt nhận ra rằng, đời vốn không phải toàn là màu hồng và danh hiệu Grand Slam đầu tiên có thể đưa cô bay bổng đến tận thiên đường, nhưng cũng có thể khiến cô… mở toang cánh cổng địa ngục.
Kerber đang phải đối mặt với một thế giới mới, và nó vốn trần trụi, hoang dã hơn tất cả những gì mà cô từng mong chờ, chứ không phải chỉ toàn là màu hồng. Kerber cho biết sau trận thua đau đớn trước Allertova: “Giờ đây, áp lực đối với bản thân tôi là khác biệt rất nhiều so với hồi mấy tháng trước. Đây là một vị thế hoàn toàn mới đối với bản thân tôi. Tôi đang cố làm quen với nó. Tôi nghĩ, đối thủ của tôi là một tay vợt quá tuyệt vời. Cô ấy trẻ, chơi hay trong ngày hôm nay. Hôm nay cũng không phải ngày của tôi. Cẳng chân của tôi đã làm phiền tôi suốt mấy ngày qua, vì thế, tôi phải băng nó lại và cố gắng thích nghi. Ban đầu, nó cũng hữu ích, nhưng cuối trận, tôi lại bắt đầu có cảm giác. Đương nhiên, đây không phải là điều tôi dùng để biện minh cho trận thua của mình”.
Với Kerber, cái chính là cô phải định dạng lại tham vọng của bản thân, liệu cô muốn “lóe sáng một lần rồi thôi” như cái cách mà Ana đăng quang ở Paris hồi 8 năm trước và cứ sống trong vật vờ suốt thời gian qua, như cái cách mà Pennetta vươn đến đỉnh cao rồi quyết định giải nghệ, hay cố gắng chiến đấu, để trước hết, chiến thắng chính bản thân mình, đưa bản thân mình vào một cái vị thế sẵn sàng để thắng được danh hiệu Grand Slam thứ 2. Phía trước Kerber, rất nhiều thứ đang đón chờ và cô phải tỉnh táo để đi hết quãng đường của mình. Chứ nếu không, thời đại của Serena chẳng thể sớm cáo chung như những gì mà người ta đã dự báo.
ĐỖ HOÀNG