Indian Wells 2017: Cái tát vào mặt Djokovic

Không hề có sự báo thù nào cả ở đây, ngược lại, Novak Djokovic tiếp tục “vay nợ lãi cao” trước Nick Kyrgios. Để thua đối thủ mới chỉ 21 tuổi người Australia – Nick Kyrgios – với điểm số 4-6, 6-7 (3-7), Djokovic không chỉ trở thành cựu vô địch ở giải đơn nam Indian Wells – BNP Paribas, anh còn chấm dứt chuỗi 19 trận thắng liên tiếp ở đây. Đây là trận thua thứ 2 của Djokovic trước “gã trai trẻ cá tính” quê ở Canberra, là một cú tát “lệch mặt” mà Djokovic phải nhận lấy vì sự sa sút phong độ và tinh thần thi đấu kém khát khao. Đã không còn ai có thể nhận ra, “Nhà vua ATP” thủa nào, giờ đây lại tàn tạ đến chừng này…

Indian Wells 2017: Cái tát vào mặt Djokovic ảnh 1

Novak Djokovic.

Sau tình huống Kyrgios tung ra cú giao bóng ăn điểm trực tiếp để chiếm quyền kiểm soát ván đấu đầu tiên, ở phía bên kia lưới, Djokovic đã không thể kềm chế sự giận dữ và cảm giác thất vọng của mình, anh này đập cây vợt thân yêu đang cầm trên tay xuống mặt sân 3 lần, khiến mặt vợt bị gãy, méo mó thành một hình thù kỳ quái. Cái hình thù kỳ quái đó cũng phản ánh dáng điệu của Djokovic, không chỉ trong 6 tháng thảm họa cuối mùa giải năm 2016 mà còn kéo dài đến 2 tháng rưỡi đầu năm nay. Thua Denis Istomin (Uzbekistan, hạng 117 thế giới) ngay từ vòng đấu thứ 2 của giải Australian Open, thua Kyrgios 2 lần liên tiếp ở Acapulco và ở Indian Wells Tennis Garden, Djokovic đã trải qua tổng cộng… 8 trận thua trong suốt giai đoạn 8 tháng vừa qua, tính trung bình, cứ mỗi tháng anh lại thua “sấp mặt” 1 lần. Vậy thì, trong một tương lai gần, ở khoảng thời gian sắp tới đây, Djokovic sẽ còn để thua bao nhiêu tay vợt khác nữa, sẽ còn phải gánh chịu bao nhiêu cái tát đau đớn khác nữa?

Sau trận thua đau đớn mới nhất, Djokovic đã phải cố làm nhẹ tình hình bất ổn của mình, bên cạnh việc hết lời tán dương đối thủ. Anh cho biết: “Chuyến hành trình đăng quang ngôi vô địch giải đấu này trong 3 mùa giải gần đây là rất tuyệt vời. Tôi rất tự hào về chiến tích này, rõ ràng là như vậy. Tuy nhiên, rốt cuộc thì nó cũng sẽ phải kết thúc ở một thời điểm nào đó. Không may là, nó đã phải kết sau trận đấu ngày hôm nay. Nick, một lần nữa, như những gì cậu ấy đã làm ở Acapulco vài tuần trước, cậu ấy đã cầm giao bóng rất tốt. Đơn giản, tôi đã không xử lý được nhiều quả giao bóng 1 và cả giao bóng 2 của cậu ấy. Điều đó đã tạo ra sự khác biệt. Cậu ấy đã bước ra sân đấu và thực thi phong cách thi đấu của chính mình, rất quyết liệt, rất chủ động, và dốc sức cho từng quả giao bóng 1, không cần biết đó là giao bóng 1 hay là giao bóng 2. Rõ ràng, rất khó để thi đấu giống như vậy”.

Kyrgios đã mang đến trận đấu phương án B – thứ chiến thuật đã giúp anh đánh bại Djokovic ở Acapulco, và dù đã quen thuộc với chiến thuật này, Djokovic vẫn tỏ ra rất bế tắc. Không chỉ có vậy, khả năng trả giao bóng tinh quái của tay vợt người Úc cũng giúp anh tạo ra những bước ngoặt quan trọng trong trận đấu, như khi anh thắng break-point ngay ở game đấu đầu tiên của ván đấu thứ nhất, hay có những cơ hội thắng break-point trong game thứ 3 và thứ 7. Tuy vậy, cuối cùng thì, khả năng cầm giao bóng vẫn là thứ vũ khí tối thượng của Kyrgios, anh chỉ để thua 5 điểm khi cầm giao bóng trong ván đấu và đã khép lại ván đấu này bằng cú giao bóng ăn điểm trực tiếp thứ… 7. Sau đó chính là tình huống Djokovic giận dữ đập gãy cây vợt của mình, như những gì chúng ta đã biết và đã thấy.

Trong ván thứ 2, khi mà Kyrgios vẫn cầm giao bóng cực hay, Djokovic không có cơ hội với đến một break-point nào. Sau khi thoát hiểm trong game thứ 11, Djokovic lôi ván đấu thứ 2 đến loạt tie-break, nhưng Krygios tiếp tục chiếm ưu thế và đã tung ra một cú giao bóng mạnh khủng khiếp có tốc độ lên đến 225,6 km/giờ khiến Djokovic không thể trả đòn và khép lại trận đấu. “Với những cú giao bóng 1 của cậu ấy, những cú giao bóng có tốc độ lên đến xấp xỉ 224 km/giờ và luôn “đáp” xuống góc chữ T, với một góc mở cực rộng, rất khó để bạn với đến với vị trí đứng phòng thủ của mình, đó là những cú giao bóng rất khó để mà thấy trước hay đoán được. Để chống lại chúng, đó là cả một canh bạc. Còn những cú giao bóng 2 của cậu ấy, nếu bạn nghĩ bạn phải nhìn vào đó, thì không phải đâu, bởi vì cậu ấy đưa nó đi rất nhanh và rất hay. Cậu ấy không phạm phải quá nhiều lỗi giao bóng kép khi cầm giao bóng 2, như vậy, rất khó để chống lại những cú giao bóng của cậu ấy”, Djokovic thừa nhận.

Tất nhiên, Kyrgios chỉ là một vấn đề. Là “khắc tinh” hay khả năng cầm giao bóng của tay vợt người Australia, chỉ là một trong những phần nổi, còn phần chìm của cả khối băng vĩ đại, đó chính là vấn đề của Nole. Không còn khát khao, không còn xem quần vợt là mối quan tâm hàng đầu, vậy thi đấu làm gì khi mỗi trận thua lại là một cái tát nặng nề khác?

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Andreeva thắng trận đầu tay khi ra mắt Grand Slam - Roland Garros

Roland Garros: Mirra Andreeva tiết lộ bí quyết thắng trận - lời chúc phúc của Andy Murray, Bianca Andreescu loại Victoria Azarenka

Sự tươi tắn đang ngập tràn ở giải đơn nữ Roland Garros - French Open 2023, khi đám đông khán giả Pháp được chứng kiến màn trình diễn rất sáng sủa của “Tiểu mỹ nhân 16 tuổi người Nga”, Mirra Andreeva. Cô bé sinh năm 2007, quê ở Krasnoyarsk, đã đánh bại đối thủ người Mỹ Alison Riske-Amritraj (Mỹ, hạng 85 WTA) với điểm số 6-2, 6-1 chỉ sau 56 phút đồng hồ.

Bóng đá quốc tế

Chung kết FA Cup: Man.United làm mọi thứ có thể ngăn Man.City

Mọi con đường từ Manchester đều dẫn đến sân Wembley vào Thứ Bảy, nơi diễn ra trận chung kết FA Cup đầu tiên giữa các đối thủ không đội trời chung của thành phố. Và đó chắc chắn là nơi Man.United không muốn chiến tích thắng “cú ăn ba” của mình bị chính gã hàng xóm hùng mạnh đe dọa bắt kịp.

Các môn khác

Bóng bàn Việt Nam du đấu tại Mỹ

Như vậy, đội tuyển bóng bàn Việt Nam có cơ hội được thi đấu giao lưu kết hợp tập huấn tại Mỹ với những gương mặt trẻ và dù ý là tham dự với nhiệm vụ gì thì trên hết vẫn là lần tham dự để tuyển thủ được thêm sự mở mang...