Ở giải đấu đó, bảng B chứng kiến những con số vô cùng trái ngược. 3 trận đấu có sự góp mặt của đội chủ nhà Myanmar có số lượng người đến xem ấn tượng: 28.040 (gặp Việt Nam), 15.236 (gặp Campuchia) và 32.758 (gặp Malaysia). Thế nhưng các trận đấu còn lại, giữa Malaysia gặp Campuchia, Malaysia gặp Việt Nam, Việt Nam gặp Campuchia, số lượng khán giả đến sân rất ít, lần lượt chỉ là 576, 2.542 và 685 người. Suy cho cùng thì đó là điều dễ hiểu bởi người hâm mộ nước chủ nhà đương nhiên không mấy hứng thú với các trận đấu không có sự góp mặt của đội nhà. Sự khác biệt tương tự cũng diễn ra ở bảng A với các trận đấu có và không có sự góp mặt của đội chủ nhà Philippines.
Tuy nhiên tại AFF Cup năm nay, với thể thức thi đấu mới, hầu như trận đấu nào cũng có 1 đội là chủ nhà. Chỉ duy nhất có trận đấu giữa Đông Timor và Philippines sẽ được tổ chức tại Malaysia, do Đông Timor hiện tại không đủ điều kiện tổ chức.
Hiệu quả của việc thay đổi thể thức thi đấu này được thể hiện ngay lập tức ở lượt đấu đầu tiên. Ở trận đầu tiên của giải đấu giữa đội chủ nhà Campuchia và Malaysia đã có 34.250 khán giả. Trận Việt Nam thi đấu trên đất Lào vừa qua có 15.000 khán giả, trận Singapore đón tiếp Indonesia có 30.783 khán giả. Còn trận đấu chênh lệch nhất giữa Đông Timor và Thái Lan cũng kéo được 8.764 khán giả tới sân.
Ở lượt trận thứ hai, ngoại trừ trận đấu giữa Philippines và Singapore chỉ thu hút được 4.327 người, 3 trận đấu còn lại Indonesia – Đông Timor, Malaysia – Lào, Myanmar - Campuchia đều có số lượng khán giả tương đối đông đảo (trên 10.000 người), trong đó cuộc so tài giữa Myanmar và Campuchia kéo được tới 26.946 khán giả tới sân.
Số lượng khán giả tới sân chắc chắn sẽ còn đông nữa khi sắp tới ĐT Việt Nam sẽ có trận thư hùng đáng được chờ đợi với ĐT Malaysia trên sân Mỹ Đình vào tối ngày 16-11 tới.