Hé lộ tình tiết “mua” phiếu bầu World Cup 2022

Các công tố viên Mỹ vừa tiết lộ chi tiết mới về các khoản hối lộ được trả cho các thành viên Ủy ban điều hành FIFA để giành phiếu bầu cho Qatar đăng cai World Cup 2022, bên cạnh cáo buộc 2 cựu quan chức hàng đầu của 21st Century Fox đã thanh toán bất hợp pháp để giành quyền phát sóng World Cup 2018 và 2022.

Chủ nhà Qatar đang dần hoàn thiện hạ tầng, nhưng World Cup 2022 chắc chắn sẽ là kỳ giải tranh cãi nhất.
Chủ nhà Qatar đang dần hoàn thiện hạ tầng, nhưng World Cup 2022 chắc chắn sẽ là kỳ giải tranh cãi nhất.

Bản cáo trạng được công bố hôm thứ hai tại tòa án ở Brooklyn cho biết Nicolas Leoz, khi đó là Chủ tịch của LĐBĐ Nam Mỹ (CONMEBOL), và cựu Chủ tịch Liên đoàn Brazil, Ricardo Teixeira đã nhận hối lộ để bỏ phiếu cho Qatar tại cuộc họp của Ủy ban điều hành FIFA năm 2010. Trong khi đó Jack Warner của Trinidad và Tobago, cựu Chủ tịch của LĐBĐ Bắc-Trung Mỹ và Caribbean (CONCACAF) đã nhận được 5 triệu USD tiền hối lộ. Bản cáo trạng cũng cáo buộc Rafael Salguero, cựu Chủ tịch Liên đoàn LĐBĐ Guatemala được hứa về khoản hối lộ 1 triệu USD.

Trong một phiên tòa năm 2017 thì Alejandro Burzaco, cựu Giám đốc của Công ty tiếp thị Torneos y Challeencias, là nhân chứng đã vạch tội 3 quan chức bóng đá của châu Mỹ trong số 22 Ủy ban điều hành FIFA, những người vốn có quyền bỏ phiếu bầu, đã nhận hối lộ hàng triệu USD để ủng hộ Qatar. Tuy nhiên sau đó Leoz - vốn đã qua đời vào tháng 8 năm ngoái - cùng Warner và Teixeira đã tránh được việc bị dẫn độ. Trong khi Salguero đã nhận tội vào năm 2018 với 2 tội danh âm mưu lừa đảo và rửa tiền.

Trong cáo buộc mới nhất, là việc 2 cựu Giám đốc điều hành của 21st Century Fox Inc. là Hernan Lopez và Carlos Martinez đã bị buộc tội hối lộ các quan chức của CONMEBOL để có được thông tin đấu thầu bản quyền truyền hình, diễn biến này còn liên quan đến một đồng phạm và không được xác định được trong bản cáo trạng mới công bố. ESPN có bản quyền truyền hình World Cup từ 1994-2014, nhưng Fox năm 2011 đã giành được quyền phát sóng các giải đấu 2018 và 2022. Và sau khi nắm được bản quyền năm 2022 tại Qatar, nhưng giải đấu sau đó được chuyển sang thi đấu từ mùa hè sang đầu đông, thời điểm không mấy thuận lợi cho khán giả Mỹ, nên FIFA sau đó đã trao quyền Fox phát sóng World Cup 2026 mà không qua đấu thầu.

Hé lộ tình tiết “mua” phiếu bầu World Cup 2022 ảnh 1 Cựu Chủ tịch UEFA, Michel Platini nằm trong những quan chức hàng đầu đang bị điều tra. Ảnh: Getty Images

Kể từ khi bản cáo trạng đầu tiên được công bố vào tháng 5-2015, đã có 26 lời buộc tội được công bố công khai, dẫn đến đến hàng loạt cựu quan chức bóng đá, bao gồm cả Tổng thư ký CONCACAF, Chuck Blazer hay Chủ tịch CONMEBOL, Juan Angel Napout và cựu Chủ tịch liên đoàn Brazil, Jose Maria Marin đã bị kết án sau các phiên tòa. Napout hiện vẫn đang ở tù ở Florida, còn Marin đã được phóng thích vào tuần trước.

Tuy nhiên, đỉnh điểm của vụ bê bối này - vốn gây sốc cho toàn thế giới khi Qatar đánh bại Mỹ với tỷ lệ phiếu bầu 14-8 để giành quyền đăng cai World Cup 2022 - xem ra vẫn chưa được đưa ra ánh sáng. Bởi trong vụ việc khiến 16 trong số 24 thành viên của Ủy ban điều hành FIFA thời đó đã bị bãi nhiệm hoặc bị điều tra hành vi nhận hối lộ, còn bao gồm cả gồm cựu Chủ tịch FIFA Sepp Blatter và cựu Chủ tịch UEFA, Michel Platini - người liên quan đến vụ việc bị bắt giữ tại Pháp gây chấn động vào tháng 6 năm ngoái để lấy lời khai về bê bối này.

Tin cùng chuyên mục