“Phép lạ Tây Ban Nha” hay là “cuộc thảm sát Argentina” ở Mar del Plata? Mỗi người sẽ có một cách nhìn riêng về chiến thắng của đội tuyển Tây Ban Nha và… thất bại của người Argentina ở trận chung kết Davis Cup 2008. Còn lại, đương nhiên, đây là trận đấu đầy bất ngờ vào dịp cuối tuần rồi, vốn sẽ mang lại ký ức và rất nhiều suy ngẫm cho mọi người…
Xúc cảm sau trận đấu quyết định

Fernando Verdasco (trái) và Feliciano Lopez gặp gỡ Thủ tướng Tây Ban Nha Jose Luis Rodriguez Zapatero.
Sau khi ván đấu thứ 5 giữa Fernando Verdasco và Jose Acasuso cho kết quả cuối cùng, bạn nên thử đi một vòng sân vận động trong nhà Islas Malvinas để… nhận ra những gương mặt Argentina tội nghiệp. Juan Martin del Potro thì nhìn “tận đẩu tận đâu” với ánh mắt như mất hồn.
HLV trưởng Alberto Mancini đứng sát rìa sân đấu và để 2 tay lên chống hông như một anh chàng… chết rồi! Đám đông khán giả nam Argentina trên khán đài, những người đã luôn miệng hát ca cái tên “Chucho” (biệt danh của Acasuso), những người đã liên tục đưa ra cho anh này mọi lời khuyên có thể trong suốt trận đấu, hầu hết đều ôm đầu đau đớn.
Các cô gái Argentina thì đều ngồi sụp xuống, mắt ráo hoảnh, ngón tay đặt lên môi. Sự im lặng đã ngự trị trên hầu hết mọi ngõ ngách khán đài sân Islas Malvinas.
Ở một góc nhỏ đối diện cả khán đài hoành tráng, màu áo đỏ của Tây Ban Nha như rực cháy lên dưới buổi chiều tà. Feliciano Lopez - một người hùng ngẫu nhiên - không thể đứng yên mà dạm bước ra sân đấu để… cùng đồng đội đè nghiến lên vị trí Fernando Verdasco đang nằm vật ra vì vui mừng.
HLV Emilio Sanchez Vicaro cũng không thể ngồi yên. Ông nhảy cẫng lên ăn mừng như một đứa trẻ, các động tác nhảy nhót của ông có thể sẽ còn khiến… một HLV đội thể dục nhào lộn ở bất kỳ Olympic phải tròn xoe mắt vì kinh ngạc.
Các tuyển thủ Tây Ban Nha đã thắng trong một trận đấu mà họ hầu như kém cạnh về cả 3 yếu tố “thiên thời, địa lợi và nhân hòa”. Thực chất thì chuyện gì đã xảy ra ở Mar del Plata? Đó là “phép lạ” hay thực chất chỉ là cuộc “thảm sát” những gã ngu ngốc?
Nguồn cảm hứng của... đám đông
Một trong các yếu tố khiến các tuyển thủ Tây Ban Nha thành công là… nguồn cảm hứng từ đám đông. Chính các tay vợt Tây Ban Nha công nhận, sự cuồng nhiệt, hù dọa từ trên khán đài của hơn 10 ngàn người Argentina khiến họ… tự ái và thi đấu mỗi lúc một kiên cường hơn. Điều này… dường như là sự thật.
Nếu không tin, hãy điểm qua một vài tình tiết quan trọng ở các trận đấu đã diễn ra. Sau khi David Nalbandian giành được điểm số đầu tiên cho Argentina bằng cách hạ gục David Ferrer dễ dàng trong 3 ván, Lopez phải gánh lấy trách nhiệm không để cho người Argentina dẫn xa khi đối mặt với tay vợt đang lên tay là Del Potro. “Tiểu tử” người Argentina đã chơi tốt trong ván đầu tiên của trận đơn thứ 2.
Nếu Lopez để thua trong trận đấu này, hầu như tuyển Tây Ban Nha sẽ không thể gượng dậy. Tại sao? Bởi vì để lật ngược tình thế, Tây Ban Nha buộc phải thắng trong 3 trận đấu liên tiếp còn lại (trận đôi và 2 trận đơn cuối cùng).
Làm thế nào họ có thể làm được điều này, nếu Nalbandian chính là tay vợt đánh trận đơn “khóa sổ”. Chỉ cần Nalbandian thắng, hy vọng của Tây Ban Nha sẽ chấm dứt. Như vậy, Lopez không thể tìm cách quay trở lại trong các ván đấu tiếp sau, anh đã “viết giấy báo tử” cho tham vọng của Tây Ban Nha. Lopez đã đeo đuổi Del Potro đến tận loạt tie-break ván 2.
Ở pha bóng đầu tiên, Lopez bỏ lỡ lợi thế cầm giao bóng. Đám đông Argentina ngay lập tức tận dụng cơ hội “trời cho” này để huýt sáo chế giễu anh.
Có thể nhận thấy “máu nóng” đã bốc lên đầu Lopez. Không nói năng gì cả, tay vợt này đi đến cuối sân và ngay lập tức tung ra cú giao bóng thứ 2. Đó là một cú giao bóng không khoan nhượng, bóng không bay vồng mà cắm xoáy xuống đất, nảy lên trong sự ngỡ ngàng của Del Potro.
Một cú giao bóng ăn điểm trực tiếp. Kể từ đó, Lopez đã nghiến răng để giao bóng, anh biến các cú giao bóng của mình trở thành thứ vũ khí hữu hiệu “trị liệu” cho lối chơi năng động của Del Potro. Ngay cả khi đang bị đe dọa sẽ… phạm lỗi giao bóng kép, Lopez vẫn nghiến răng tung ra cú giao bóng của mình. Trông anh hoàn toàn quyết tâm và tập trung hơn bình thường, và anh đã thắng điểm cách biệt 7-2.
Ở ván đấu thứ 3, cả 2 tay vợt lại “lôi” nhau đến loạt tie-break. Del Potro rất vững vàng khi vượt lên dẫn 4-2. Trong một pha bóng ở giữa sân, thay vì đánh “nhấn” kết liễu như bình thường, Del Potro lại ngần ngại, hơi nâng mặt vợt lên - dấu hiệu của sự lo lắng - và đẩy ra một đường bóng quá dài, bóng vượt quá vạch vôi ở cuối sân.
Điểm số được rút ngắn thành 3-4 cho Lopez. Sau đó, tay vợt Tây Ban Nha tiếp tục thắng 4 điểm liên tiếp và vượt lên dẫn 2-1 ở trận đấu này. Tinh thần lên cao, Lopez thắng luôn 6/3 ở ván đấu quyết định, giúp Tây Ban Nha cân bằng tỷ số 1-1.
Lần đầu tiên kể từ khi trận chung kết diễn ra, một nỗi sợ hãi không tên bắt đầu len lỏi khắp mọi cái đầu của người Argentina trên sân Islas Malvinas. Họ đã nhận ra, họ cũng có thể thua…
Sức mạnh từ những “người hùng vô danh” với tình yêu nước cao độ
Trận thua của Del Potro chẳng những khiến Argentina mất đi lợi thế dẫn điểm, mà còn khiến họ bị thiệt quân. Del Potro - kiệt lực vì vừa bay về Argentina sau khi thi đấu ở Masters Cup, Thượng Hải - đã dính chấn thương. Anh buộc phải rút lui khỏi trận đánh đơn trong ngày thi đấu cuối cùng.

Feliciano Lopez (trái) và Fernando Verdasco trên bục nhận chiếc huy chương vô địch Davis Cup cao cả.
Sự vắng mặt của anh, và chiến thắng của Lopez khiến áp lực đè nặng thêm về phía Argentina. Khi người ta nhận ra Del Potro chưa hẳn là một tay vợt của những trận đấu lớn, và rằng việc anh lọt vào tốp 10 năm nay chỉ là do sự sung mãn nhất thời, người Argentina biết rằng các tay vợt có thứ hạng thấp hơn của Tây Ban Nha có thể làm hơn một chiến thắng. Davis Cup từng chứng kiến những “kẻ vô danh” thành người anh hùng. Lần này, lịch sử đã lặp lại.
Lịch sử từng chứng kiến những tay vợt không có thứ hạng cao, không ở phong độ “thượng thừa” trong các giải đấu cá nhân vẫn chơi thành công ở các kỳ Davis Cup khi niềm tự ái và tự hào dân tộc sôi sùng sục trong huyết quản. Mark Philippoussis từng mang về 2 danh hiệu Davis Cup cho quần vợt Australia.
Guy Forget cũng làm điều tương tự cho quần vợt Pháp trong năm 1991 - với một chiến thắng để đời trước Pete Sampras vốn đang trẻ trung, đầy khát khao và tham vọng. Với Tây Ban Nha, tuần lễ vừa rồi chắc chắn không thuộc về tay vợt lớn như Rafael Nadal, mà nó thuộc về các tay vợt “nhỏ” nhưng tình yêu nước không hề nhỏ. Đó là Lopez. Đó còn là Fernando Verdasco.
Thay thế Ferrer khi đội tuyển quê nhà đang dẫn trước 2-1, Verdasco đã biến Acasuso thành tay vợt… xui xẻo. Trận đấu dằng dai 5 ván giữa 2 người này thật khó được xem như là một trận đấu đẹp mắt, nhưng sự kịch tính và nghẹt thở thì khỏi phải nói. Nếu đây chỉ đơn thuần là một trận đấu ở một giải đấu cá nhân bình thường của ATP, ví dụ như một trận đấu vòng 1 ở Cincinnati chẳng hạn, sẽ có nhiều ghế trống trên khán đài chứ không phải những chỗ ngồi chật cứng khán giả.
Và bạn cũng không thể đòi hỏi, cả 2 tay vợt có lối chơi tương tự nhau - chuyên về phòng thủ ở cuối sân - lại chấp nhận mạo hiểm lên lưới để… hở sườn cho đối phương “đâm thọc”. “Đây là trận chung kết Davis Cup với trình độ cấp hội sở (nghĩa là không phải trình độ thế giới - PV)”, đó là những gì mà bình luận viên Barry Cowan từng nói trên truyền hình. Nhưng dù trận đấu có thể không hấp dẫn, Verdasco đã có được thứ anh mong muốn đó là chiến thắng.
Verdasco bị dẫn 1-2 sau 3 ván đầu tiên (6/3, 6/7, 4/6). Lại một lần nữa, người Tây Ban Nha bị dẫn trước. Rồi sự xoay chuyển tình thế đã diễn ra khi Acasuso cầm giao bóng lúc đang bị dẫn 2/3 ở ván đấu thứ 4. Anh đánh một cú trái tay đầu tiên không chính xác, sau đó lại đánh thêm một cú trái tay không chính xác nữa và để thua break-point.
Không khí khi đó như đặc quánh lại, vì cơ hội lật ngược thế cờ đã mở rộng ra cho Verdasco. Verdasco từng kể lại là anh đã cố gắng ngồi thư giãn và lấy lại bình tĩnh sau khi để thua ở ván thứ 3. Đó là lý do anh hoàn toàn thoải mái khi tận dụng khoảnh khắc sai lầm của Acasuso, bắt đầu ép Acasuso phải thường xuyên đánh trái tay hơn.
Verdasco đã tận dụng tốt lợi thế, anh thắng 6/3 ở ván đấu này. Cũng như những gì Lopez từng cảm thấy trong trận thắng Ferrer, lúc này, Verdasco cảm thấy rất hưng phấn, và anh biến ván đấu cuối cùng trở thành thảm họa cho Acasuso, anh thắng với điểm số áp đảo 6/1.
Những khoảnh khắc cuối cùng
Còn đọng lại sau những cung bậc đầy màu sắc ở Mar del Plata là hình ảnh đầy tội nghiệp của Acasuso. Sau khi bắt tay cùng Verdasco, tay vợt người Argentina này mắt hoen đỏ định bước nhanh khỏi sân đấu. Với dáng vẻ rất “đàn anh” Nalbandian bước lại định an ủi và chia sẻ với anh.
Nhưng an ủi được gì, chia sẻ thế nào, khi đây là lần thứ 2, Acasuso để thua trận quyết định ở chung kết Davis Cup. Hồi năm 2006, anh cũng đã để thua trận đấu quyết định với Marat Safin. Acasuso đã bước khỏi sân đấu, một mình. Nỗi đau này sẽ còn tiếp tục gặm nhấm trái tim anh thêm bao nhiêu lần nữa?
Có những quan điểm mới mẽ, với mong muốn làm “tươi mới” Davis Cup. Đó là “Davis Cup nên được tổ chức 2 năm một lần”, và “Nên có suất miễn vòng đấu loại cho các đội tuyển vô địch”. Đó chỉ là những ý kiến, quan điểm để suy ngẫm trong tương lai.
Còn giờ đây, người ta chỉ nghĩ về Lopez, về Verdasco. Có thể, cả 2 anh không thể vươn lên những cột mốc thành tích cá nhân lừng lẫy như Nadal hay Roger Federer, nhưng 2 anh cũng có những vinh quang của chính mình, những khoảnh khắc đáng nhớ của chính mình, ngôi vô địch ở Davis Cup 2008.
Với người Argentina, thành phố biển Mar del Plata mãi gợi nhớ một… thảm họa. Nhưng với người Tây Ban Nha và cả giới hâm mộ quần vợt trên địa cầu, chỉ có một thứ duy nhất đã diễn ra ở Mar del Plata, đó là “phép màu đỏ rực” mang hơi hướm của Lopez và Verdasco.
ĐỖ HOÀNG