Gần 30 câu hỏi được chờ chia sẻ tại cuộc đối thoại “Phát triển bóng đá Việt Nam”

Sau khi công khai lấy ý kiến đóng góp, vào lúc này, gần 30 câu hỏi liên quan tới bóng đá được dành cho Bộ VH-TT-DL, Bộ Giáo dục & Đào tạo, Liên đoàn bóng đá Việt Nam, Tổng cục TDTT đã được tổng hợp và sẽ có trả lời vào ngày 13-1 tại Hà Nội trong cuộc đối thoại “phát triển bóng đá Việt Nam”.

Bóng đá Việt Nam sẽ có cuộc đối thoại "Phát triển bóng đá Việt Nam" vào ngày 13-1 tới đây. Ảnh: ANH TRẦN
Bóng đá Việt Nam sẽ có cuộc đối thoại "Phát triển bóng đá Việt Nam" vào ngày 13-1 tới đây. Ảnh: ANH TRẦN

Trước đó, trong Hội nghị sơ kết 4 năm thực hiện Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Bộ VH-TT-DL tổ chức ngày 29-12-2017, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã chỉ đạo các nhà quản lý tổ chức Đối thoại về phát triển bóng đá Việt Nam. Buổi đối thoại chính là để giải quyết các ý kiến, sự đóng góp cũng như trả lời khúc mắc từ người hâm mộ, giới chuyên môn cũng như những người quan tâm thể thao Việt Nam để làm sao bóng đá Việt Nam phát triển tốt hơn.

Bộ VH-TT-DL chủ trì buổi đối thoại trên và Tổng cục TDTT là đơn vị thực hiện cuộc đối thoại mang tên gọi “Phát triển bóng đá Việt Nam”. Chương trình diễn ra vào ngày 13-1.

Tính tới lúc này, gần 30 câu hỏi đã được đặt ra và đại diện của Bộ Giáo dục & Đào tạo, Tổng cục TDTT, Liên đoàn bóng đá Việt Nam (VFF), Công ty Cổ phần bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam (VPF) cùng tham gia trả lời trực tiếp.

Một số câu hỏi tạo được sự quan tâm như: “Nhiều đội bóng tham dự V-League chưa đảm bảo quy chuẩn theo Quy chế bóng đá chuyên nghiệp từ sân bãi đến đào tạo trẻ nhưng vẫn tham gia giải đấu cấp cao nhất. Việc CLB Quảng Nam không được tham dự AFC Champion League là ví dụ thể hiện rõ nhất việc này. Trong thời gian tới Tổng cục TDTT có kiên quyết chấn chỉnh tình trạng “Quy chế một đằng, thực hiện một nẻo không”? Nếu có thì kế hoạch, giải pháp như thế nào để các đội bóng đáp ứng đúng các tiêu chuẩn theo định hướng CLB chuyên nghiệp của FIFA?”

Hay như “Chiến lược phát triển bóng đá Việt Nam đề ra 5 mục tiêu, 8 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2020, 6 chỉ tiêu cụ thể đến năm 2030, 65 nhiệm vụ và giải pháp, giai đoạn 2012 - 2016 có 9 dự án trọng điểm với 5 đề án, 3 dự án, 1 chương trình, giai đoạn 2016 - 2020 có 2 chương trình và 1 dự án. Vậy Bộ VHTTDL tổ chức thực hiện, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp, dự án, chương trình trên như thế nào? Các chỉ đạo vừa qua đã quyết liệt chưa? Từng nội dung trong Chiến lược đã có kiểm điểm, đánh giá chưa?”.

Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT – ông Vương Bích Thắng cho biết, cuộc đối thoại mở cửa và chào đón giới truyền thống.

Tin cùng chuyên mục