Ở độ tuổi của anh, sự ổn định và cẩn trọng phải là lựa chọn hàng đầu. Còn thách thức nào khiến anh mạo hiểm dấn thân vào, khi ưu tiên số 1 vẫn là gia đình, là vợ đẹp con ngoan? Tuy vậy, gã trai lãng tử sinh năm 1981, đã mạo hiểm vượt biển thêm một lần nữa, đến với một quốc gia xa lạ, để lại tiếp tục cháy lên khát vọng và cả đam mê vô tận với quả bóng tròn.
Mối nhân duyên giữa Matsui với Sài Gòn FC, một đội bóng vẫn còn “lạ lẫm” ngay giữa đất Sài Gòn, vẫn đang cố đi từng bước thật hợp lý để chinh phục trái tim của đông đảo người Sài Gòn chính hiệu, có công lao rất lớn của ông Trần Hòa Bình - “bầu” Bình, Chủ tịch Sài Gòn FC…
Tiền vệ quê ở “phủ” Kyoto (Nhật Bản có 47 đô, đạo, phủ, huyện, tương đương với tỉnh, là đơn vị hành chính địa phương thứ nhất, trong đó có 2 phủ là Kyoto và Osaka), vừa có những trải lòng về nhân duyên với Sài Gòn FC, với "bầu" Bình trên tờ Forbes phiên bản tiếng Nhật.
“Tôi rất ngạc nhiên, và không tin vào chính tai của mình. Tôi không nghĩ rằng mình sẽ lại có cơ hội chinh chiến ở nước ngoài một lần nữa. Tuy nhiên, khi thảo luận với các lãnh đạo của Sài Gòn FC, tôi biết Việt Nam vẫn đang phát triển kinh tế rất mạnh mẽ, ngay cả khi đang phải căng mình chống dịch Covid-19"
"Chủ sở hữu của CLB (“bầu” Bình) đã cho tôi thấy một tầm nhìn vô cùng rõ ràng. Chính vì thế, tôi đã quyết định đến với Sài Gòn FC”, Matsui nhớ lại quãng thời gian lần đầu tiên anh bất ngờ được đội bóng đất Sài Gòn tiếp cận, vào khoảng tháng 11 năm ngoái, khi anh còn chơi cho Yokohama FC, và J1 League đang đi đến những vòng đấu cuối cùng.
Matsui tiếp tục nói về lý do anh quyết định chuyển đến Sài Gòn: Chính là sự hiện diện của “bầu” Bình. Kể từ năm nay, năm 2021, “bầu” Bình sẽ vừa là chủ sở hữu, vừa đảm nhận vai trò Chủ tịch của đội bóng. “Bầu” Bình định vị đây chính là giai đoạn đầu tư về phần cứng cho CLB, đó là đầu tư về các cơ sở vật chất, trang thiết bị, và sau đó là đầu tư về phần mềm, đó là nguồn lực con người, kiến thức, để phát triển.
“Khi nghe “bầu” Bình chia sẻ về việc mua lại cơ sở vật chất để phát triển CLB, đơn cử như việc mua sân bãi tập luyện đã tiêu tốn hàng tỷ yên, thêm vào đó là kế hoạch để có thể đưa CLB thi đấu và cạnh tranh ở đấu trường châu Á, ngoài ra còn đầu tư đưa nhiều cầu thủ, chuyên gia từ Nhật Bản về Việt Nam, thực hiện việc quản lý đội bóng vô cùng bài bản, tôi đã nghĩ rằng, sẽ là rất tuyệt vời nếu tôi trở thành một phần trong kế hoạch đó. Là một cầu thủ, nhưng tôi vẫn muốn mình có thể đóng góp cả cho xã hội bằng cả những thứ không liên quan đến bóng đá theo nhiều cách khác nhau, như là trở thành cầu nối giao lưu văn hóa Nhật - Việt!”.
Với Matsui, cuộc phiêu lưu mới ở tuổi 40 tại Việt Nam, sẽ là mùa giải chơi bóng chuyên nghiệp thứ… 22. Việt Nam cũng sẽ là quốc gia thứ 6 mà anh đến thi đấu, còn Sài Gòn FC là CLB thứ 13 mà anh vinh dự khoác áo. Từng ra nước ngoài lần đầu tiên hồi năm 2004, Matsui thừa sức thích nghi với những môi trường văn hóa - xã hội - bóng đá hoàn toàn khác nhau, tuy vậy, thách thức lớn nhất với anh vào lúc này vẫn là vấn đề tuổi tác và thể lực.
Nhưng sao cũng được, Matsui vẫn luôn là như vậy, ngập tràn cảm giác đam mê chơi bóng và ưa chuộng đối đầu với thách thức, thích phiêu lưu mạo hiểm, dù đó mà một Matsui còn rất “non tơ” hồi 23 tuổi (lần đầu tiên ra nước ngoài, đến với Le Mans), một Matsui dày dạn kinh nghiệm khi đã bước sang tuổi 30 (và rời nước Nga quay về nước Pháp) và bây giờ là một Matsui 40 tuổi đầy đủ vinh quang.
“Trước tiên, mỗi lần đưa ra quyết định, tôi sẽ dựa vào những định kiến và phán quyết riêng của chính bản thân mình”, Matsui kể. Hồi năm 2017, những tưởng “các cuộc phiêu lưu” của Matsui đã từng lại khi anh chơi cho đội bóng Nhật Bản Jubilo Iwata suốt 3 năm trời, giúp đội bóng quay trở lại với J1 League. Nhưng bất chấp HLV Hiroshi Nanami và các cộng sự cố gắng giữ chân, anh vẫn quyết định bước ra khỏi “vùng an toàn” thêm một lần nữa, và bay sang Ba Lan để gia nhập một đội bóng Hạng 2 của nước này, là CLB Odra Opole. Khi đó, Matsui đã 36 tuổi…
Matsui nhớ lại và chia sẻ: ““Tôi không muốn ở trong một môi trường ổn định. Tôi vẫn muốn thử thách mình ở một môi trường nào đó thật sự khắc nghiệt. "Có thể nói rằng chuyển ra nước ngoài ở tuổi này là liều lĩnh, thế nhưng tôi nghĩ rằng, việc thử thách sau đó có thể chỉ toàn là thất vọng tuy nhiên nhưng nó sẽ là tài sản của tôi mãi về sau. Con đường của tôi (ngoài bản thân tôi) sẽ không có ai có thể đi hộ mình. Do vậy, tôi vẫn sẽ luôn tiến về phía trước”.
Giờ đây, 4 năm sau cuộc phiêu lưu tưởng như là “cuối cùng”, gã lãng tử Matsui lại vượt đại dương thêm một lần nữa, với điểm đến là đất nước Việt Nam. “Tôi nghĩ rằng việc đi tới các quốc gia khác nhau, nói chuyện với nhiều người sẽ mở rộng thêm chiều sâu cá nhân của riêng tôi. Ở Nhật Bản cũng có câu “Ếch ngồi đáy giếng”. Hơn thế nữa Nhật Bản là quốc đảo vì thế việc đi đến những quốc gia khác học hỏi những điều khác biệt là vô cùng quan trọng".
"Bạn sẽ không biết gì nếu không đi trải nghiệm. Những trải nghiệm đó sẽ trở thành tài sản quý già của bạn sau này. Ví dụ như việc tôi có thất bại, có gặp chấn thương đi chăng nữa thì tôi cũng sẽ không hối hận với những quyết định và lựa chọn của mình. Đó chính là ý nghĩa của sự thử thách.”.
“Khi tôi tiếp xúc với một cái gì đó mới, tôi nghĩ mình có thể nhìn mọi thứ từ nhiều khía cạnh và góc độ khác nhau. Cùng với tuổi tác, kinh nghiệm đã tích lũy được của và cộng thêm cả những góc nhìn của một huấn luyện viên, Tôi nghĩ tôi có thể dạy bóng đá cho trẻ em ở Việt Nam vào một ngày nào đó. Khi đó, tôi nghĩ sẽ có rất nhiều cơ hội sẽ mở ra với tôi”, Matusi nói.
Trên tài khoản Instagram của mình, Matsui từng đăng tải những hình ảnh xúc động khi anh cùng các đồng đội tại Sài Gòn FC cùng giao lưu và dạy bóng đá cho trẻ em ở Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với đó là bức ảnh anh đang bắt tay với “bầu” Bình. Dưới bức ảnh Matsui cũng có khẳng định lại về những ước mơ vĩ đại mà ông bầu này chia sẻ cùng với anh, với dòng ghi: “Sứ mệnh của tôi là mang đức tính chăm chỉ, tinh thần về lòng hiếu khách (tinh thần Omotenashi), sự tôn trọng con người của Nhật Bản đến với Việt Nam, thông qua đó, không chỉ nhằm để phát triển bóng đá nói riêng, mà hơn thể nữa là giúp Việt Nam phát triển văn hóa - kinh tế - xã hội!”.