Bất ổn tâm lý
Với tính cách thích gây sự chú ý, “nay thế này, mai thế khác” của McGregor, nhiều người không quá tin vào miệng lưỡi của anh - mỗi lần anh nói lên ý định giải nghệ. Tuy vậy, trong quá khứ hồi năm 2016, McGregor từng có ý định giải nghệ thật sự, do ám ảnh và tự trách mình sau sự kiện “đồng môn sư huynh” của anh là võ sĩ Charlie Ward (cũng là người CH Ailen) đánh chết đối thủ Joao Carvalho ở trận đấu thuộc hệ giải Total Extreme Fighting!
Ngay trước khi sự kiện “chết người” gây chấn động làng MMA thế giới hồi tháng 4-2016, McGregor đang trong trạng thái bất ổn tâm lý sau trận thua đầu tiên ở UFC trước Nate Diaz (để thua sau khi dính đòn siết cổ nghẹt thở). McGegor gia nhập UFC vào tháng 4-2013, sau khi rời khỏi hệ giải Cage Warriors. Anh nhanh chóng xây dựng thương hiệu “Gã điên Ailen” trong lồng sắt bát giác của nước Mỹ với 7 trận toàn thắng vang dội (trong đó có cả trận thắng trước Poirier - người anh sẽ đối mặt vào Chủ nhận tuần này (giờ Việt Nam).
Trận thua Diaz đầy bất ngờ đã khiến “Giấc mộng Vàng trên đất Mỹ” của McGregor sụp đổ. Anh nhận ra rằng, không có gì toàn màu Hồng và chiến thắng, dù đến mức nào, rồi cũng sẽ kết thúc bằng một thất bại. Ở thời điểm đó, McGregor chỉ có thể tìm kiếm sự nguôi ngoai bằng việc tập luyện, trau dồi với các “đồng môn sư huynh đệ” thuộc phòng tập, “võ đường” của mình. Anh ở lỳ tại quê nhà Dublin, rồi đi xem trận đấu của Sư huynh Ward.
Anh trai của Joao, sau này nhớ lại: “Đó là lần đầu tiên Joao thượng đài bên ngoài Bồ Đào Nha. Cậu ấy phát điên vì cơ hội này, nhưng cũng rất lo lắng. Cậu ấy biết rằng, đây là cơ hội để đấu với một gã vốn là “đồng môn sư huynh đệ” chung phòng tập với McGregor. Ở thời điểm đó thì, McGregor đã trở thành một trong những ngôi sao sáng nhất của làng MMA thế giới. Và một chiến thắng trước Sư huynh của anh ta, sẽ gây tiếng vang lớn!”,
Cũng vào lúc đó, McGregor rất chuyên tâm với Sư huynh của mình. Anh luôn ủng hộ các võ sĩ quê nhà Ailen mà thậm chí, Ward còn là “đồng môn sư huynh đệ” chung phòng tập của anh. Họ tập luyện cùng “sư phụ” John Kavanagh và “vị sư phụ” này còn đặt cho Ward cái biệt danh khá bệnh là “Hospital Ward”, dù võ sĩ năm nay đã 40 tuổi, vốn chuyển sang thi đấu cho Bellator sau 2 năm không thành công với UFC, không hề thích biệt danh này.
Trận đấu giữa Ward và Carvalho diễn ra rất suôn sẻ, đương nhiên là với Ward. Ward chiếm ưu thế từ đầu đến cuối. Đến hiệp thứ 3, Ward đánh cho Joao chảy máu mũi rất nghiêm trọng. Sư huynh của Ward liên tục tấn công, dồn ép Carvalho đến hàng rào của lồng sắt bát giác, nhưng bằng cách này hay cách khác, võ sĩ người Bồ Đào Nha thoát khỏi tình thế bất lợi, thế nên trọng tài không thể sớm kết thúc trận đấu. Tuy vậy, ở cuối hiệp 3, Ward vật sấp Carvalho ra sàn đài và liên tục đấm vào mặt anh này. Lúc này trọng tài mới can thiệp, tuyên bố chấm dứt trận đấu trao chiến thắng KO kỹ thuật cho Ward. Nhưng mọi chuyện đã muộn.
Tổng cộng, đầu của Carvalho đã trúng quyền đến 40 lần, trong chưa đến 3 hiệp đấu. Dù vậy, trong suốt thời gian thi đấu, võ sĩ người Bồ Đào Nha không hề phàn nàn, nhưng anh có nói rằng anh cảm thấy mệt. Sau trận đấu khoảng 20 phút, Joao cảm thấy đau đầu dữ dội và muốn ói. Anh được đưa ngay đến bệnh viện, nơi các bác sĩ tiến hành phẫu thuật não khẩn cấp. Joao đã chiến đấu với tử thần khoảng 2 ngày và rồi trút hơi thở cuối cùng.
Alex, anh trai của Joao, tiếp tục kể lại, thường thì sau mỗi trận đấu, em trai sẽ gửi tin nhắn điện thoại đến cho anh này, Cả đời Joao luôn muốn trở thành võ sĩ, anh đã tập luyện rất nhiều, làm thêm nghề “bảo kê quán bar” để chăm sóc mẹ già. Ngược lại, Alex không hề thích đánh lộn, anh này không bao giờ đi xem các trận đấu, thậm chí xem trên mạng cũng rất ít. Tuy vậy, Alex đã mở mạng xem trận đấu của Joao, anh nhận ra em trai rất mệt…
Cảm thấy điều gì xảy ra, Alex cố gắng nhắn tin cho Joao ngay lập tức. Đây là lần đầu tiên, Alex chủ động nhắn tin, không chờ đợi. Nhưng không có phản hồi. Alex không thể ngủ được và nửa đêm, HLV của Joao gọi về từ Dublin. Ông ấy nói rằng Joao đang nằm viện trong Khoa chăm sóc đặc biệt, Alex cần phải bay đến Dublin ngay trong chuyến bay đầu tiên. Alex đã làm theo mọi chỉ dẫn, bay đến Dublin và bắt xe đến bệnh viện. Tuy vậy, Alex không bao giờ có thể nói chuyện với em trai của mình. Joao bất tỉnh nhiều giờ và không bao giờ tỉnh lại.
Ngay từ hồi còn trẻ, Joao đã yêu MMA. Trong khi các cậu trai khác ở Linsbon chỉ đuổi theo quả bóng tròn, Joao lại theo học môn Karate, sau đó học cả Jiu-Jitsu, Muay Thái. Đến 20 tuổi, anh theo đuổi MMA vì chỉ có môn võ này mới mang lại đầy đủ các đòn thế mà Carvalho yêu thích. Lúc đó, Joao làm rất nhiều nghề, một trong số đó là bảo kê quán bar để kiếm tiền nuôi mẹ già (mẹ anh khi đó đã 70 tuổi, ba anh thì đã qua đời). Joao, được Alex miêu tả, là một chàng trai luôn vui vẻ, luôn mơ ước theo sự nghiệp thi đấu trong lồng sắt bát giác.
“Joao là một con người tích cực và rất say mê võ thuật. Cậu ấy luôn sống rất lạc quan và cư xử rất tuyệt vời. Tôi không nói điều này chỉ bởi vì cậu ấy là em trai của tôi. Cậu ấy chăm sóc mẹ của chúng tôi, rất tốt. Cậu ấy cũng sẵn lòng giúp đỡ mọi người, bất cứ ai gặp rắc rối hay cần thứ gì đó. Cậu ấy là một chàng trai mạnh khỏe, không hút thuốc hay uống rượu. Nếu cậu ấy thấy ai đó đang cầm điếu thuốc lá, cậu ấy sẽ rời khỏi phòng ngay lập tức. Khi thấy tôi hút thuốc, cậu ấy luôn yêu cầu tôi: “Hãy bỏ thuốc lá đi anh”. Joao không có quá nhiều bạn bè. Chủ yếu cậu ấy chỉ giao tiếp với khán giả, gọi họ là anh chị em. Trong môn thể thao này, những đồng môn sư huynh đệ dễ trở thành bạn bè, anh em thật sự với bạn nhiều hơn!”, Alex nói.
Sau sự cố chết người, Alex cũng có cái nhìn cảm thông với “kẻ sát nhân”, dù là nhiều người cho rằng nên buộc tội giết người với Ward. Alex không muốn Ward bị trừng phạt, anh cũng chẳng hờn giận võ sĩ người Ailen gì cả: “Tôi đồng ý rằng Ward không đáng bị buộc tôi giết em trai của tôi. Đương nhiên là không. Tôi chẳng có gì để chống lại gã ấy. Bởi vì anh ta cũng chỉ là một võ sĩ như Joao, chỉ làm công việc của mình trên sàn đài. Nếu đó là một người khác, chúng tôi vẫn cảm thấy như vậy. Chúng tôi cảm thấy nuối tiếc với chuyện đã xảy ra”.
Tuy vậy, Alex lại đối mặt với “sự thiếu tôn trọng” từ phía Ailen: Do Joao chết ở nước ngoài, chính quyền mất đến 16 ngày mới bàn giao thi thể Joao về cho gia đình ở Lisbon. Alex còn kể, vụ việc của Joao bị phớt lờ và chỉ sau một cuộc nói chuyện “cấp cao”, mọi chuyện mới được giải quyết. Tuy vậy, người ta vẫn dành sự xót thương cho Joao. Một người Ailen đã đứng ra vận chuyển thi thể Joao về Bồ Đào Nha mà không lấy chi phí. Trong khi đó, một võ sĩ MMA người Ba Lan quyên 2 ngàn EUR cho gia đình Joao làm tang lễ.
Đó là chuyên bên phía gia đình Joao, phía Alex, còn phía McGregor thì sao? Dù vụ việc được xác định chỉ là tai nạn, và điều này hay xảy ra trong các môn thể thao mang tính tranh đấu tay đôi, nhưng cũng có nhiều thứ lấn cấn. Ward không bị cáo buộc hình sự, anh này thậm chí vẫn tham gia MMA (2 tháng sau, anh lại thượng đài và có một chiến thắng khác) và từng được UFC ký hợp đồng trong 2 năm, với 2 trận đấu toàn thua. BTC trận đấu không gặp vấn đề, phía y tế cũng vậy khi họ cung cấp lời khai đã kiểm tra kỹ sức khỏe của 2 bên. Trọng tài Mariusz Domasat, người bị cáo buộc không sớm dừng trận đấu, vẫn tiếp tục hành nghề ở Nga…
Tuy vậy, chính McGregor mới cảm thấy hối hận. Anh lo lắng với bóng quyền của Ward, vốn là những “chiêu thức” rất quen thuộc trong phòng tập của anh, vì nó đã trực tiếp gây ra cái chết cho Joao. Chính anh đã tập luyện cùng Ward rất, rất nhiều lần trước trận đấu với Carvalho. Anh không thể quên đi sự kiện ở Dublin và luôn lo nghĩ về nó. Conor sau đó đã phải lên tiếng thừa nhận: “Đây là môn đấu nguy hiểm. Mọi người gọi MMA là môn thể thao, nhưng nó đơn giản chỉ là một cuộc chiến thật sự. Tôi không thể tin rằng cậu ấy đã chết!”.
McGregor sau đó đã đăng tải trên Facebook (lúc này anh vẫn chưa trở thành nhân vật “cực hot” trên trang mạng xã hội Twitter như hiện nay) những dòng chữ đầy cảm động: “Đây là một tin khủng khiếp với Carvalho. Chứng kiến một thanh niên làm những gì mình thích, chiến đấu cho một cuộc sống tốt hơn, rồi bị cướp mất cuộc sống, đó thật sự là câu chuyện đau lòng. Chúng ta chỉ là những người đàn ông, phụ nữ làm những gì mình thích với hy vọng cải thiện cuộc sống cho chính bản thân, cho gia đình. Không một võ sĩ nào muốn thấy điều này xảy ra. Đây là một trường hợp hy hữu, tôi không biết làm thế nào lại liên quan đến nó”.
Sau đó, MGregor đã đóng các kênh truyền thông xã hội của mình sau thông điệp, lần này là trên Twitter: “Tôi quyết định giải nghệ khi còn trẻ. Cám ơn vì tất cả. Hẹn gặp lại sau này”. Anh lựa chọn im lặng suốt thời gian dài. Rồi thời gian chữa trị mọi vết thương, McGregor đã hồi phục, quay trở lại, trở thành huyền thoại của UFC và giờ đây, “biến tướng” trở thành “Kẻ xấu”. Liệu có bao giờ, trong tâm thức của mình, anh nhớ về một McGregor ngày xưa, dễ xúc động, giàu tình cảm và đầy lòng thương người. McGregor, giờ là “Gã điên” và anh sẽ thượng đài trong một trận đấu không có khoan nhượng, không còn đường lùi, vào Chủ nhật này!