
Không có Venus, cũng không có Serena, thế mà tuyển Mỹ vẫn làm nên “một chuyện thật đặc biệt” - khi đánh bại tuyển Nga “hùng mạnh” với sự hiện diện của tay vợt hạng 6 WTA Elena Dementieva. Không có Venus, Serena, rất nhiều người Mỹ đã thất vọng và e ngại tuyển Mỹ sẽ lại thua tuyển Nga lần thứ 3 liên tiếp ở bán kết Fed Cup. Thế nhưng, có một người đã đứng lên và nói: “Không!” - đó là Bethany Mattek-Sands…

Mattek-Sands vui mừng với chiến thắng.
Người hùng từ... trên trời rơi xuống
Bethany Mattek-Sands (hiện xếp hạng… 129 ATP) mới chỉ được gọi vào đội hình tuyển Mỹ trong thời gian gần đây - kể từ trận thắng tuyển CH Séc 3-2 ở bán kết Fed Cup hồi tháng 4-2009. Cô luôn là người được lựa chọn sau cùng, không chỉ không thể so sánh với chị em nhà Williams, mà càng không thể so sánh với những tay vợt trẻ có tương lai đầy hứa hẹn như Vania King, Melanie Oudin… Thậm chí, vai trò của Mattek-Sands còn thua xa cả tay vợt “ngoại đạo” Liezel Huber - người gốc Nam Phi, một chuyên gia đánh đôi luôn đảm nhận đấu các trận đôi then chốt. Trước đây, khi nói đến Mattek-Sands (cô chỉ có tên là Mattek trước khi… lấy chồng), ai cũng hình dung đến một tay vợt nữ có gu thời trang rất ư là… dị hợm - Mattek-Sands từng 2 lần được “bình chọn” là tay vợt nữ ăn mặc xấu nhất trong năm của WTA! Nhưng giờ đây, Bethany (hay còn được gọi là Bethanie) đã là một người hùng giúp đưa tuyển Mỹ lọt vào trận chung kết Fed Cup lần thứ 2 liên tiếp.
Ban đầu, tuyển Mỹ “không chị em nhà Williams” chỉ biết dựa vào tay vợt trẻ 18 tuổi Oudin (hiện xếp hạng 31 WTA) - tay vợt được bà HLV Mary Joe Fernandez đưa vào vị trí “tiên phong”, tuy nhiên, Oudin đã không mang được nhiều đột biến cho tuyển Mỹ sau khi thắng Alla Kudryavtseva (Nga, hạng 78 WTA) nhưng lại để thua Dementieva ở trận đấu sau. Trong khi đó, sau khi thua Dementieva trong trận đánh đơn thứ 2, Oudin lại xuất hiện như một “cánh chim đầu đàn” khi hạ Ekaterina Makarova (Nga, hạng 62 WAT) trong trận đánh đơn cuối cùng để cân bằng tỷ số 2-2 cho tuyển Mỹ, trước khi sát cánh cùng Huber mang lại chiến thắng quyết định trong trận đánh đôi cuối cùng khi hạ bộ đôi Dementieva và Kudryavtseva. Dù bị đánh giá thấp hơn trước trận bán kết, tuyển Mỹ vẫn qua mặt ngoạn mục tuyển Nga “hùng mạnh” với chiến thắng sát sao 3-2 nhờ vào “người hùng từ… trên trời rơi xuống” Mattek-Sands. Cô đã giành được 2 trận thắng, 1 thua.
Người Mỹ đầu tiên thắng trận đôi ngay sau khi thắng trận đơn
Mattek-Sands đã trở thành người Mỹ đầu tiên thắng được 2 trận đấu liên tiếp thuộc 2 “thể loại” khác nhau - một trận đánh đơn rồi sau đó là một trận đánh đôi - để mang lại chiến thắng quyết định cho đội tuyển quê nhà kể từ khi thể thức đánh 5 trận thắng 3 được ITF áp dụng ở Fed Cup (hồi năm 1995). Để chuẩn bị cho trận đánh đôi quyết định ngay sau khi giành chiến thắng trong trận đánh đơn cuối cùng, Mattek-Sands chỉ có vỏn vẹn 30 phút để thư giãn và nghỉ ngơi, mát xa cơ thể và đôi chân mệt mỏi. Cô cũng đã vội vàng nuốt vội vài miếng thức ăn để có đủ thể lực bước ra sân đấu. Điều đó khiến cho chiến thắng của Mattek càng thêm “diễm lệ và tuyệt vời”. Khi giành được chiến thắng cuối cùng, Mattek-Sands giương cao nắm đấm tay phải lên trời và hét to đầy quyết tâm. Nhờ vậy, đông đảo khán giả hiện diện tại Nhà thi đấu Jefferson Convention Complex Arena (Birmingham) nhìn thấy… hình xăm hoa và bươm bướm trên bắp và cổ tay phải của cô…

Mattek-Sands và Huber trong trận thắng đôi.
Chiến thắng đưa tuyển Mỹ vào trận chung kết thứ 26
Với chiến thắng ngoạn mục 3-2, tuyển Mỹ đã giành được tấm vé tiến vào trận chung kết thứ 26 - và là trận chung kết thứ 2 liên tiếp - của mình. Trong 25 lần lọt vào chung kết Fed Cup trước đó, tuyển Mỹ đã có 17 lần đăng quang (một con số kỷ lục, vượt xa thành tích 7 lần vô địch của tuyển Australia đang xếp ở vị trí thứ nhì). Tuy nhiên, kể từ năm 2000 cho đến nay (cái thời mà Jennifer Capriati còn gây đình đám), tuyển Mỹ chưa một lần đăng quang. Đó một phần là do chị em nhà Williams mắc chứng bệnh “lười thi đấu”. Đối thủ của tuyển Mỹ ở trận chung kết diễn ra vào cuối năm nay cũng là rất quen thuộc - tuyển Italia (mới nghiền bẹp tuyển CH Séc với tỷ số áp đảo 5-0). Chính tuyển Italia đã “hủy diệt” tuyển Mỹ “không chị em nhà Williams” trong trận chung kết Fed Cup hồi năm ngoái, mùa giải 2009, với tỷ số áp đảo là 4-0. Nhưng ở đó, không có Mattek-Sands, và cũng không có tinh thần thi đấu không hề sợ hãi, không hề đầu hàng như ở trong trận bán kết vừa qua.
Niềm tự hào trên đầu môi
Không rõ bà Fernandez có dự định đưa chị em nhà Williams quay trở lại đội hình hay không, (tất nhiên, với điều kiện là họ… mong muốn cái đã), nhưng trước mắt, bà đang cảm thấy rất sung sướng và tự hào vào cái đội ngũ hiện tại của mình: “Tôi nghĩ, tất cả mọi người trong đội tuyển đều muốn thưởng thức giá trị của chiến thắng này. Chúng tôi vẫn còn rất nhiều thời gian trước trận chung kết, mục tiêu của chúng tôi là giành chiến thắng, vì thế, chúng tôi sẽ kết hợp cùng nhau để tạo thành một tập thể mạnh nhất có thể để giành ngôi vô địch. Đó là thứ chúng tôi luôn làm ở từng trận đấu vừa qua. Tôi có nhiều niềm tin vào đội hình này, đây là đội tuyển của tôi”. Mattek-Sands thì nói: “Tôi đã được sự ủng hộ của cả đám đông ở phía sau lưng. Tôi nghĩ, điều này đã thật sự giúp ích cho tôi trong chiến thắng, và gây không ít khó khăn cho đối thủ. Tôi biết, đây mới chỉ là trận đấu Fed Cup đầu tiên của Makarova, vì thế, tại sao không để cô ấy thấy cáu giận và mất tập trung”.
Oudin cũng nói rất rõ ràng quan điểm của mình: “Ai nên đại diện cho tuyển Mỹ ở trận chung kết? Mọi người đã mang chúng tôi đến đây, để rồi chúng tôi mang mọi người vui sướng tiến vào trận chung kết. Và tôi nghĩ, đó là điều công bằng nhất cần phải làm. Bạn nên vững tin vào một đội hình đã giúp mang tất cả khát khao, ước vọng tiến vào trận chung kết”. Oudin đã cố gắng hết sức, nhưng Dementieva tỏ ra già dặn hơn hẳn Oudin trong trận đánh đơn thứ ba, và Oudin đã thua tâm phục khẩu phục. Nhưng, ở đó vẫn còn có Mattek-Sands, và ở đó cũng còn có Huber, một chốt chặn cuối cùng. Huber cũng nói lên suy nghĩ đầy tự hào (đến độ… nổi da gà) của mình: “Trước khi bước ra sân đấu để đánh trận đấu đôi, tôi giống như đang suy nghĩ: “Điều này có thật không, có thật là trận đánh đôi sẽ diễn ra hay không?” Sau đó, tôi nhìn vào bản thân mình ở trong gương, và tự nhủ: “Đây là lý do lý giải tại sao mình phải thi đấu, và tại sao mình lại bắt buộc phải cố gắng hết sức”.
ĐỖ HOÀNG