Hôm 15-10, HLV Hoàng Anh Tuấn đã lên đường sang Thụy Sỹ để thi tốt nghiệp chương trình Pro.license - chứng chỉ hành nghề bóng đá chuyên nghiệp của thế giới. HLV Hoàng Anh Tuấn tham gia khóa học này từ tháng 4-2014 đến nay, trải qua 5 học kỳ lần lượt tổ chức tại Malaysia, Trung Quốc, Hàn Quốc và kỳ cuối ở Thụy Sỹ. Nếu được cấp chứng chỉ sau khi hoàn thành chương trình này, HLV Hoàng Anh Tuấn đủ tiêu chuẩn để dẫn dắt tất cả các CLB trên thế giới. Hiện nay ở Việt Nam chỉ có ông Tuấn đủ tiêu chí này và điều đáng nói là theo ông việc tham gia khóa học chỉ vì đam mê. “Tôi coi nghề HLV là niềm đam mê lớn sau khi giải nghệ bóng đá. Chính vì thế, dù các học viên phải tự túc kinh phí, khá tốn kém nhưng bản thân tôi luôn cảm thấy có niềm vui, động lực”, ông Tuấn tâm sự.
![]() |
HLV Hoàng Anh Tuấn (Ảnh: HUY THẮNG)
Từng là tuyển thủ quốc gia, sau khi giải nghệ tại đội Khánh Hòa, ông Tuấn bắt đầu học nghề HLV và đến năm 2007, khi đã 41 tuổi ông mới chính thức cầm quân. Ngay lập tức, ông đưa đội U.21 Khánh Hòa vô địch quốc gia và sau đó giúp Khatoco Khánh Hòa trở thành hiện tượng “ngổ ngáo” tại V-League với một phong cách thi đấu hiện đại. Khi đội này chuyển giao cho Hải Phòng, ông tiếp tục cầm quân thêm 2 năm nhưng sau đó lại nghỉ một thời gian để đi học. Ít ai biết, ông Hoàng Anh Tuấn có bằng A (bằng cao nhất của AFC) từ năm 2005, từng tham gia khóa học lớp chuyên tu, trợ giảng tại Ấn Độ và Thụy Sỹ. Ông Hoàng Anh Tuấn cũng là HLV Việt Nam duy nhất được Liên đoàn Bóng đá Đức (DFB) chọn tham dự khóa huấn luyện viên trình độ A (cấp cao nhất) trong 2 tháng hồi năm 2009 tại Trường Thể thao Hennef.
Sau khi được VFF mời dẫn dắt đội tuyển U.19 quốc gia trong điều kiện không được đầu tư, thời gian hạn hẹp và chịu áp lực từ thành tích của U.19 năm ngoái, nhưng ông Tuấn đã đưa U19 Việt Nam chơi ấn tượng, đoạt HCB Giải U.19 Đông Nam Á và toàn thắng 4 trận tại vòng loại, giành vé dự VCK U.19 châu Á 2016, sau đó ông lại xin nghỉ để tìm những thách thức tại V-League.
Những thành công của ông Hoàng Anh Tuấn đã cho thấy năng lực của các HLV Việt Nam không hề kém, thế nhưng VFF chưa có một chương trình hỗ trợ nào dành riêng cho các danh thủ, cựu tuyển thủ nâng cao tay nghề ngoài việc tổ chức các khóa học để các HLV thi lấy bằng theo quy định của AFC. Ai cũng biết, muốn có trò giỏi thì phải có thầy hay, công tác đào tạo trẻ muốn có chất lượng thì các HLV ngay từ những lứa U.13, U.15 cũng phải là những người có trình độ và uy tín. Như vậy, việc đầu tư cho các HLV cũng là biện pháp cần được tiến hành song song với việc đầu tư cho bóng đá trẻ.
Yến Phương