Đụng đâu thiếu đó

1. Một trong những lý do chính để VFF siết chặt số lượng ngoại binh đó là tình trạng thiếu chân sút của đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn 2010-2012. Chẳng biết điều đó có tác dụng đến đâu (thực tế thì các chân sút mới cũng không nhiều), nhưng cuộc khủng hoảng hậu vệ ở đội bóng do ông Miura dẫn dắt hiện nay lại phát sinh thêm một vấn đề mới mà chắc chắn điều này không đến từ lỗi của các ngoại binh.

1. Một trong những lý do chính để VFF siết chặt số lượng ngoại binh đó là tình trạng thiếu chân sút của đội tuyển Việt Nam trong giai đoạn 2010-2012. Chẳng biết điều đó có tác dụng đến đâu (thực tế thì các chân sút mới cũng không nhiều), nhưng cuộc khủng hoảng hậu vệ ở đội bóng do ông Miura dẫn dắt hiện nay lại phát sinh thêm một vấn đề mới mà chắc chắn điều này không đến từ lỗi của các ngoại binh.

Đụng đâu thiếu đó ảnh 1

HLV Miura.

Thực tế tại các CLB hiện nay, những cầu thủ phòng ngự kỳ cựu vẫn đang có đất sống. Phước Tứ ở B.Bình Dương, Chí Công ở ĐT.LA, Minh Đức tại SLNA, Minh Châu, Khánh Lâm tại Hải Phòng…Với mục tiêu trẻ hóa đội tuyển, HLV Miura cũng hạn chế gọi cầu thủ trên 30 tuổi nhưng điều này đẩy ông vào thế kẹt là không có nhân tố mới trong phòng ngự. Việc gọi 2 cầu thủ Việt kiều Đặng Văn Robert, Michal Nguyễn ở những lần tập trung gần đây cho thấy bóng đá Việt Nam đang thiếu nghiêm trọng những hậu vệ có thể hình và chơi đầu óc, nhất là ở khu vực trung tâm.

2. Nghĩ thấy buồn. Hết lo thiếu vắng chân sút, nay lại lo không có người đá phòng ngự. Chẳng cần phải tìm đâu nguyên nhân xa xôi, cái chính vẫn là chất lượng thi đấu V-League. Hai mùa gần đây, V-League bùng nổ bàn thắng. Mỗi mùa đã có xấp xỉ trung bình 4 bàn/trận. Nhưng bàn thắng nhiều đâu có nghĩa là bóng đá tấn công lên ngôi, chất lượng thi đấu tốt hơn, tiền đạo sẽ “mọc như nấm sau mưa”, mà ngược lại, nó phản ảnh một sự dễ dãi trong thi đấu, là ví dụ tiêu biểu cho số lượng trận đấu “vô vị” ngày càng tăng lên. Nếu năm 2012, 14 đội đá V-League chỉ có 2 đội thủng lưới trên 40 bàn thì mùa giải vừa qua, có đến 6 đội. Nếu năm 2012 chỉ có 2 đội lọt lưới trung bình 2 bàn/trận thì 3 mùa gần đây, số lượng đó là 5-6 CLB mỗi mùa. Bàn thua đến quá dễ dàng dù tiền đạo giỏi không xuất hiện thì có thể hiểu là khả năng phòng thủ của các CLB sa sút đến đâu.

Tân binh Việt kiều Đặng Văn Robert (trái) đang được sự tín nhiệm của HLV Miura. Ảnh: Minh Hoàng

3. Bóng đá Việt Nam ghi nhận rất nhiều thủ lĩnh đến từ hệ thống phòng thủ, đặc biệt là trong kỷ nguyên V-League. Trên thực tế, một nền bóng đá kém phát triển như Việt Nam, có các hậu vệ giỏi luôn là điều đáng mừng bởi từ bảng xếp hạng FIFA nhìn xuống thì chẳng có bao nhiêu đội, còn nhìn lên thì…vô số. Cách tốt nhất để bóng đá Việt Nam phát triển phải bắt đầu từ khâu phòng thủ chứ không phải tấn công hay phong cách chơi bóng đẹp mắt. Hãy đặt chúng ta vào vị thế của “con nhà nghèo học giỏi” hơn là kiểu “nhà có điều kiện”.

Từ sau thời của Vũ Như Thành, Huy Hoàng đến nay, bóng đá Việt bói không ra những cầu thủ phòng ngự giỏi. Đó là lý do mà từ 2012 đến nay, đội tuyển luôn thất bại theo những cách “ngây ngô” và đầy nghi ngờ bởi các lỗi sơ đẳng trong phòng thủ. Chất lượng của V-League là một chuyện nhưng việc hạn chế ngoại binh theo kiểu giải pháp chữa cháy của VFF là một chiến lược kém tầm nhìn. Những tiền đạo ngoại binh có thể khiến các tiền đạo nội phải nỗ lực hơn để giành suất và cũng giúp cho các hậu vệ nội được trải nghiệm sự khốc liệt cao hơn. Họ chẳng gây ra điều gì tai hại về mặt chuyên môn cả, cấm để làm gì?

Và một lần nữa, đội tuyển trở thành nạn nhân của kiểu tư duy thời vụ và chạy theo dư luận của những nhà điều hành bóng đá.

HỒ  VIỆT

Tin cùng chuyên mục