Trước thềm Giải hạng Nhất quốc gia 2023 khởi tranh đã xảy ra vấn đề với Sài Gòn và Cần Thơ, khi 2 đội quyết định xin rút lui và khiến sân chơi chỉ còn 10 đội tranh tài. Giải đấu phải 2 lần bốc thăm và xếp lịch thi đấu, đồng thời chuyển đổi thể thức thi đấu từ chia thành 2 giai đoạn trở lại vòng tròn 2 lượt tính điểm xếp hạng chung cuộc. Ban tổ chức cũng điều chỉnh cơ chế lên - xuống hạng, với CLB vô địch sẽ đoạt tấm vé duy nhất tham dự V-League 2023-24, còn đội cuối bảng thi đấu trận play-off với một đại diện hạng Nhì có thành tích cao.
Những đối thủ của PVF CAND
Trong 10 CLB ở hạng Nhất, PVF CAND có sự chuyển biến tích cực nhất. Họ vốn là đội bóng Phố Hiến đã nhiều năm liền “chờ thời” để có hy vọng thăng hạng. Năm nay, khi được chuyển giao cho Bộ Công an quản lý, với “thiên thời - địa lợi - nhân hòa” ủng hộ, thầy trò HLV Nguyễn Quốc Trung được giới chuyên môn nhận định sẽ là ứng viên tiềm năng nhất cho tấm vé duy nhất thăng hạng V-League 2023-24.
Ngoài trừ Lê Văn Đô đã nói lời chia tay, PVF CAND giữ gần nguyên bộ khung thi đấu cùng nhau nhiều mùa giải đã qua, bên cạnh bổ sung thêm những cầu thủ kinh nghiệm như Lê Minh Bình, Ngô Viết Phú hay Phí Minh Long. “Năm nay chỉ có 1 suất lên hạng nên cuộc đua sẽ rất quyết liệt. Tôi nghĩ PVF CAND chính là ứng viên sáng giá nhất, vì họ đang rất khát khao cho mục tiêu này”, HLV Văn Sỹ Sơn của Quảng Nam đánh giá.
Đó là sự tôn trọng của HLV kỳ cựu Văn Sỹ Sơn đến đối thủ. Còn Quảng Nam của ông Sơn, hay các ứng viên khác như Bà Rịa - Vũng Tàu và Long An vẫn đủ lực để cạnh tranh sòng phẳng với PVF CAND. Nhưng sự vướng bận của nhóm ứng viên này nằm ở việc phải chờ lãnh đạo địa phương “có bật đèn xanh” hay không. Năm ngoái, Quảng Nam hay mùa giải trước nữa Bà Rịa - Vũng Tàu đang nắm nhiều lợi thế trong cuộc đua giành vé thăng hạng V-League, nhưng bất ngờ chững lại vào giai đoạn cuối và nhìn đối thủ hưởng niềm vui lên chuyên.
Trước mùa giải 2023, HLV Văn Sỹ Sơn thừa nhận lãnh đạo vẫn chưa nói gì về mục tiêu cho Quảng Nam. Việc để Hà Minh Tuấn và Mạch Ngọc Hà - bộ đôi đã ghi đến 10 bàn thắng ở mùa giải trước, ra đi đã dấy lên sự nghi ngờ cho tham vọng của đội bóng xứ Quảng. Bản hợp đồng mới đến từ Trần Thành (Huế), Trần Hữu Đông Triều (HAGL) hay Phạm Hoàng Lâm khó có thể xây dựng niềm tin nơi người hâm mộ xứ Quảng.
Niềm vui của các cầu thủ Quảng Nam khi đánh bại SLNA ở Cúp quốc gia 2023. |
Còn tác động mạnh từ nhà tài trợ chính khiến Bà Rịa - Vũng Tàu chuyển đổi chính sách về nhân sự. HLV Nguyễn Minh Phương buộc trẻ hóa đội hình, với các cầu thủ trưởng thành từ lò đào tạo TPHCM, Học viện Juventus và Nutifood. Dù niềm tin được khơi dựng sau chiến thắng trước TPHCM ở vòng sơ loại Cúp quốc gia, nhưng sân chơi hạng Nhất là một cuộc đua đường trường, đòi hỏi cao yếu tố kinh nghiệm. Đó là điều mà các cầu thủ Bà Rịa - Vũng Tàu còn thiếu. Tương tự với Long An của HLV Nguyễn Anh Đức ưu tiên sử dụng “cây nhà lá vườn”, nhưng cũng ký mới 11 cầu thủ để gia tăng chiều sâu đội hình.
Tất nhiên, Quảng Nam, Long An và Bà Rịa - Vũng Tàu vẫn nỗ lực thi đấu hết mình, tính toán từng trận một, và rồi đến giai đoạn cuối mùa sẽ tính cho tương lai.
... và nhóm còn lại xây dựng phong trào
Phần lớn các đội hạng Nhất vướng cơ chế ở địa phương, nơi mà việc hoạt động của CLB dựa không ít thì nhiều vào tiền ngân sách. Điều này tác động rất lớn đến việc chuẩn bị trước thềm mùa giải mới. Đơn cử Huế năm nay sẽ bước sang mùa giải thứ 10 liên tiếp thi đấu ở sân chơi hạng Nhất. Từng có thời điểm đội bóng Cố đô đã chạm đến tấm vé trở lại đấu trường V-League, với 2 mùa giải 2015 và 2017 đoạt ngôi á quân, nhưng vì cơ chế chưa cho phép khiến họ tiếp tục chờ. Tình hình năm nay của đội chủ sân Tự Do không có gì cải thiện. HLV Nguyễn Đức Dũng tiếp tục trẻ hóa đội hình, khi đăng ký đến 8 cầu thủ lần đầu dự sân chơi chuyên nghiệp, và tạo điều kiện cho cựu tuyển thủ U20 Việt Nam Trần Thành hay trụ cột Bùi Xuân Lộc khoác áo các CLB khác.
Huế có năm thứ 10 liên tiếp dự Giải hạng Nhất quốc gia. Ảnh: KIM PHỤNG |
Việc ưu tiên phát triển công tác đào tạo trẻ giúp Huế có nguồn cung cấp cầu thủ dồi dào cho đội 1. Nhưng với Bình Phước, Bình Thuận và Phú Thọ, họ phải mượn tứ phương, hoặc lấy các cầu thủ đang chuyển nhượng tự do, để về lắp ráp đội hình. Đó là lý do mà phần lớn các vụ chuyển nhượng ở hạng Nhất có giá trị hợp đồng kéo dài chỉ 1 mùa giải. Sẽ không bất ngờ nếu nhóm đội này thi đấu kiểu “cầm chừng” để duy trì phong trào cho bóng đá tỉnh nhà.
Phù Đổng hay tân binh Hòa Bình là 2 CLB khác có những nhà tài trợ đồng hành. Tuy nhiên, về tham vọng, con người phải đi mượn lẫn nguồn lực đến từ nhà tài trợ có hạn, khiến năm nay họ chưa dám mộng lớn. Ở buổi lễ xuất quân vào tối 3-4, HLV Lê Quốc Vượng khiêm tốn với mục tiêu trụ hạng cho Hòa Bình, và nếu có kết quả thuận lợi thì hướng đến việc vào tốp 5.