
Gần như cả thế giới chống lại cô trong cuộc chiến với Justine Henin. Và trên khán đài sân Rod Laver Arena tối 30-1, có bao nhiêu người vỗ tay ủng hộ cô, hồi hộp khi cô để thua những break-point quan trọng? Họa chăng chỉ có mỗi… chị cô, Venus Williams. Trong tư thế tưởng chừng rất khó khăn đấy, Serena Williams lại một lần nữa vượt khó, và lại một lần nữa thành công. Đáng quý hơn, chiến thắng ngày hôm nay không phải là chiến thắng trong thời kỳ Serena đang “độc diễn”, mà nó đến khi cô bắt đầu cảm nhận được sự thách thức từ nước Bỉ đang ngày một tiến đến thật gần, rất gần…

Serena hạnh phúc bên chiếc cúp vô địch Australian Open 2010.
1- Người ta hẳn vẫn chưa quên cách mà Serena Williams vượt qua Victoria Azarenka ở tứ kết. Đó chính là trận đấu “bản lề” mà khi Serena có thể vượt qua, cô đã chứng minh vẫn sở hữu một tinh thần, tâm lý rất mạnh mẽ. Lý ra Serena đã thua khi bị dẫn đến 4/6 và 1/4, nhưng cô đã bình tĩnh quay trở lại, bình tĩnh giành lấy chiến thắng, loại bỏ Azarenka và bình tĩnh dấn bước tiến lên. Thách thức do Li Na tạo ra ở bán kết sau đó là rất khó, nhưng Serena chưa một lần bị đẩy vào “hiểm cảnh”, và lần này cũng vậy, Henin là tay vợt thứ 2, cũng là cuối cùng, ở Australian Open 2010 có thể “lấy” của Serena ít nhất 1 ván đấu, nhưng... mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở đó mà thôi.
Trong trận chung kết với Henin, Serena chưa một lần phải đối mặt với match-point, hay đối diện với một áp lực tương tự như kiểu Henin cầm giao bóng để chiếm lấy cả trận đấu. Trong cuộc chạm trán ngày hôm đấy, chính Serena mới là người “dẫn dắt” cả thế trận, còn Henin, chỉ biết chạy theo… và hụt hơi!
2- Chính Serena cũng thừa nhận, cô rất thích câu chuyện cổ tích ở Melbourne Park năm nay do Henin “kể” nên. Nhưng thích là một chuyện, còn sẵn sàng “phá hỏng” kết cục “hạnh phúc viên mãn” này hay không lại là chuyện khác. Bị đánh giá thấp hơn, bị nhiều người quay lưng lại, Serena vẫn chứng minh một điều: Henin đã quay lại, và có thể thời kỳ thống trị của cô này cũng sẽ “nô nức” quay trở lại, nhưng ngay vào lúc này, ở đây, chỉ có một nhà vô địch, và chỉ một mà thôi. Đó là người xứng đáng hơn trong trận đấu mà Henin tuy không xuất sắc tột đỉnh như cách đây vài năm, nhưng cũng không quá “mềm yếu”.
Serena cho biết: “Tôi nghĩ mọi người đều cho rằng đêm nay là đêm của Justine. Nhưng các bạn có biết điều gì đã thực sự giúp tôi mạnh mẽ hơn không? Có một anh chàng nhìn tôi như thể thương hại: Cô có thể thắng Justine, vì cô ấy không ở mức giỏi nhất. Tôi đã muốn chứng tỏ, những quan niệm không tôn trọng trên là sai lầm. Tôi có cảm giác là trong con người tôi vẫn ngập tràn khát khao chứng tỏ”.
3- Trong thế giới quần vợt hiện đại hôm nay, ai là người có khả năng săn đuổi kỷ lục của những tượng đài lịch sử nhiều nhất? Không phải Serena thì còn ai vào đây? Với ngôi vô địch Australian Open 2010, tay vợt nữ người Mỹ này đã có 12 danh hiệu Grand Slam trong sự nghiệp, thành tích này cân bằng với thành tích hạng 6 của huyền thoại Billie Jean King.
Serena nói với bà Billie như sau: “Bà Billie à! Chúng ta hòa nhé. Tôi đã đạt được mục tiêu của mình”. Nhưng đương nhiên cô vẫn chưa muốn dừng lại ở đây, cô muốn… chạy theo Roger Federer (với điều kiện anh phải tạo ra cột mốc… cuối cùng nào đó). cô cũng muốn đuổi theo Chris Evert hay Martina Navratilova, những người đã thắng được 18 danh hiệu Grand Slam… Tuy nhiên, trước mắt, cô muốn đăng quang ở Roland Garros, giành danh hiệu Grand Slam thứ 13 ở đây. Paris là nơi duy nhất cô chưa giành được… 1 cặp danh hiệu. Nhưng đó là chuyện tương lai, còn bây giờ, cô đang bận thưởng thức chiến thắng xứng đáng của mình.
ĐỖ HOÀNG
Justine Henin: “Serena là nhà vô địch thật sự !” Thừa nhận thất bại, Justine Henin tỏ ra rất sảng khoái: “Đây là 2 tuần đầy cảm xúc đối với bản thân tôi. Tôi nghĩ chuyện này sẽ không bao giờ tái tiễn. Nó quả thật hoàn hảo. Nhưng đơn giản là ở cái bước cuối cùng, tôi đã không thể thành công. Serena luôn phải chơi dưới áp lực, nhưng cô ấy giao bóng thật khó tưởng tượng nổi trong trận đấu này. Cô ấy là một nhà vô địch thật sự. Cô ấy luôn biết tung ra những cú đánh cần thiết đúng lúc, đúng thời điểm. Sau khi thất bại, xét về mặt tâm lý, để tiếp tục đứng trên sân chờ trao giải quả là khó khăn. Đương nhiên là tôi thất vọng khi thua cuộc, đặc biệt là sau 3 ván trong trận chung kết Grand Slam. Nhưng vẫn còn đó rất nhiều tín hiệu lạc quan…”. Đ.Hg. |