Tây Nguyên Gia Lai được dẫn dắt bởi HLV Nguyễn Thủ đã nhận đến 9 bàn thua trong hai thất bại 0-4 trước đội chủ nhà Đắk Lắk và 0-5 khi tiếp đón đội khách Kon Tum. Trong đó, có đến 6 bàn thua được VFF chỉ ra có vấn đề bất thường. “Từ phút 75, hàng hậu vệ thi đấu dưới sức, không tích cực tranh chấp và tổ chức phòng ngự không bình thường, tạo cơ hội cho đối phương ghi bàn dễ dàng”, trích một đoạn trong công văn của VFF đề cập đến thái độ thi đấu của các cầu thủ Tây Nguyên Gia Lai ở cuộc tiếp đón Kon Tum.
Ban huấn luyện của Tây Nguyên Gia Lai giải thích rằng, vì thời gian tập trung CLB quá ngắn, cộng với quân số đa phần là trẻ, từ nhiều nơi quy tụ về nên họ chưa có sự chuẩn bị kỹ lưỡng và nhìn nhận nhân sự một cách thấu đáo.
Theo SGGPO tìm hiểu, phần lớn các cầu thủ trẻ của Tây Nguyên Gia Lai đã và đang được “ăn tập” tại Học viện HA.GL, Học viện Nutifood JMG, kết hợp với một số cầu thủ đang chơi phong trào ở địa phương. Hai học viện kể trên thuộc tốp đầu của bóng đá Việt Nam nên các học viên của họ không thể yếu về chuyên môn được. Thủ môn đội trưởng Kim Hải Long của Tây Nguyên Gia Lai từng khoác áo CAND tham dự Giải hạng Nhất quốc gia 2021. Đặt trong bối cảnh chất lượng Giải hạng Nhì được xem tương đồng với sân chơi U19 quốc gia, việc họ nhận đến 9 bàn thua chỉ sau 2 trận thật khó tin.
Ở Giải hạng Nhì quốc gia 2024 có Đại học Văn Hiến - một đội bóng ở bảng B được VFF công nhận từ ngày 26-2. Họ cũng chỉ có thời gian ngắn để chuẩn bị, với nhiều cầu thủ sinh viên, kết hợp những nguồn khác nhau (có cả cầu thủ trẻ Đồng Tháp). Việc Tây Nguyên Gia Lai (0 điểm) và Đại học Văn Hiến (1 điểm) đón nhận kết quả không tốt trước các đối thủ mạnh hơn không phải điều bất ngờ. Song, điểm khác biệt khi các cầu thủ Đại học Văn Hiến luôn thi đấu cống hiến hết mình, gây ra nhiều khó khăn cho tân binh ĐH.Phú Nhuận, Trẻ TPHCM, và mới nhất là tạo ra màn rượt đuổi tỷ số với Lâm Đồng.
Tại những giải đấu hạng thấp như hạng Nhì, mức độ quan tâm của giới truyền thông lẫn người hâm mộ bị hạn chế so với V-League và Giải hạng Nhất, điều này bắt nguồn do sự lệch pha rất lớn về yếu tố chuyên môn. Từ đó, mở ra thời cơ cho một số đối tượng của trong chính CLB thực việc việc mua bán độ, dàn xếp tỷ số... Đây không phải lần đầu tiên ở Giải hạng Nhì xuất hiện những nghi vấn về tiêu cực. Còn nhớ tại mùa giải 2019, một nhóm cầu thủ trẻ Đồng Tháp khi thi đấu cho mượn ở Gia Định đã viết đơn tường trình có nhận tiền từ “yếu tố bên ngoài”. Vụ việc sau đó đã bị truyền thông phanh phui, gây chấn động với bóng đá Việt Nam.
Hay chỉ trong mùa giải 2023-2024 ở sân chơi hạng Nhất, Đồng Nai và Bà Rịa - Vũng Tàu (BR-VT) đã quyết tâm “làm sạch” đội bóng khi nghi ngờ có dấu hiệu tiêu cực. Đồng Nai thanh lý 5 thành viên trong CLB, trong đó có HLV Nguyễn Văn Dũng. Nhưng mạnh tay hơn là việc BR-VT nhờ công an vào điều tra, phát hiện và sau đó khởi tố 5 cầu thủ.
Những bài học kể trên vẫn còn học vẹn nguyên giá trị với các cầu thủ đang manh nha có ý đồ xấu. Văn bản mà VFF gửi cho Tây Nguyên Gia Lai chỉ sau 2 vòng đầu tiên để kịp thời sớm chấn chỉnh CLB này cũng như răn đe đến những đội bóng khác ở Giải hạng Nhì quốc gia 2024. VFF quyết tâm kiên quyết loại trừ vấn nạn tiêu cực khỏi đời sống bóng đá của nước nhà, sẽ xử lý triệt để những trường hợp vi phạm để xây dựng nền bóng đá phát triển bền vững, lành mạnh, giàu tính cạnh tranh và cống hiến.
Nhưng để bóng đá Việt Nam được sạch hơn thì cần có sự chung sức từ chính những CLB, bởi nơi đây mới quản lý và trả lương cho các cầu thủ. Luôn mong các đội mạnh tay chống tiêu cực, chủ động nhờ cơ quan điều tra vào cuộc để đưa các cầu thủ xấu xí ra ánh sáng thì bóng đá Việt Nam sẽ chặt được “vòi bạch tuộc” này.