Nhưng mọi chuyện không đơn giản như vậy. Federer và Nadal vẫn chia nhau thống trị làng quần vợt nam thế giới, còn Djokovic tiếp tục vật lộn với những vấn đề của chính bản thân mình. “Cựu Nhà vua” vốn đã tuột xuống vị trí thứ 13 trên bảng điểm của ATP chơi rất tệ ở Australian Open, anh thua “Soái ca Hàn Quốc” Hyeon Chung ở vòng 4 trong một trận đấu mà anh gần như không thể chạy chỗ. Sau đó là 2 thất bại liên tiếp trước Daniel Taro (Nhật Bản) và Denoit Paire (Pháp) lần lượt ở Indian Wells và Miami Masters.
Djokovic chưa hề có dấu hiệu cải thiện về mặt chuyên môn. Xét về mặt thể lực, anh nói anh đã thi đấu mà không còn bị cơn đau hành hạ, nhưng anh vẫn chưa sẵn sàng cho các pha giằng co, liên tục phải di chuyển. Tâm lý, một thứ vũ khí lợi hại khác của anh, giờ đây lại cho thấy anh vẫn chưa sẵn sàng, không chỉ trong các trận đấu đơn thuần, mà cả cho việc chơi bóng như một tay vợt chuyên nghiệp bình thường khác. Djokovic đang “thọ giáo” Agassi, thậm chí còn tệ hơn Djokovic “thỏa mãn các danh hiệu” hồi nửa cuối năm 2016…
Vậy nên, chia tay vào lúc này, không chỉ là tốt cho Djokovic, mà còn là “hữu ích cho cả 2 người”. Agassi cho biết: “Với chỉ một ý định tốt nhất, tôi đã cố gắng giúp đỡ cho Novak. Nhưng đôi khi, chúng tôi đã đi quá xa để thường xuyên nhận ra rằng, bản thân chúng tôi rất hay đồng ý về những quan điểm… bất đồng lẫn nhau. Dù sao chăng nữa, tôi chỉ cầu chúc cho cậu ấy một điều duy nhất, tiếp tục tiến lên phía trước với những gì tốt nhất”.
Nhưng điều đó, với Djokovic, vẫn là rất khó. Sau ngôi vô địch Roland Garros hồi 2 năm trước, để trở thành người đầu tiên kể từ thời của Rod Laver, sở hữu cả 4 danh hiệu Grand Slam cùng 1 lúc, người ta đã không còn nhận ra một Nole uy mãnh ngày nào. Anh thỏa mãn các tham vọng cá nhân, nhanh chóng sa sút phong độ, đánh mất sức mạnh về tâm lý, rồi chia tay “Đại sư phụ” Boris Becker (đó chắc chắc là sai lầm lớn nhất trong sự nghiệp của anh), chạy theo những bài tập tinh thần phù phiếm của một chuyên gia “thần học” Pepe Imaz.
Suốt một thời gian dài, những thông tin như Djokovic bỏ các chế độ tập luyện bình thường, cơ thể thiếu sức sống và cơ bắp, tuân thủ những chế độ ăn kiêng kỳ lạ và sau đó là dành quá nhiều thời gian cho gia đình, cho vợ con của mình thay vì cân bằng thời gian của việc làm chồng – làm cha với việc làm một tay vợt chuyên nghiệp trên sân đấu… là những tin đồn khiến các CĐV của anh hoang mang.
Sự phấn khích đã phần nào quay trở lại, khi Agassi, thông qua sự gợi ý của vợ ông, huyền thoại quần vợt nữ của nước Đức – Steffi Graf, đã đồng ý “chỉ giáo” cho Djokovic. Nhưng rồi mọi người cũng nhận ra, Agassi không thể sánh bằng Becker, họ không hợp nhau, nhưng đó chỉ là một lẽ, một lẽ khác chính là, Agassi không hề có kinh nghiệm huấn luyện quần vợt và ở những khía cạnh, ông thậm chí còn kém xa “Cựu Hoàng” người Serbia, nếu thật sự 2 người ở cùng thời và cầm vợt bước ra sân đấu.
BLV quần vợt Darren Cahill từng nói rằng, dường như Djokovic không quá tận tâm với mối quan hệ “sư – đồ” cùng với Agassi. Cahill tiết lộ: “Djokovic có kể với tôi rằng: “Trong suốt quá trình cộng tác với Agassi, tôi tự học hỏi từ phía ông ấy nhiều hơn là những gì mà ông ấy có thể làm được cho tôi”. Như vậy, dường như Djokovic không quá tận tâm với mối quan hệ này và họ là những con người hoàn toàn khác biệt”.
Agassi thiếu kinh nghiệm, Djokovic không tận tâm, hay thậm chí chính Agassi cũng không hề không tận tâm? Cựu tay vợt người Serbia, Radmilo Armenulic, nhận định trên Express: “Tôi nghĩ rằng, chính Novak đã giúp ích cho ông ấy nhiều hơn việc ông ấy giúp ích cho anh ấy, vì Novak đã biến Agassi trở thành… một HLV. Giờ đây, anh ấy phải ra đi bởi vì, bản thân của anh ấy cũng chẳng biết nên làm gì ngay vào lúc này. Agassi chưa bao giờ làm việc như là một HLV thực thu và không hề có kinh nghiệm để giúp đỡ cho Novak. Thậm chí, Novak chơi bóng ở vạch cuối sân còn hay hơn cả Agassi, và cú trả giao bóng của anh ấy cũng hay hơn. Như vậy thì Agassi có thể giúp anh ấy như thế nào đây?”