Không khác với những gì chúng tôi nhận định trong bài “Những cản ngại vô hình”, U.20 Việt Nam không có cơ hội nào trước Pháp và Honduras, hai đội bóng đến từ châu Âu và Trung Mỹ. Ghi nhận tất cả sự cố gắng cống hiến rất nhiệt tình của các cầu thủ U.20 trong lần đầu tiên có mặt ở giải thế giới lần này, nhưng cũng rất cần có cái nhìn khách quan hơn để bóng đá Việt Nam tiếp tục phát triển một cách phù hợp nhất.
Trong lịch sử, xưa nay và nhiều năm dài sau nữa, bóng đá Việt Nam “không có cửa” với các đội bóng Âu, Mỹ; khu vực Đông Nam Á thì cách khá xa Thái Lan, nhưng lại có thể khiến cho các đội bóng vùng Trung Đông phải dè chừng. Đó có thể là cái nhìn bao quát, đơn giản nhất về thực lực của bóng đá Việt Nam, tất nhiên nó mang tính trừu tượng và khó lý giải. Nhưng nếu chúng ta xem đó là yếu tố mang tính tham khảo để có cái nhìn khoa học hơn trong xây dựng chiến lược, điều chỉnh chiến thuật, rèn luyện kỹ năng đối đầu với từng đội bóng có lối chơi khác nhau thì chắc chắn sẽ mang lại nhiều lợi ích thiết thực.
Hầu hết mọi người đều nhận định U.20 Việt Nam chơi hay trong trận đấu với Honduras. Các yếu tố như dồn dập tràn lên tấn công ngay từ đầu, kiểm soát bóng nhiều hơn đối phương, ăn miếng trả miếng trong các pha tranh chấp, di chuyển không mệt mỏi trên khắp sân… đã được đưa ra để chứng minh đội bóng có phần nhỉnh hơn đối phương. Thêm nữa, xem một trận bóng đá trực tiếp mà bình luận viên truyền hình không theo kịp diễn biến các tình huống nhưng lại bình theo quan điểm cá nhân, khen chê loạn xạ thì người xem ít nhiều cũng bị áp đặt bởi cái nhìn lệch lạc ấy. Từ đó, khó mà nhận ra điểm yếu, thậm chí cái sai của đội tuyển.
Không bàn nhiều về trận gặp Pháp, vì ở trong trận này từ huấn luyện viên cho đến cầu thủ đều chấp nhận thua trước khi ra sân, còn ở hai trận gặp New Zealand và Honduras mới thể hiện đúng chất U.20 Việt Nam. Nếu phát huy được lối chơi của trận gặp New Zealand thì sẽ rất tốt cho tương lai. Đây là trận đấu mà U.20 Việt Nam vừa thận trọng, biết người biết ta, tỉnh táo và có phần thông minh trong cách chơi, nhưng điểm chưa đạt vẫn là khâu kết thúc.
Nhưng trận gặp Honduras mới thực sự phơi bày thói quen đá bóng “ngây thơ” của các huấn luyện viên Việt Nam. Việc cho các cầu thủ tràn lên tấn công, kiểm soát bóng và tranh chấp quyết liệt chỉ diễn ra ở 2/3 sân, đến khu vực cấm của đối phương thì mọi thứ đã khác. Không một pha dàn xếp phối hợp nào coi được, khi cầu thủ có bóng trong khu vực cấm là lúng túng, vội vã sút trúng ai thì trúng… Đó là chiến thuật… tự phá sức mà không thể mang lại kết quả nào, nó chỉ làm đẹp nhưng không chút hiệu quả. Honduras quá tinh để “dìu” các cầu thủ Việt Nam đá theo cách “tự sát” như vậy, để rồi hiệp 2 họ chỉ cần tỉnh táo phối hợp vài đường chuyền là có thể ăn bàn rất dễ dàng.
Có thể thấy, đa số các trận thua của các đội tuyển Việt Nam là từ chiến thuật, trong đó sự “ngây thơ” của các huấn luyện viên ảnh hưởng phần lớn đến kết quả. Các cầu thủ Việt Nam hiện nay không thiếu tài năng, thể lực, nhưng hầu hết chỉ biết vắt sức ra mà đá. Nếu họ được trao đổi, hướng dẫn chơi bóng có ý đồ chiến thuật, thông minh và tinh tế hơn thì chắc chắn bàn thắng sẽ trong tầm tay. Vì vậy, kết quả của U.20 Việt Nam tại Cúp thế giới lần này mang đậm dấu ấn chiến thuật hơn là thực lực.