Mặc dù sau đó VFF cho biết đây chỉ là sự hiểu nhầm, không có chuyện “bỏ rơi” các tuyển thủ, nhưng công bằng mà nói, những lời cảm thán như vậy không phải mới lần đầu.
Nhìn chung, cầu thủ lên tuyển là theo nghĩa vụ quốc gia như nhau, nhưng những gì họ nhận được thì lại không giống nhau. Các CLB cũng vậy. Sở hữu nhiều tuyển thủ quốc gia cũng tốt, danh tiếng CLB chắc chắn được biết đến nhiều hơn, nhưng ngược lại, đội bóng cũng nhận các hậu quả nằm ngoài mong muốn, ví dụ như chấn thương.
Thu nhập của cầu thủ khi lên tuyển thì không được bao nhiêu, do đôi khi chỉ tập trung ngắn ngày và tham gia các trận đấu không có tiền thưởng đặc biệt nào. Những ngôi sao thì càng lên tuyển nhiều, họ sẽ có các lợi ích cá nhân thông qua những hợp đồng quảng cáo. Nhưng với đa số cầu thủ khác, đặc biệt là những người đá ở vị trí phòng ngự, hầu như không được gì. Tương tự, với CLB, nếu ngôi sao của họ tham gia nhiều hoạt động quảng cáo cá nhân, chắc chắn phong độ thi đấu cũng sẽ bị ảnh hưởng. Cách đây không lâu, bầu Hiển của Hà Nội phải yêu cầu lãnh đạo CLB ban hành lệnh hạn chế tiền vệ Nguyễn Quang Hải tham gia quảng cáo, bởi thực tế thì tiền lương của Quang Hải tại CLB này cũng thuộc dạng cao nhất giới cầu thủ Việt rồi.
Những mâu thuẫn ấy đều xuất phát từ yếu tố chuyên nghiệp, hoạt động tự kinh doanh, vẫn còn mơ hồ tại Việt Nam. Thể thao Việt Nam vẫn chưa thể phát triển được hệ thống thi đấu có tiền thưởng, tức là càng nỗ lực nhiều thì càng có thu nhập cao. Đa số các VĐV đỉnh cao hiện nay chỉ kiếm thêm thu nhập thông qua thành tích trong màu áo đội tuyển quốc gia ở những giải đấu quốc tế. Thu nhập đó, dựa trên quy định tài chính của ngành, thông thường là cứ có huy chương thì sẽ có tiền. Vấn đề là những giải đấu theo kiểu chính thức thì khá ít, và không phải lúc nào thi đấu cũng đạt thành tích tốt.
Lấy ví dụ như kình ngư Nguyễn Thị Ánh Viên, quanh năm ở tận Mỹ để tập, thu nhập đến từ ngân sách dành cho quá trình tập huấn, lấy đâu ra cơ hội để tăng thu nhập qua quảng cáo, hoặc khai thác hình ảnh cá nhân theo mô-tuýt người nổi tiếng mặc dù xét ở nhiều khía cạnh, tầm ảnh hưởng và các giá trị thương mại của Ánh Viên hoàn toàn không nhỏ. Một ngôi sao như Ánh Viên, nếu tại Việt Nam có những giải bơi theo mô hình tiền thưởng để cô thường xuyên về tham gia thi đấu, thì sẽ rất dễ nhận được các hợp đồng quảng cáo.
Hoặc như điền kinh, môn thể thao mà Việt Nam có nhiều sự tiến bộ, đến nay thì ngoài giải vô địch quốc gia, chưa thấy mô hình tổ chức nào nhằm phát triển hình ảnh bộ môn. Trước đây, sân Thống Nhất từng có ý tưởng tổ chức mỗi tháng một cuộc tranh tài có tiền thưởng, ngân sách cũng không phải là quá lớn, cơ sở vật chất thì có sẵn, chẳng hiểu sao đến nay vẫn không thể thành hình.
Đời sống của VĐV chuyên nghiệp tại Việt Nam cho đến nay vẫn còn chông chênh. Còn thi đấu mà vẫn nghèo, thì hết thi đấu là trắng tay, kể cả cầu thủ bóng đá vốn là môn được yêu thích. Thế nên những tiếng kêu cảm thán từ những nơi trực tiếp quản lý VĐV vẫn thường xuyên vang lên, bởi khi mà VĐV chưa tự kiếm thêm thu nhập, thì chính những nơi quản lý họ phải gồng gánh chi phí nhiều nhất.