“Lời nguyền” vô địch ATP Finals rồi… xong phim!
Tuy vậy, chàng trai 24 tuổi quê ở Moscow sẽ phải đối mặt với một lời nguyền ở ATP Finals, vốn đã ám vào rất nhiều tay vợt đăng quang suốt từ năm 2016 cho đến nay. Kể từ khi Andy Murray chấm dứt chu kỳ thành công của Novak Djokovic và Roger Federer tại giải “Bát đại cao thủ” cuối mùa, không một tay vợt nào vô địch ATP Finals mà có thể gìn giữ được phong độ lẫn đẳng cấp đỉnh cao.
Hồi mùa giải 2016, Murray đánh bại Djokovic sau 2 ván đấu ở trận chung kết ATP Finals trong năm, qua đó, anh chính thức giành danh hiệu ở giải “Bát đại cao thủ” đầu tiên của sự nghiệp, dù đã từng thắng 3 cúp vô địch Grand Slam trước đó - US Open 2012, Wimbledon 2013 và 2016 (đó là vẫn chưa kể đến 2 tấm HCV Olympic quần vợt đơn nam trong các năm 2012 và 2016)…
Bước sang mùa giải 2017, Murray chỉ thắng mỗi danh hiệu Dubai Championships trong tư cách “Hiệp sĩ Anh quốc”, lọt đến bán kết của Roland Garros, trước khi phải liên tục vật lộn với chấn thương bắp đùi, chấn thương hông và buộc rút ngắn mùa giải ngay sau khi Wimbledon kết thúc.
Ở mùa giải 2018, chấn thương hông tiếp tục khiến tay vợt người Scotland phải gác vợt chữa thương suốt 6 tháng đầu năm, và anh chỉ có thể quay trở lại từ Queen’s Club tại London, nhưng rốt cuộc cũng chỉ đánh được 12 trận đấu trong mùa. Đến mùa giải 2019, sau khi tham dự Australian Open và bị loại ngay từ vòng 1, Murray đứng trước một thời khắc then chốt - hoặc mạo hiểm phẫu thuật hông lần nữa, để tiếp tục chơi bóng chuyên nghiệp (dù có thể chịu các di chứng nguy hiểm), hoặc giải nghệ và cũng phải sống với sự đau đớn suốt đời do cái hông mang lại…
Anh đã chọn vế đầu tiên, nhưng ngay cả như vậy, Murray vẫn chưa từng tìm lại được trạng thái “đỉnh phong” kể từ khi anh quay trở lại sau chấn thương. Dù đã vô địch ở Antwerp Open hồi đầu cuối năm 2019, hiện Murray vẫn đang xếp hạng 121 thế giới vì mới kinh qua vỏn vẹn 7 trận đấu ở trong mùa giải năm nay. Murray chắc chắn sẽ không bao giờ thắng thêm Grand Slam.
Tương tự là trường hợp của Grigor Dimitrov. Vô địch ATP Finals 2017 (thắng David Goffin trong trận chung kết 3 ván đấu), những tưởng tay vợt Bulgaria, người một thời cũng được xem là “Next Gen” bên cạnh Milos Raonic, đã thật sự trưởng thành. Nhưng (vẫn “nhưng” đầy ám ảnh), kể từ đó trở đi, anh bạn trai cũ của cả Serena Williams lẫn Maria Sharapova không bao giờ có thêm danh hiệu nào.
Câu chuyện cũng là khá tương tự với Alexander Zverev, người vô địch ATP Finals 2018. Tuy không quá tệ như Dimitrov, nhưng tay vợt trẻ người Đức gốc Nga cũng chỉ giành được 1 danh hiệu ở trong năm 2019 (giải Geneva Open). Trong năm nay, Zverev có vẻ như “bùng nổ” hơn 1 chút khi lọt đến chung kết US Open, giành thêm 2 danh hiệu. Tuy vậy, ở những thời khắc quan trọng nhất, Zverev vẫn không thể khống chế bản thân vượt qua nghịch cảnh, anh còn đang "rối não" đối phó với chuyện bị bạn gái cũ cáo buộc bạo hành, tự nuôi nấng con chung của 2 người.
Liệu sẽ bị “ám” như những người đi trước, hay “thoát thai hoán cốt” trở thành nhà vô địch Grand Slam, biến thành tay vợt số 1 thế giới trong tương lai gần? Trước mắt, Medvedev đang có khá nhiều điểm thuận lợi, thuận lợi hơn so với những gì xảy ra ở mùa giải năm ngoái.
Anh mới chỉ căng sức ở 2 giải đấu cuối mùa, nghĩa là sẽ sung sức cho giai đoạn đầu mùa giải năm sau, với cao điểm là Australian Open - nơi anh có thành tích tốt nhất chỉ là lọt đến vòng 4. Do đó, Medvedev chẳng những có thể “thảnh thơi” hướng đến ngôi vô địch, anh toàn toàn có thể tích lũy thêm nhiều điểm số kể từ vòng đấu thứ 4 trở đi, và như vậy là rất tốt cho cuộc chạy đua săn ngôi số 1 thế giới của chính bản thân anh.
Chàng trai 24 tuổi này cũng không phải bảo vệ quá nhiều điểm số trong giai đoạn đầu của mùa giải, anh sẽ có nhiều thời gian để “sưu tầm” điểm số, tạo ra một vị trí chắc chắn nếu muốn “trùng kích” cảnh giới “Nhà Vua của ATP”. Tâm lý của Medvedev, chắc chắn cũng mạnh hơn rất nhiều so với những Murray, Dimitrov, Zverev và Tsitsipas, nên hãy tin tưởng Medvedev sẽ trở thành người đầu tiên hóa giải “lời nguyền” vô địch ATP Finals rồi xong phim của “tiền nhân”.
Hãy nghe những điều ước, và biết đâu cũng chính là “mục tiêu” của Medvedev khi hướng đến mùa giải năm sau, mùa giải 2021: “Các tay vợt chuyên nghiệp luôn muốn thắng càng nhiều danh hiệu càng tốt. Tôi nghĩ, không ai có thể tham gia 20 giải đấu và giành luôn 20 danh hiệu. Vì thế, đó là điều ước đầu tiên của tôi".
"Thứ hai, bất kỳ một VĐV nào cũng cần có sức khỏe để thi đấu sung sức ở các trận đấu, và giành chiến thắng. Sức khỏe, thể lực là tối quan trọng. Tôi nghĩ, đó là lý do tại sao, hiện giờ chúng ta thấy các tay vợt 35 tuổi, 40 tuổi, vì họ quan tâm đến cơ thể, đến những điều mà người ta không chăm sóc trước đây. Còn để chọn điều ước thứ 3, tôi luôn muốn sở hữu kỹ năng giao bóng như là của Ivo Karlovic (hiện tay vợt người Croatia vẫn đang là “Vua giao bóng” với 13.619 cú ace tính đến thời điểm này của sự nghiệp). Đó là điều ước thứ 3”.
Nhưng trước mắt, hưởng thụ chiến thắng đã!
Còn hiện tại thì, anh vẫn đang thụ hưởng cảm giác của “Kẻ thừa kế” Nikolay Davydenko: “Tôi không ngủ được nhiều. Có rất nhiều thứ vẫn đang diễn ra. Tôi không thể trả lời mọi tin nhắn chúc mừng, tất cả đến từ WhatsApp và đa phần đến từ các nền tảng mạng xã hội khác. Sẽ mất kha khá thời gian cho những chuyện như thế này sao một chiến thắng lớn như thế này. Tôi chơi chút trò chơi Đua xe Thể thức 1 trong khách sạn, ăn mừng với HLV của mình, làm các công việc liên quan đến truyền thông, cũng do vậy, tôi chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ ngủ thật ngon giấc”.
“Trước mắt, tôi chỉ có thể trả lời tin nhắn với vợ tôi, với gia đình tôi trước tiên, sau đó là với bạn thân, với đội hỗ trợ. Tôi cố mang lại cho họ một cái đầu ngẩng cao, đôi khi với một tấm hình chụp cùng chiếc cúp vô địch hay điều gì đó tương tự. Sau đó, tôi sẽ dành thêm thời gian để gửi lời cám ơn đến tấn cả mọi người về những tin nhắn chúc mừng của họ!”, Medvedev tiết lộ.
Có lẽ, Medvedev là người duy nhất không cảm thấy áp lực về “lời nguyền vô địch ATP Finals” ngay vào lúc này.