Hôm nay (8-5), các cựu cầu thủ TCĐS sẽ đến Hà Đông (Hà Nội) để tiễn đưa Lê Thụy Hải về nơi an nghỉ cuối cùng.
Tháng 11-2020, tôi và Lê Thụy Hải gặp nhau tại sân Hàng Đẫy (Hà Nội) nhân sự kiện 40 năm ra đời của Giải vô địch Quốc gia. Sau khi tham dựgiải giao hữu với các đội bóng khác, TCĐS đã có buổi giao lưu. Thời điểm gặp lại Hải, cậu ấy đã bộc lộ rõ những dấu hiệu không tốt về sức khỏe như tóc rụng hơn, nước da sạm màu nhiều... Thếnhưng, giọng nói của Lê Thụy Hải vẫn to, đầy tình cảm và độ nhớ về những trận đấu của TCĐShồi xưa rất tốt. Và tôi không nghĩ rằng, đó là lần gặp mặt cuối cùng của hai anh em.
Có lẽ, trận đấu giữa TCĐS và Cảng Sài Gòn vào tháng 11-1976 trên sân Thống Nhất (TPHCM) là kỷ niệm đáng nhớ nhất giữa tôi và Lê Thụy Hải. Đó là trận cầu đầu tiên giữa hai miền Nam - Bắc sau khi thống nhất đất nước. Nhân dân miền Nam đón tiếp chúng tôi đông vui và như trẩy hội. Tôi vẫn nhớ TCĐS giành chiến thắng 2-0 và Hải là một trong 2 cầu thủ đã lập công ở trận cầu lịch sử.
Lê Thụy Hải có xuất phát điểm thuộc đội 2 của trường huấn luyện đặt tại Nhổn (Hà Nội), hay còn gọi là đội tuyển trẻ Việt Nam. Lúc đó, tôi khoác áo đội 1. Năm 1973, tôi đi du học về và bắt đầu dẫn dắt TCĐS thì Hải đã thi đấu cho đội bóng. Chúng tôi làm việc cùng nhau trong 10 năm tại TCĐS, chúng tôi xem nhau như anh em một nhà và rất hiểu ý nhau.
Hải là tiền vệ xuất sắc. Cậu ấy bù đắp điểm khuyết về thể hình bằng lối chơi cực kỳ thông minh, khôn ngoan và kỹ thuật gần như hoàn chỉnh nhất trong đội. Tiền vệ này làm nên thương hiệu bằng những đường chuyền đầy nhạy cảm, luôn đặt đồng đội vào thế thuận lợi, và đó là những thời khắc để quyết định trận đấu. Dù chơi tiền vệ nhưng Hải rất giỏi trong việc ghi bàn. Cậu ấy ghi quá nhiều bàn thắng làm tôi không nhớ nỗi.
Khi còn là cầu thủ của TCĐS, Lê Thụy Hải đã bắt đầu nghiên cứu công tác huấn luyện. Trong những cuộc trao đổi về chuyên môn, hai anh em nói rất nhiều. Thậm chí, khi bận đi họp thì tôi giao giáo án lại cho các học trò, trong đó có Hải. Cậu ấy thay mặt tôi đứng ra điều hành các buổi tập cho đội. Hải luôn bắt được nội dung của bài tập. Điều này quan trọng nhất. Chất lượng bài tập được đề cao và Hải hết sức chú ý. Khi đi huấn luyện các đội bóng, cậu ấy luôn quan tâmđến vấn đề này.
Cũng có nhiều lý do để người ta xưng Lê Thụy Hải là “HLV đặc biệt của bóng đá Việt Nam”. Sựđặc biệt nằm ở tính cách của cậu ấy rất sôi động, nói thật, nói thẳng và bộc trực. Bóng đá luôn tồn tại những vấn đề nhạy cảm nhưng Hải dám nói,thuộc kiểu nghĩ sao nói vậy, nói đúng vào mục tiêu. Vì thế, người ta xem Hải là HLV đầy cá tính.
Lời cuối cùng, thông qua báo SGGP, tôi xin được gửi lời chia buồn sâu sắc đến với gia quyến của cậu ấy. Mong gia đình và các cháu vượt qua được sự mất mát to lớn này. Còn với bóng đá Việt Nam, chúng ta đã mất đi một HLV tài năng.