Vì có tuyển lựa kỹ và khắt khe thì mới tuyển lựa được những nhân tài, tài năng thực sự và cũng tránh tình trạng đầu tư lãng phí khi không thải loại những cầu thủ không có khả năng tiến xa trong tương lai.
Nở rộng các “công xưởng” đào tạo
Về phương pháp tuyển chọn, đa phần các “lò” sẽ dựa vào các chỉ số về thể chất, kỹ năng của từng cá nhân, các chỉ số khoa học của bộ môn bóng đá, kết hợp với kinh nghiệm tuyển chọn của các HLV có thâm niên.
Về hình thức tuyển chọn, hầu hết các Trung tâm/Học viện sử dụng hình thức tổ chức thi tuyển chọn tại đơn vị đào tạo và tổ chức thi tuyển chọn tại các địa phương. Các Trung tâm/Học viện đều sử dụng hình thức tuyển chọn thông qua các giải thi đấu và liên kết, phối hợp với các địa phương có tài năng bóng đá trẻ và sự quan tâm lớn của các cấp lãnh đạo địa phương đối với bộ môn bóng đá.
Xét về lứa tuổi tuyển chọn, hầu hết các đơn vị đều tuyển chọn và đào tạo chính lứa cầu thủ U11, U13 và U15. Mỗi nơi tùy vào triết lý đào tạo, giá trị văn hóa cốt lõi, mục tiêu và phong cách chơi bóng khác nhau mà có những lựa chọn và lên kế hoạch tuyển chọn, đào tạo riêng. Nhưng nhìn chung thì với các hình thức, phương pháp, quy trình tuyển chọn đa dạng và khoa học đảm bảo đánh giá, phát hiện được những cầu thủ có năng khiếu, tài năng thực sự. Đến nay đã góp phần rất lớn vào hiệu quả của công tác đào tạo tài năng trẻ cung cấp cho các đội tuyển quốc gia.
Đến thời điểm hiện tại, chúng ta có thể tự hào về các “lò” đào tạo nổi tiếng như Hà Nội, Viettel, PVF, HAGL, SLNA và mới nhất xuất hiện thêm Nutifood. Từ những lứa học viên tài năng trẻ xuất phát từ các Trung tâm/học viện này, chúng ta cũng đã có bước tiến về đào tạo trẻ khi có sự quan tâm, đầu tư cho mảng này và có nhiều cách làm đổi mới với những mô hình tiêu biểu là HAGL JMG, Viettel, PVF.
Còn đó những hạn chế
Tuy nhiên, hạn chế của công tác đào tạo trẻ Việt Nam là chưa có hệ thống bài bản, chuyên nghiệp, kế hoạch thống nhất, rõ ràng và xuyên suốt. Mỗi Trung tâm/học viện tự tìm hiểu, nghiên cứu và áp dụng các chiến lược đào tạo theo mỗi kiểu khác nhau nên có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Dù hiện tại, số lượng Trung tâm/Học viện là “trăm hoa đua nở” nhưng số lượng chưa đủ để đáp ứng nhu cầu và hiệu quả chưa cao chưa đồng bộ, thống nhất và bám vào mục tiêu chính về thể lực và tài năng. Thực tế công tác đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn và thách thức.
Vấn đề đầu tiên là khó khăn về tài chính ảnh hưởng trực tiếp đến các Trung tâm/Học viện lớn hiện nay. Hầu hết các “lò” đang gặp vấn đề về tài chính. Thời gian gần đây đã có nhiều quyết định chấm dứt tài trợ và đào tạo với các nhà tài trợ lớn cũng như các học viện quốc tế. Việc thay thế các HLV chuyên nghiệp quốc tế bằng những HLV trẻ, chưa có nhiều kinh nghiệm chắc chắn ảnh hưởng đến chất lượng cầu thủ bởi không có thầy giỏi thì khó có trò giỏi.
Nguyên nhân thứ 2 ảnh hưởng trực tiếp đến số lượng và chất lượng đào tạo của các Trung tâm/Học viện do gần 3 năm dịch bệnh vừa qua. Dù một số đơn vị đang nỗ lực duy trì hệ thống đào tạo, nhưng quy mô đào tạo cũng bị ảnh hưởng, số lượng học viên trong năm thời gian gần đây cũng không đảm bảo được số lượng đủ cung cấp cho nhu cầu hiện tại.
Về chất lượng đào tạo của các “lò” có tốt hơn, nhưng số lượng trung tâm bóng đá trẻ lại thu hẹp lại. Đây là điều tất yếu khi “nước chảy chỗ trũng”. Chỗ thì quá dư thừa cầu thủ trẻ chơi tốt, chỗ lại thiếu hụt để bổ sung cho các CLB lớn hơn. Ngoài ra, một trong những hạn chế lớn nhất của các Trung tâm/Học viện là tuổi đào tạo quá trễ (từ 11 – 13 tuổi) so với thế giới và một số nước khu vực (đào tạo từ 8 - 10 tuổi).