Nhưng đến nay, sở dĩ công nghệ tiên tiến này chưa được vận hành ở đầu mùa bóng do còn chờ các thủ tục, trong đó có việc báo giá từ phía đối tác. Trong tiết lộ mới đây, VPF cho biết đã tham khảo mô hình ở Thai-League và hiện tại đã chuẩn bị những phương án để áp dụng vào sân chơi V-League.
Phương án đầu tiên là đặt trung tâm VAR ở 1 địa điểm cố định và nhận tín hiệu từ các sân cỏ. Khi có vấn đề cần hỗ trợ từ VAR thì trung tâm này sẽ cung cấp tình huống trên cho trọng tài. Nhưng phương án này được biết là rất tốn kém.
Phương án 2 có thể xem là khả thi hơn, đó là việc VPF sẽ có 2 xe ô tô với đầy đủ các thiết bị VAR sẽ cơ động đến các sân bóng. Ở đây, xe của VAR sẽ kết hợp cùng xe màu của Đài truyền hình để làm việc.
Chủ tịch VPF Trần Anh Tú cho biết sẽ chọn phương án 2 qua chia sẻ: “Chúng tôi đã lựa chọn phương án 2 vì sẽ linh động hơn. VPF đặt mua xe 16 chỗ và sẽ ký hợp đồng với một đối tác chuyên nghiệp để họ lắp ráp máy móc hiện đại”. Vị lãnh đạo của VPF nhấn mạnh là tất cả mọi thứ đều phải được báo cáo FIFA và được tổ chức này đồng ý thì mới triển khai.
“Hiện nay chúng tôi đang tích cực chuẩn bị, nhưng nói chung là không đơn giản bởi vì VAR khá phức tạp không chỉ về máy móc, thiết bị mà còn đòi hỏi phải có nhân sự giỏi kỹ thuật, am hiểu sâu sắc về bóng đá”.
Theo lịch thi đấu hiện nay, mỗi vòng đấu của V-League thường chia ra từ 2-3 ngày. Vì thế việc phân bổ 2 xe đến 2 sân làm việc cũng khá thuận tiện. Dự kiến trong mỗi xe sẽ có 4 người, trong đó 1-2 người phụ trách kỹ thuật, còn lại là trọng tài. Các trọng tài làm nhiệm vụ sẽ là những cựu trọng tài có kinh nghiệm được mời làm việc.