Có đi thi bắn súng thế giới mới hiểu sự khó khăn

Đội tuyển bắn súng Việt Nam chưa thể sớm có tấm vé chính thức dự Olympic Paris (Pháp) 2024 khi các xạ thủ dự giải vô địch thế giới 2022 không đạt được kết quả cao nhất. Ra đấu trường quốc tế, nhiều xạ thủ mới ngỡ ngàng và có phần...tủi thân vì trang thiết bị, dụng cụ của mình còn kém xa bạn bè quốc tế.

Xạ thủ Phí Thanh Thảo sẽ nỗ lực hơn ở các giải quốc tế tiếp theo. Ảnh: NAM NGUYỄN
Xạ thủ Phí Thanh Thảo sẽ nỗ lực hơn ở các giải quốc tế tiếp theo. Ảnh: NAM NGUYỄN

Giải bắn súng vô địch thế giới 2022 (tổ chức tại Cairo-Ai Cập), có xét suất dự Olympic Paris (Pháp) 2024), là cơ hội tốt để xạ thủ đội tuyển bắn súng Việt Nam được thử sức thực tế sau thời gian dài chỉ tập luyện, chưa thi đấu nhiều trước ảnh hưởng của Covid-19. Chúng ta đã thi đấu SEA Games 31 (tháng 5-2022) tuy nhiên đây vẫn chỉ là cuộc thi đấu tổ chức tại Việt Nam chứ chưa hoàn toàn là bước ra bên ngoài tranh tài.

Những xạ thủ như Hà Minh Thành, Phí Thanh Thảo, Trịnh Thu Vinh, Phan Xuân Chuyên, Phạm Quang Huy dự giải vô địch thế giới 2022 đang là các xạ thủ được đánh giá có chuyên môn và triển vọng cơ hội tranh suất Olympic Paris (Pháp) 2024 nhất. Dựa trên các kết quả bài bắn tại từng nội dung VĐV Việt Nam góp mặt, chúng ta thấy rằng, xạ thủ của Việt Nam còn đứng xa trước đối thủ trên thế giới lúc này dù họ đều cố gắng, nỗ lực và có kết quả tốt về thành tích bản thân.

Dĩ nhiên, một phần trong đó cũng nằm ở câu chuyện nếu xạ thủ được trang bị súng tốt hiện đại, được bắn đạn “xịn” thường xuyên và được tập huấn, thi đấu quốc tế đều đặn thì chưa hẳn chúng ta đã kém đối thủ. Tại giải đấu, khi gặp mặt người bạn Park Chung-gun (HLV trưởng đội tuyển bắn súng Việt Nam) thì một HLV của đội bắn súng quốc gia Hàn Quốc không ngần ngại tặng mấy chục hộp đạn để cho xạ thủ Việt Nam tập, bắn làm quen. Một thành viên đội tuyển bắn súng Việt Nam bày tỏ, đạn đó do hãng sản xuất Lapua có tiếng và rất “xịn” được sử dụng riêng cho từng loại súng và xạ thủ Việt Nam không được tập và bắn đạn này khi ở nhà. Khi có đạn “xịn”, súng được thông nòng bắn tốt.

Thực tế thi đấu, với đạn và súng của mình, xạ thủ Việt Nam ít nhiều có sự thua thiệt trước bạn bè quốc tế bởi điều này thấy rõ ngay khi thi đấu. Xạ thủ Phan Xuân Chuyên thực hiện bài bắn súng ngắn của mình thì sau loạt 60 viên đã có 2 viên không nổ nên trượt khỏi cơ hội tranh vào nhóm top 10 có kết quả tốt nhất. “Khi trọng tài ra kiểm tra, bóp súng thì 2 viên lại nổ nên theo quy định là không được bắn bù. Một phần là lỗi từ súng”, thành viên đội bắn súng Việt Nam tiết lộ. Đó là đạn và súng của chúng ta nên không thể trách cứ ai được về điều này.

Hay câu chuyện của xạ thủ xinh đẹp Phí Thanh Thảo cũng...cười ra nước mắt. Khẩu súng trường của nữ tuyển thủ này là do thể thao Quân đội (đơn vị quản lý VĐV) cấp. Trước các đối thủ, Thảo tự tin bước vào thi đấu nhưng cô không đủ cơ hội lọt vào nhóm đầu trong nội dung của mình ở giải vô địch thế giới lần này để tranh suất Olympic Paris (Pháp) 2024. Hỏi ra mới hiểu, khẩu súng Thảo đang sử dụng có tuổi đời nhiều hơn xạ thủ...2 tuổi. Năm nay, Phí Thanh Thảo tròn 18 tuổi. Khẩu súng đã có tuổi đời khoảng 2 thập kỉ thì rất khó có được sự hiệu quả như những khẩu súng mới, tốt của các đối thủ trên thế giới.

Bắn súng Việt Nam luôn chờ đợi sẽ được trang bị những khẩu súng hiện đại nhất để phục vụ thi đấu, giành kết quả quốc tế cao nhất. Ảnh: THANH VŨ

Người làm chuyên môn bắn súng, đặc biệt là các HLV đội tuyển bắn súng quốc gia cũng như bắn súng của các địa phương ở Việt Nam đều hiểu câu chuyện này. Tuy nhiên, súng và đạn là trang thiết bị đặc thù chuyên biệt nằm trong danh mục vũ khí được nhà nước quản lý chặt chẽ theo chế tài đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối nên việc trang bị mới là không dễ dàng cũng như cần nhiều thời gian qua nhiều khâu kiểm định.

Trước đây, tổ súng ngắn nam là một trong những tổ có nhiều triển vọng và giành nhiều thành tích quốc tế nhất ở các giải từ SEA Games, ASIAD cho tới Olympic. Năm 2012, đội tuyển bắn súng Việt Nam từng mua khẩu súng Morini CM 162 EI (Thụy Sĩ) để VĐV Hoàng Xuân Vinh sử dụng dự Olympic London tại Anh và khi đó giá của cây súng này là 50 triệu đồng. Tại Olympic 2016 ở Brazil, Hoàng Xuân Vinh mang theo những khẩu súng phù hợp nhất của mình dù không phải những cây súng tốt nhất thế giới bấy giờ và đạt kết quả HCV, HCB. Trước đó, từng có giải, Hoàng Xuân Vinh thi đấu phải mượn súng và đạt được thành tích huy chương tuy nhiên ban huấn luyện và xạ thủ cũng chỉ xem đó là một kỷ niệm chuyên môn ít khi chia sẻ công khai trên truyền thông. Chuyện súng cũ và xạ thủ phải gọt báng để phù hợp với cỡ tay hay tự sửa khi dùng nhiều thì lò xo bật ra... là quen thuộc với VĐV Việt Nam. Làm thế nào để giải bài toán có thêm mua, cấp súng mới, đạn "xịn" khi thi đấu tập luyện vẫn phải chờ theo thời gian.

Tin cùng chuyên mục