Chuyện ở “lò” đào tạo bóng đá Việt Nam: Lượng nhiều, chất ít

Có một giai đoạn, các “lò” đào tạo cầu thủ nở rộ khắp đất nước. Tự chủ như PVF, HAGL-Arsenal JMG, mà liên kết với các CLB nổi tiếng ở châu Âu (Lyon, Juventus) cũng nhiều, kể cả các trung tâm đào tạo truyền thống như SLNA, Viettel, Hà Nội…
Đội Hà Nội vô địch Giải U19 quốc gia vào đầu năm 2022
Đội Hà Nội vô địch Giải U19 quốc gia vào đầu năm 2022

Nở rộ “công xưởng” đào tạo

Tuy nhiên, chất lượng “ra lò” về cơ bản chưa đáp ứng được nhu cầu thực sự của các CLB đang chơi ở V-League, ở các đội tuyển quốc gia.

Trong danh sách 23 tuyển thủ U23 đã lọt vào tứ kết Giải U23 châu Á 2022, có 8 gương mặt xuất thân từ “lò” Hà Nội. Kế tiếp, Viettel đóng góp 4 cầu thủ, Đà Nẵng lẫn PVF cùng góp 2 cái tên, số còn lại thuộc biên chế của Sài Gòn FC và Hải Phòng.

Ở đội tuyển U19, có 8 cầu thủ thuộc PVF. Còn lại đến từ Viettel (4 cầu thủ), Hà Nội, SLNA (cùng 3 cầu thủ), Thanh Hóa, Quảng Nam, Đà Nẵng, Học viện Nutifood và Becamex Bình Dương (mỗi đơn vị 1 cầu thủ). Lứa tuổi U19 và U23 là 2 sân chơi tiệm cận với bóng đá chuyên nghiệp, thước đo chuẩn mực để đánh giá chất lượng đầu ra của các đơn vị đào tạo.

Những trung tâm/học viện như Hà Nội, PVF, Viettel, HAGL, SLNA... đóng góp nhiều tuyển thủ U19 và U23, thuộc tốp “công xưởng” đào tạo hàng đầu của bóng đá Việt Nam. Năm qua, Hà Nội có lần thứ 6 xưng vương ở Giải U19 quốc gia, Viettel FC đoạt ngôi á quân, còn SLNA và Học viện Nutifood đồng hạng 3. Vẫn là Hà Nội cùng Viettel lọt vào trận bán kết sân chơi U21, bên cạnh Becamex Bình Dương và Thanh Hóa - 2 đội tạo nhiều cơ hội cho cầu thủ trẻ ra sân ở V-League. Còn PVF xưng vương tại đấu trường U17.

“Truyền thống đào tạo trẻ của Hà Nội được hơn 10 năm, có quy trình bài bản, mở rộng và lựa chọn đầu vào rất kỹ lưỡng. Chúng tôi có những vệ tinh hoạt động mạnh, tiêu biểu ở Nghệ An, để hàng năm tuyển chọn các cháu 8-10 tuổi, đào tạo đến 15 tuổi rồi chuyển lên Hà Nội. Đơn vị cũng sở hữu đội ngũ HLV có chuyên môn cao, tâm huyết như Phạm Minh Đức, Dương Hồng Sơn... Khi được thầy giỏi trực tiếp huấn luyện, các cháu được hưởng môi trường đào tạo rất tốt. Những cầu thủ chưa đủ điều kiện lên đội 1, chúng tôi khuyến khích cho các CLB khác mượn, tăng cường cọ xát và cơ hội trưởng thành để phục vụ Hà Nội sau này. So với mặt bằng chung, Hà Nội là một trong những trung tâm đào tạo bóng đá chất lượng ở Việt Nam”, ông Nguyễn Giang Đông, Giám đốc Trung tâm Đào tạo bóng đá trẻ Hà Nội, chia sẻ.

Phong độ ổn định của các “lò” đào tạo danh tiếng đã giữ vững thành tích ấn tượng của các đội tuyển trẻ trên trường quốc tế. Tín hiệu đáng mừng khi 13 đội V-League và 12 đội Hạng nhất ở mùa giải 2022 đều có đội trẻ tham dự các giải đấu quốc gia. Những trung tâm/học viện trải dài từ Bắc chí Nam, xen kẽ từng vùng miền để giúp bóng đá Việt Nam hạn chế bỏ sót nhân tài. Chưa kể các trung tâm/CLB bóng đá cộng đồng, học đường do các danh thủ/cựu cầu thủ và HLV được cấp bằng AFC đứng lớp lèn kín ở nhiều địa phương khắp cả nước, để kiếm tìm và sàng lọc “ngọc thô”.

Những địa danh đào tạo “ngủ quên” từ lâu như Huế cũng để lại dấu ấn với tấm huy chương đồng ở Giải U15 quốc gia và đóng góp 4 cầu thủ cho U17 Việt Nam giành ngôi á quân Đông Nam Á. Học viện Bóng đá Lyon TPHCM sau 7 năm đào tạo đã hái quả ngọt đầu tiên với ngôi á quân Giải U17 quốc gia 2022

Nhiều nhưng chưa tinh

Bóng đá trẻ Việt Nam thời gian qua đã gặt hái liên tiếp thành tích ở sân chơi quốc tế. Nhưng có thực tế, sau thế hệ sinh năm 1995-1996 của Công Phượng, Tuấn Anh hay Quang Hải, Hoàng Đức (lứa 1997-1998)… vốn nổi danh từ đội tuyển U19, đến nay chưa cầu thủ trẻ nào để lại ấn tượng sâu sắc.

23 đội bóng chuyên nghiệp đều có đội trẻ tham dự các giải quốc gia, nhưng không ít CLB đăng ký tham dự theo hình thức đối phó, để tránh án phạt và đáp ứng điều kiện cấp giấy phép chuyên nghiệp của VFF. Các “lò” đào tạo ở Huế hay Lyon TPHCM dù có thành tích trong năm nay, nhưng chỉ ánh sáng le lói và không có đủ cơ sở để vực dậy nền bóng đá địa phương.

Năm 2015, Học viện Bóng đá Lyon TPHCM ra đời sau lễ ký kết giữa Sở VH-TT TPHCM và Liên đoàn Bóng đá TPHCM với CLB Lyon (Pháp), hứa hẹn là mô hình đào tạo tiêu biểu nhất của bóng đá trẻ TPHCM. Tuy nhiên, sau 7 năm chỉ có thành tích duy nhất là ngôi á quân U17 quốc gia 2022. Kết quả chưa thực sự mãn nhãn và thầy trò học viện này cần làm nhiều hơn nữa trước tính cạnh tranh đầu ra ở các “lò” đào tạo hiện nay.

Cuối năm 2022, CLB TPHCM ký hợp đồng với 17 cầu thủ ở Học viện Nutifood khiến đầu ra của lò Lyon TPHCM ở tại địa phương đã khó nay càng khó gấp bội. Hoàn cảnh tương tự với Học viện Bóng đá Juventus, đơn vị đặt đại bản doanh ở CLB Bà Rịa - Vũng Tàu. Chẳng biết tương lai của các học viên này về đâu khi nhà tài trợ của đội 1 rút lui. Danh tiếng như “lò” PVF, sau khi Tập đoàn Vingroup rút lui đã 2 lần sang tên đổi chủ trong 2 năm. Kinh phí không đủ trả tiền lương khiến đơn vị cũng lần lượt nói lời chia tay các HLV/chuyên gia nước ngoài, kể cả cựu giám đốc kỹ thuật Philippe Troussier.

Thành tích của “lò” đào tạo HAGL đi xuống theo tình hình kinh tế khó khăn của bầu Đức. SLNA năm nay “vô đối” ở các lứa tuổi U9, U11, U13 và U15, nhưng lại không có tuyển thủ U23 nào dự giải châu Á hay SEA Games. Thậm chí, đội bóng trẻ xứ Nghệ còn bị loại khỏi Giải U21 quốc gia vì không nắm rõ quy chế. Đây là một đòn giáng cực mạnh với “cái nôi” đào tạo bóng đá trẻ Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục