Chuyển đổi để phát triển hơn

Nếu không có gì thay đổi, quy mô của Tổng cục TDTT sẽ giảm cấp xuống thành một cục trực thuộc Bộ VH-TT-DL, theo chủ trương sắp xếp hiệu quả hoạt động làm việc của các cơ quan quản lý nhà nước. 
Một trận đấu tại V-League 2022. Ảnh: Anh Trần
Một trận đấu tại V-League 2022. Ảnh: Anh Trần

Điều này hẳn nhiên không làm cho những người trong ngành thể thao vui vẻ gì, một số bất cập và khó khăn cũng sẽ xuất hiện, nhưng đấy là một thực tế phải như vậy. Và hiểu theo nghĩa tích cực, sự thay đổi này cũng sẽ thúc đẩy quá trình phát triển mới cho lĩnh vực thể thao.

Ở các quốc gia có nền thể thao phát triển, lĩnh vực thể thao không có cơ quan chuyên trách. Theo xu hướng chung, thể thao phát triển dựa trên nền tảng chuyên nghiệp, cộng đồng và phụng sự xã hội. Vai trò quản lý của nhà nước sẽ thu hẹp, chủ yếu là tập trung cho mảng chính sách và cộng đồng. Phần tổ chức thi đấu đỉnh cao thuộc về các liên đoàn, hiệp hội và trách nhiệm sau cùng sẽ nằm ở các CLB, đội bóng, nơi có sẵn hoạt động đào tạo, kết nối cộng đồng và kinh doanh để có lương trả VĐV. 

Thể thao càng chuyên nghiệp thì từ cơ sở vật chất đến con người càng vận hành theo cơ chế thị trường. Ngay cả thể thao phong trào cũng phải dựa vào nguồn đóng góp từ thể thao chuyên nghiệp chứ không phải do ngân sách nhà nước “bao”. Ngay tại Việt Nam, môn bóng đá cũng đã tiệm cận mô hình này, mà cụ thể là vai trò của bộ môn bóng đá tại Tổng cục TDTT hay ở các địa phương đều rất mờ nhạt.

Với đặc thù còn nằm ở mức độ bán chuyên của thể thao Việt Nam, phần lớn nguồn lực đều vẫn do Nhà nước chi trả, trong đó cả cơ sở vật chất và thu nhập của VĐV. Nhưng rõ ràng, đây không phải là điều có thể tồn tại lâu dài. Thế nên, thay vì lo lắng về việc giảm cấp, hạn chế vai trò thì ngành thể thao nên chuyển đổi mạnh mẽ, thúc đẩy tiến trình chuyên nghiệp hóa và tán dương những kết quả của hoạt động xã hội hóa. Có như vậy, việc xây dựng chính sách hay chiến lược phát triển sẽ thiết thực hơn.

Trong quá trình chuyển đổi đó, vai trò của đơn vị quản lý nhà nước không hề mất đi. Trong chiến lược phát triển thể thao Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2045 được lấy ý kiến gần đây, luôn có phần quan trọng liên quan đến cơ chế, chính sách hỗ trợ công tác xã hội hóa. Những vấn đề vĩ mô như quy hoạch diện tích đất thể thao, chọn lựa môn thể thao phù hợp với quy mô dân số và chất lượng đời sống dân cư cũng như các yếu tố đặc thù địa phương, vẫn phải cần sự chuyên sâu của những nhà quản lý.

Ngược lại, những hoạt động kinh doanh, vận hành cơ sở vật chất hay tổ chức giải, đào tạo tuyển dụng tài năng, nên dành cho các đơn vị ngoài xã hội. Khi đó, nhà quản lý chỉ cần tạo điều kiện và khuyến khích phát triển mô hình CLB, thay vì cứ dùng tiền ngân sách rồi chạy theo thành tích rất dễ dẫn đến sự phát triển bề nổi, nảy sinh tiêu cực.

Tin cùng chuyên mục