Sở dĩ các CLB này phải đá giải bóng đá hạng ba vì trước đây họ từng bỏ giải nên bị phạt, trở về “điểm xuất phát” tại hạng thấp nhất trong hệ thống thi đấu quốc gia. Khi đưa ra quyết định bỏ giải, thông thường thì người ta sẽ nói rằng “làm lại từ gốc cho bền vững”. Lý do khá thuyết phục nhưng vẫn chỉ là trên lý thuyết. Vì trên thực tế, cũng không thiếu các CLB “làm từ gốc” nhưng đến lúc được thăng hạng thì lại tiếp tục “bỏ giải”.
Mới nhất là chuyện của Bình Thuận, đội vừa xin không thi đấu tại giải bóng đá hạng nhất 2023-2024. Điều đáng nói ở chỗ, người hâm mộ bóng đá Bình Thuận vừa mới vui mừng cách đây không lâu, bởi sau gần 30 năm lận đận tại giải hạng nhì, hạng ba thì lần đầu tiên đội bóng mà họ mến mộ mới được thăng hạng nhất và thi đấu không đến nỗi nào khi đứng hạng 5 mùa 2023. Vì thành tích này mà sân vận động Phan Thiết đã được phê duyệt đầu tư nâng cấp để làm sân nhà sau khi Bình Thuận đã phải mượn sân Phan Rang đá hạng nhất mùa vừa qua. Sân thì chưa kịp làm, giờ bỏ giải vì không có kinh phí, thế là Bình Thuận lại về hạng ba cũng đồng nghĩa là sân bóng chưa chắc được tu sửa.
Chuyện của Bình Thuận đáng buồn ở chỗ chính họ đặt quyết tâm thăng hạng, lãnh đạo tỉnh cũng kịp thời có mặt động viên, nhưng khi lên hạng rồi thì lại chẳng biết làm sao để tồn tại. Nói cách khác, cứ đá rồi… tới đâu thì tới. Đáng tiếc, đây là mẫu số chung của phần lớn các đội bóng trực thuộc địa phương ở Việt Nam. Cũng vì thế mà nhiều địa phương mới “biết thân biết phận”, không lập đội bóng khi chẳng thấy “đầu ra”, nên số lượng các CLB đá ở giải hạng ba của Việt Nam gần như ở mức tối thiểu. Không phải ngân sách địa phương không lo nổi một đội hạng B, vấn đề là đá mà không quyết tâm thăng hạng thì không được, nhưng thăng hạng rồi thì… tiền đâu để lo tiếp.
Từ trường hợp của đội bóng đá Bình Thuận, lại phải băn khoăn về khả năng “làm lại” của các đội An Giang, Cần Thơ… cũng như các đội bóng chọn giải pháp tiêu cực “bỏ giải”. Bỏ thì quá dễ, nhưng liệu có thể làm lại được hay không, rồi những hệ lụy của việc bỏ giải ảnh hưởng như thế nào đến phong trào, đến tâm tư tình cảm, đến hình ảnh của địa phương… ra sao? Cứ xem bóng đá miền Tây, đây là nơi từng có đến 5 đội bóng đã chọn cách bỏ giải và kết quả là đến nay, đã 5 mùa giải không hề có đại diện nào được lên đá ở V-League, hiện cũng chỉ có 2 đội đang chơi giải hạng nhất, 3 đội đá giải hạng nhì và còn lại là giải hạng ba.