Hazard và cột mốc bàn thắng thứ 100
Bàn thắng ghi được trong trận thắng Bournemouth mới đây chính là bàn thắng thứ 99 trong sự nghiệp của Hazard. Đã hơn 6 năm trôi qua, kể từ ngày 4-6-2012, khi anh ký hợp đồng chơi bóng cho Chelsea, và kể từ khi anh ghi bàn thắng đầu tiên cho đội bóng chủ sân Stamford Bridge, bàn thắng từ chấm 11 mét vào lưới Newcastle United vào hôm 25-8-2012, Hazard đã dần trở thành một trụ cột không thể thay thế của The Blues, hay thậm chí, trở thành cầu thủ tạo đột biến mỗi khi đội bóng gặp bế tắc.
Có người nói đùa rằng: “Lối chơi Sarri-ball có triển khai đẹp mắt như thế nào, thì cuối cùng cũng phải nhờ chiếc chìa khóa Hazard mở cửa cánh cổng đến khung thành đối phương”. Điều đó cho thấy tầm quan trọng của Hazard, trong cả việc kiến tạo cho các đồng đội ghi bàn, lẫn việc ghi bàn mang lại sự khác biệt.
Hazard luôn giữ phong độ khá ổn định trong 7 mùa giải. Ở mùa giải đầu tiên, anh ghi được 13 bàn thắng, nhưng có đến 24 pha kiến tạo. Ở mùa giải 2013-2014, anh ghi được 17 bàn thắng và có 10 pha kiến tạo. Ở mùa giải 2014-2015, mùa giải mà Chelsea vô địch Premier League lần thứ 3 cùng với Jose Mourinho, Hazard bùng nổ với 19 bàn thắng và 13 kiến tạo.
Tuy vậy, ở mùa giải 2015-2016, cùng với sự sa sút của Chelsea, dẫn đến việc Mourinho phải ra đi ngay dịp mùa Đông, Hazard chỉ ghi được 6 bàn và có 8 pha kiến tạo. Ở mùa giải 2016-2017, với sự ta mắt của Antonio Conte, Hazard đã ghi được 17 bàn thắng và có 3 pha kiến tạo. Ở mùa giải năm ngoái, dù không hài lòng với chiến thuật của vị HLV người Ý, Hazard vẫn nhiều lần “gánh team”, ghi được 17 bàn và có 13 pha kiến tạo.
Sao cũng được, nếu đây là mùa giải cuối cùng của Hazard trong màu áo Xanh, hoặc nếu đây là mùa giải cuối cùng của Hazard trước khi anh… đặt bút gia hạn bản hợp đồng mới với Chelsea, anh cần một dấu ấn, một cột mốc, một vạch thành tích để có thể nhìn vào nó mà tự hào và làm bệ phóng cho tương lai. Hazard sẽ muốn ghi bàn thắng thứ 100 cho Chelsea thật sớm, nếu được, ngay trong trận đấu với Leicester.
Hazard và… vị trí tiền đạo ảo
Sau hàng loạt thất bại, trước Tottenham Hotspur và trước Wolverhampton, HLV Maurizio Sarri đột nhiên thay đổi vị trí tiền đạo. Ông cất cả Alvaro Morata lẫn Olivier Giroud, và xếp Hazard chơi ở vị trí cao nhất trên hàng công, sắm vai một số 9 ảo, trong 2 trận đấu gần đây ở đấu trường Premier League. Hazard đã chơi cực hay trong vai trò này, là nguồn năng lượng chiến thắng của Chelsea trước Manchester City và trước Brighton.
Đây không phải là lần đầu tiên, H10 được giao đá vị trí tiền đạo ảo, dưới thời của Conte, đặc biệt ở mùa giải thứ 2, khi Chelsea phải đương đầu với những đội bóng có hàng công mạnh như là Man City, Hazard cũng được xếp đá ở vị trí tiền đạo số 9 ảo. Nhưng trong các trận đấu đó, đặc biệt ở trận thua MC ở lượt về, Hazard hiếm khi có bóng, và sức ảnh hưởng của anh lên trận đấu là rất mờ nhạt. Hazard từng thể hiện sự không hài lòng với chiến thuật này của Conte.
Nhưng giờ đây, anh đang rất vui lòng khi được xếp đá vai số 9 ảo trong sơ đồ của Sarri. Tại sao lại như vậy? Sự khác biệt giữa số 9 ảo trong sơ đồ của Conte, và số 9 ảo trong chiến thuật của Sarri là rất lớn, chủ yếu bởi sự hỗ trợ của các vệ tinh xung quanh. Ở trong sơ đồ của Conte, Hazard chơi cao nhất, nhưng cũng “cô độc nhất” trên tuyết đầu. Trong khi 10 người còn lại chơi lùi sâu phía sau anh để phòng ngự. Khoảng cách giữa Hazara với… đồng đội gần nhất có thể lên đến 20 mét. Do đó, Hazard không có được sự hỗ trợ cần thiết, khi anh có bóng, là đối mặt với 4, 5 cầu thủ đối phương vây bọc xung quanh.
Còn với chiến thuật của Sarri, tuy Hazard đá rất cao, nhưng anh cũng thường xuyên phải lùi sâu tham gia phòng ngự (cái này… tùy anh, chứ Sarri không hề bắt buộc) và anh chơi rất rộng, trải dài suốt chiều rộng mặt sân. Ở xung quanh anh, các đồng đội chơi với cự ly gần nhau hơn, dâng lên hướng khung thành đối thủ cao hơn, có sự liên lạc nhiều hơn. Đó là lý do, đôi khi trông anh đơn độc, nhưng thực chất anh không hề “cô độc”, chỉ cần một kết nối và có bóng, Hazard sẽ trở nên nguy hiểm khủng khiếp!
Sự tự do của Hazard
Cả Sarri lẫn trợ lý của ông, Gianfranco Zola, đều đánh giá rất cao vai trò của Hazard ở Chelsea, và đều hy vọng anh ở lại gắn kết lâu dài cùng đội bóng. Còn trước mắt, Sarri để Hazard chơi hoàn toàn tự do khi sắm vai số 9 ảo, nghĩa là, không hề có bắt buộc, yêu cầu cụ thể, để anh tự sáng tạo, tự tìm cảm hứng để “chơi bóng”, “chơi bóng” chứ không chỉ là “thi đấu”.