Ở góc nhìn của mình, ông/bà đánh giá ra sao về hành trình của đội tuyển nữ Việt Nam tại World Cup 2023? Kết quả như vậy có phản ánh được thực lực của bóng đá nữ Việt Nam trong bối cảnh chung của bóng đá khu vực Đông Nam Á và châu Á?
Chuyên gia bóng đá Phan Anh Tú |
Chuyên gia bóng đá PHAN ANH TÚ: Ngay từ đầu đã xác định World Cup là sân chơi lớn, chưa phải là nơi để các cô gái chúng ta tranh chấp vé để tiến vào vòng tiếp theo, mà ở đó là cơ hội để học hỏi. Thế nhưng, những thể hiện của các cầu thủ tại giải này là rất đáng khen, nhất là tinh thần thi đấu, sự tự tin. Điều đó đã được thể hiện qua các trận tập huấn trước đó, tạo tiền đề cho đội tiếp cận với vòng chung kết một cách thuận lợi, tự tin cầm bóng trước các đối thủ mạnh như Mỹ, Hà Lan. Điều mà tôi bất ngờ và ấn tượng nhất là hàng phòng ngự. Các cầu thủ đã vận hành lối đá rất tốt, không lúng túng trước sức ép từ những đối thủ vốn có hàng công rất mạnh.
Cựu tuyển thủ ĐỖ THỊ NGỌC CHÂM: Ở World Cup nữ 2023, chúng ta đã thu được rất nhiều điều, có cơ hội để trải nghiệm và thể hiện được sự tự tin, qua đó sẽ có thước đo chuẩn nhất để biết chúng ta đang ở đâu trên bản đồ bóng đá thế giới. Các cầu thủ chúng ta có tầm vóc nhỏ bé nhưng chúng ta không thua trong những lần tranh chấp bóng. Như trường hợp của Dương Thị Vân, cô gần như thắng mọi sự tranh chấp ở trận gặp đội tuyển Mỹ.
Ông Đào Huy Hùng |
Ông ĐÀO HUY HÙNG (Phụ trách môn bóng đá nữ, Trung tâm TDTT quận 1, TPHCM): Có cơ hội để thể hiện tại sân chơi bóng đá nữ thế giới như vừa qua là quá quý với các em. Không chỉ niềm vui của các cầu thủ mà ngay cả những người làm công tác quản lý bóng đá như chúng tôi cũng cảm giác lâng lâng khi xem đội tuyển tranh tài cùng các đối thủ mạnh, khi nghe quốc ca Việt Nam vang lên ở đấu trường World Cup.
Vậy bóng đá nữ Việt Nam cần làm thêm những gì, chiến lược cụ thể ra sao để vươn tầm hơn nữa trong tương lai, khi cơ hội xuất hiện ở World Cup nằm trong tầm tay?
Chuyên gia bóng đá PHAN ANH TÚ: Để hướng đến mục tiêu tiếp tục góp mặt tại vòng chung kết World Cup sắp tới, tôi cho là không quá khó. Vấn đề là phải có sự chuẩn bị ngay từ lúc này, mà kinh phí sẽ đóng vai trò quan trọng để xây dựng chiến lược mang tính đường dài. Từ thành công của bóng đá nữ trong thời gian qua, tôi tin sẽ tạo được cú hích để giúp phong trào phát triển rộng hơn. Hy vọng những nhà quản lý bóng đá sẽ tận dụng tốt cơ hội này. Về ý kiến các câu lạc bộ (CLB) nam thành lập CLB nữ, tôi cho đây là ý tưởng hay. Nhưng thời điểm hiện nay chưa khả thi bởi một số nơi, đội nam còn chưa có được sự ổn định, liệu thêm đội nữ có ổn không?
Cựu tuyển thủ Đỗ Thị Ngọc Châm |
Cựu tuyển thủ ĐỖ THỊ NGỌC CHÂM: Tôi cho là khoảng cách, trình độ của làng bóng đá nữ thế giới đang có những biến động nhất định và là cơ hội cho bóng đá Việt Nam tiếp tục hy vọng góp mặt ở kỳ World Cup sắp tới. Tôi tin chúng ta có thể cải thiện những hạn chế hiện nay, nâng tầm để có thể đi xa hơn ở tầm châu lục. Nhìn ra Nhật Bản, Hàn Quốc, họ đã hội nhập thế giới từ rất lâu. Nền bóng đá Nhật Bản buộc chúng ta phải học hỏi. Họ nhỏ người nhưng nhanh nhẹn và khéo léo. Vậy sao ta không học cách họ làm, nuôi dưỡng và phát triển bóng đá từ cơ sở nào, từ những chất liệu và chiến lược nào?
Ông ĐÀO HUY HÙNG (Phụ trách môn bóng đá nữ, Trung tâm TDTT quận 1, TPHCM): Sau World Cup nữ 2023, bài toán duy trì và phát triển như thế nào sẽ là mấu chốt. Ở bóng đá nam, chúng ta đã từng chứng kiến đội U22 vất vả thế nào ở SEA Games 32 cũng bởi thiếu kinh nghiệm trận mạc so với các đàn anh đi trước. Bóng đá nữ cũng vậy, luôn rất cần tạo thêm nhiều cơ hội, sân chơi cho các em được thi đấu, trau dồi kinh nghiệm thường xuyên. Ngay từ lúc này, Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) nên bắt đầu có kế hoạch thật chu đáo cho bóng đá nữ, từ đội tuyển quốc gia, các tuyến trẻ và cả việc nâng cấp chất lượng cho giải vô địch quốc gia. Kinh phí cũng sẽ là vấn đề quan trọng. Tôi hy vọng là từ thành công này, bóng đá nữ sẽ dần nhận được sự quan tâm nhiều hơn của xã hội.
Khâu đào tạo tác động rất lớn đến chiến lược phát triển của bóng đá nữ Việt Nam. Vậy chúng ta đã và sẽ vận hành như thế nào?
Chuyên gia bóng đá PHAN ANH TÚ: Ban huấn luyện xây dựng như hiện tại, tôi cho là phù hợp rồi, nhưng quan trọng là tầm nhìn xa của VFF đến đâu để tiếp nối những thành công mà HLV Mai Đức Chung đã làm. Song, bên cạnh việc tìm kiếm một HLV đẳng cấp, chúng ta cũng cần nâng cấp giải trong nước, hoàn thiện các hệ thống, chế độ đãi ngộ dành cho cầu thủ nữ… Đó chính là những vấn đề mang tính đường dài và cũng đòi hỏi tiêu tốn nhiều kinh phí. Nói chung, chúng ta cần thêm những nhà hoạch định chiến lược thông thái để giúp nâng tầm thực sự cho bóng đá nữ.
Cựu tuyển thủ ĐỖ THỊ NGỌC CHÂM: Trong thời gian tới, tất nhiên chúng ta cần tiếp tục đầu tư nhiều hơn nữa, tạo cơ hội cho các em tham dự nhiều giải đấu. Nếu có nhiều cơ hội được tham dự những giải đấu quốc tế, được cọ xát với những đội mạnh, chắc chắn đội tuyển sẽ tiến bộ rất nhanh. Bên cạnh đó, chúng ta cần phải đầu tư nhiều hơn nữa cho bóng đá nữ từ cấp độ trẻ. Ví dụ như Thanh Nhã và Nguyễn Thị Hoa là thành quả của công tác đào tạo trẻ của VFF khi thành lập trung tâm đào tạo bóng đá trẻ quốc gia. Đó là bước đi đúng đắn, và hy vọng rằng sẽ có thêm nhiều tài năng trong tương lai.
Ông ĐÀO HUY HÙNG (Phụ trách môn bóng đá nữ, Trung tâm TDTT quận 1, TPHCM): Trong các vấn đề duy trì, tạo sức mạnh từ nền tảng, vai trò đào tạo là rất quan trọng. Đào tạo 1 cầu thủ bóng đá nữ luôn khó hơn nhiều so với 1 cầu thủ nam. Trung tâm TDTT quận 1 là đơn vị cấp quận duy nhất của cả nước chịu trách nhiệm xây dựng toàn bộ quy trình tuyển chọn, nuôi dưỡng, huấn luyện và thi đấu cho đội bóng đại diện một địa phương. Chúng tôi còn cung cấp lực lượng cho đội tuyển quốc gia từ trước đến nay. Để có được hệ thống vững chắc, chúng tôi đang có 3 tuyến đào tạo. Thu nhập của cầu thủ ở các tuyến từ 7-10 triệu đồng/tháng. Để từng bước cải thiện và vững mạnh hơn nữa, tôi hy vọng trong thời gian tới, mọi thứ sẽ được nâng lên với cầu thủ nữ, từ chế độ dinh dưỡng đến điều kiện trang thiết bị tập luyện… Mong rằng Cục TDTT, VFF, ngành thể thao địa phương sẽ quan tâm và tiếp sức mạnh mẽ hơn nữa.