Tiến sĩ Nguyễn Hồng Sơn cho rằng bóng đá trẻ Việt Nam hiện tại vẫn chưa phát triển quy củ, khá rời rạc vì mỗi nơi làm một kiểu. Vì vậy, bóng đá Việt Nam cần một cuộc cách mạng thực sự cả về tư duy lẫn hành động, để không chỉ trông mong vào duy nhất thế hệ của những Quang Hải, Công Phượng Văn Hậu, Văn Toàn, Tiến Dũng…
“Có thể nhận thấy các tổ chức trung tâm bóng đá cũng như các chuyên gia bóng đá Việt Nam hiện nay đã và đang làm theo phương pháp “chủ nghĩa kinh nghiệm” để tuyển chọn và đào tạo, tức là cho cầu thủ ở các lứa tuổi thi đấu, quan sát thấy “ưa mắt” là chọn. Cũng có một số trung tâm bài bản hơn là tuyển chọn theo vòng, theo vệ tinh bằng các Test tuyển chọn nhưng còn rất hời hợt thiếu cơ sở khoa học. Trên thực tế, các trung tâm đào tạo hiện nay đang nhận thức sai về cách làm đào tạo cầu thủ trẻ khi quyết định lựa chọn lứa tuổi ban đầu với xu thế hiện từ 11 tuổi. Với môn chơi có tính đối kháng cao, kỹ năng động tác đa dạng có độ khó và có tính đặc thù là sử dụng bộ phận khó nhất của cơ thể là đôi chân như bóng đá, thì để hoàn thiện các kỹ năng thì ít nhất mất 10 năm, nên nhất thiết phải tính lại quyết định độ tuổi tuyển chọn ở Việt Nam, chẳng hạn theo xu thế mà thế giới đang (tuyển chọn lứa ban đầu từ 6-8 tuổi)”, ông Sơn nói.
Thế nhưng, để cải thiện được công tác đào tạo trẻ, tạo nguồn mang tính liên tục cho bóng đá Việt Nam, theo ông Sơn, thực sự cần một cuộc cách mạng cả về tư duy lẫn hành động của giới chức VFF, từ chính những địa phương có truyền thống hay trung tâm, học viện đang nỗ lực tìm kiếm và nuôi dưỡng các tài năng cho bóng đá nước nhà.
TS Nguyễn Hồng Sơn nhấn mạnh: “VFF cần tập trung ý kiến đóng góp của chuyên gia đầu ngành để xây dựng tiêu chí tuyển chọn cầu thủ phù hợp với tố chất nhỏ, kỹ thuật khéo léo và thông minh của con người Việt Nam. Chúng ta có tiền vệ Nguyễn Quang Hải nhỏ con nhưng hội tụ gần như đầỳ đủ các tố chất của một cầu thủ giỏi, nhưng đây là trường hợp rất hiếm vì trước Quang Hải chỉ có Phạm Thành Lương là nổi bật. Để tránh trường hợp tuyển chọn theo lối mòn, quan sát chủ quan và cảm tính thông qua thi đấu thì việc vận dụng cơ sở khoa học khi phân loại đặc điểm tố chất vận động từng nhóm môn thể thao nói chung và bóng đá nói riêng là rất quan trọng”.
Với vai trò định hướng và điều hành hoạt động bóng đá, VFF nhất thiết phải quan tâm đến phát triển hệ thống bóng đá học đường và cộng đồng mang tính hệ thống và bài bản (cần những festival bóng đá giúp cầu thủ các lứa tuổi thi đấu cọ xát, giúp nhà chuyên môn đánh giá và tuyển chọn kỹ lưỡng hơn), tránh tình trạng mỗi nơi làm một kiểu.
Sông Lam Nghệ An được đánh giá là một trong những trung tâm đào tạo cầu thủ trẻ có chất lượng hàng đầu với độ tuổi tuyển chọn đầu vào từ 8-10 tuổi. Ngoài việc tuyển theo chế độ (ăn, tập và học văn hoá tập trung), đội bóng xứ Nghệ còn có hệ thống nghiệp dư khoảng 150 cầu thủ nhí tập theo giáo án 2 buổi/tuần và thi đấu 1 lần/3 tháng theo dạng festival để lọc ra những cá nhân nổi bật. Mặc dù kinh phí mà SLNA dành cho đào tạo trẻ không cao nhưng thành tích mà các lứa U11, U13, U15… lại luôn cao hơn nhiều nơi khác. |