Chưa tương xứng với vị thế
Trên mặt bằng chung, nhìn nhận khách quan về chi phí đầu tư cho bóng đá chuyên nghiệp, TPHCM không ở trong tình trạng báo động khi vẫn duy trì 1 câu lạc bộ (CLB) V-League và 1 đội ở giải hạng nhất. Trên thực tế, chỉ có 9/63 tỉnh thành trong cả nước hiện có đại diện đá V-League, con số này tương đương tại giải hạng nhất. Tính chung cả 2 hạng đấu, chỉ có 16/63 tỉnh thành hiện nay đang làm bóng đá chuyên nghiệp. Bóng đá của TPHCM đang chiếm tỷ lệ 8% trong cơ cấu chuyên nghiệp bóng đá Việt Nam, chỉ xếp sau Hà Nội (12,5%).
Nhưng con số này thay đổi hoàn toàn nếu xét số CLB chuyên nghiệp/số dân. Ví dụ như tỉnh Gia Lai có khoảng 1,6 triệu dân nhưng vẫn duy trì được CLB chuyên nghiệp từ năm 2002 đến nay, trong TPHCM gấp 10 lần về số dân nhưng chỉ có 1 CLB đá V-League. Đây là con số không hợp lý nếu xét vị thế của một thành phố lớn. Nếu so sánh với Hà Nội, TPHCM đang bị bỏ lại ở khoảng cách khá xa cả 3 yếu tố: Số CLB/tỷ lệ dân - Đào tạo trẻ kém - Không có nguồn lực đầu tư xứng tầm để tranh đua danh hiệu.
Nếu chỉ đánh giá dựa trên các tiêu chí chuyên nghiệp, tính từ năm 2014 đến nay, bóng đá TPHCM vẫn chỉ lo được phần ngọn. Mặc dù có những nỗ lực trong việc hợp tác đào tạo cầu thủ với Lyon (Pháp) nhưng trong 10 năm qua bóng đá đỉnh cao TPHCM không đào tạo hoặc xây dựng được đội ngũ kế thừa, từ HLV đến cầu thủ. Đây là lý do mà đội Thanh niên TPHCM vừa mới thăng hạng đã phải đầu tư mua cầu thủ từ nhiều nơi khác về đá giải hạng nhất với mục tiêu thăng lên V-League mùa kế tiếp. Có nghĩa là sau khi CLB TPHCM sử dụng lực lượng trẻ để thăng hạng hồi năm 2015, đến nay thành phố chưa có một thế hệ mới.
Ở một góc độ khác. Từ năm 2009 đến nay, trong vòng 15 năm nhưng bóng đá TPHCM đã có đến 5 cái tên khác nhau tham gia V-League (Thép - Cảng, Navibank Sài Gòn, XM Xuân Thành Sài Gòn, Sài Gòn FC, TPHCM). Con số này phản ảnh sự thiếu ổn định, mức độ phân tán nguồn lực và hiệu quả đầu tư không tốt trong bóng đá chuyên nghiệp.
Danh hiệu cuối cùng của bóng đá TPHCM là chiếc cúp quốc gia vào năm 2013, trong khi chức vô địch quốc gia lần cuối vào năm 2001. Từ đó đến nay, có đến 9 CLB khác nhau, đến từ 6 địa phương từng đăng quang V-League. Chừng đó đủ thấy mức độ sa sút nghiêm trọng của bóng đá đỉnh cao TPHCM.
Đầu tư mạnh cho bóng đá trẻ
Bài học thành công của CLB Hà Nội, Thể Công Viettel hay Bình Dương cho thấy công tác đào tạo trẻ mang yếu tố quyết định trong việc phát triển bóng đá chuyên nghiệp.
Do đang gặp khó khăn về nguồn tuyển sinh, TPHCM vẫn có thể khai phá mô hình hợp tác, liên kết với các địa phương, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long để xây dựng cơ chế tài trợ - đặt hàng và các tuyến cầu thủ trẻ do HFF quản lý. Để giải quyết “đầu ra”, HFF hoàn toàn có thể đưa ra quy định buộc các CLB đăng ký trụ sở tại TPHCM có trách nhiệm tiếp nhận và trả lương cho một tỷ lệ cầu thủ trẻ nhất định hàng năm.
YẾN PHƯƠNG
Trăm dâu đổ đầu… liên đoàn
Nếu đánh giá từ khối lượng công việc, Liên đoàn Bóng đá TPHCM (HFF) đã hoạt động hết công suất. Tổ chức này đang quản lý một CLB nữ giàu thành tích nhất Việt Nam, đội futsal gần như thống trị môn chơi này hơn 1 thập niên, có hệ thống bóng đá học đường rộng khắp, thậm chí còn hợp tác với CLB Lyon FC (Pháp) làm công tác đào tạo trẻ …
Như vậy, ở chức năng của một liên đoàn, lượng công việc này lớn hơn bất kỳ đơn vị/địa phương nào khác và điều này cho thấy sự bất hợp lý về mặt cơ cấu phát triển. Đối với bóng đá chuyên nghiệp, vai trò chính thuộc về các đơn vị tư nhân, còn liên đoàn chỉ làm nhiệm vụ hỗ trợ về pháp lý, cầu nối giữa CLB và các cơ quan chức năng đối với cơ chế hợp tác có liên quan đến sử dụng tài sản công. Khác với nhiều nơi trên thế giới, HFF chưa nhận được các khoản hỗ trợ từ những CLB chuyên nghiệp để phát triển hoạt động phong trào.
Sự bất hợp lý còn ở chỗ trong khi HFF đang hoạt động hiệu quả hơn bất kỳ nơi đâu, quá trình xã hội hóa cho bóng đá chuyên nghiệp ở TPHCM lại ì ạch. Các cầu thủ trẻ do HFF đào tạo gần như không được các đội bóng tại TPHCM tiếp nhận. Mối quan hệ giữa HFF và CLB chuyên nghiệp tồn tại một cách lỏng lẻo nên liên đoàn không đủ khả năng hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn của các CLB.
Mong thêm nguồn lực xã hội
Có 3 yếu tố cốt lõi để phát triển bóng đá chuyên nghiệp: đào tạo trẻ - tài chính - cơ sở vật chất. Điều bất ngờ là TPHCM lại đang yếu ở 3 khâu này. Lấy ví dụ như giải bóng đá sân 11 người toàn thành hiện không còn được duy trì dù từng là niềm tự hào của bóng đá TPHCM với các giải đấu cấp quận, huyện và được tổ chức hàng năm. Chính hệ thống này là động lực để nhiều trẻ em thành phố gia nhập các lò đào tạo, từ đó nuôi dưỡng giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp. Từ hệ thống này, thành phố chứng kiến một Giang Thành Thông chơi bóng chuyên nghiệp trong màu áo CLB Công an TPHCM và Đà Nẵng, dù từng là cầu thủ nghiệp dư.
Không còn giải đấu này, động lực và niềm đam mê bóng đá của người dân thành phố giảm đi nhiều, ảnh hưởng đến công tác tuyển sinh đào tạo trẻ và số lượng khán giả đến sân Thống Nhất xem bóng đá chuyên nghiệp. Có lẽ, HFF sớm khôi phục giải đấu truyền thống này, xem đó như bước đi đầu tiên tái lập bầu không khí bóng đá cộng đồng.
Trong bối cảnh thành phố chưa có đơn vị đủ tiềm lực để độc lập phát triển một CLB chuyên nghiệp, chúng ta rất cần một hướng đột phá cũng như những quyết tâm từ các cơ quan chức năng thành phố với mục tiêu có tối thiểu 5 CLB tại các giải chuyên nghiệp (V-League và hạng nhất). Khi có những mục tiêu lớn, chúng ta sẽ xây dựng chiến lược dài hạn và các giải pháp căn cơ trong việc khai thác, tận dụng tốt các cơ chế hợp tác đầu tư, tạo cơ sở thu hút nguồn lực xã hội.
Dấu ấn bóng đá học đường
Những năm vừa qua, bên cạnh việc bóng đá phong trào, bóng đá phủi ngày càng phát triển sâu rộng trên địa bàn TPHCM với nhiều giải đấu dành cho sân 5 người, sân 7 người thì bóng đá học đường tiếp tục là lá cờ đầu của cả nước.
Sau 11 năm thực hiện, từ năm học 2013-2014 với sự phối hợp giữa HFF và Sở GD-ĐT TPHCM, từ việc chỉ có 40 trường với 1.500 học sinh tham gia, đến khi kết thúc năm học 2023-2024 đã có 257 trường tiểu học với hơn 16.500 học sinh tham gia. Chương trình Bóng đá học đường đã tạo được sự hứng thú cho các em học sinh, quá trình tập luyện và thi đấu môn bóng đá, ngoài việc giữ gìn và nâng cao sức khỏe còn giáo dục các em ý thức kỷ luật, nâng cao sự bền bỉ, tinh thần đoàn kết trong hoạt động tập thể.
Ông Đoàn Minh Xương, Trưởng Phòng Bóng đá học đường HFF, chia sẻ: Điều này chứng tỏ Festival Bóng đá học đường đã trở thành sân chơi bóng đá lành mạnh, được nhà trường, phụ huynh và học sinh yêu thích, tin tưởng và mong đợi hàng năm. Thông qua giải đấu, chúng tôi, cùng với đơn vị tài trợ hy vọng tiếp tục nuôi dưỡng và “tiếp lửa” niềm đam mê môn bóng đá trong các em học sinh, hướng các em đến lối sống năng động và khỏe mạnh. Mặt khác, điều này còn giúp chất lượng của bóng đá học đường ngày càng phát triển nâng tầm.
THANH QUỐC