Biết mình, biết người

Các thất bại nặng nề của đội U23 vừa qua, hiểu theo nghĩa tích cực sẽ giúp chúng ta “biết mình - biết người” để rồi hy vọng HLV Troussier sẽ có điều chỉnh, chọn lựa chiến thuật phù hợp với tố chất và điểm mạnh của các cầu thủ trong tay ông.
HLV Troussier cùng các học trò trên sân tập chuẩn bị cho trận đấu với U23 Kyrgyzstan. Ảnh: THANH QUỐC
HLV Troussier cùng các học trò trên sân tập chuẩn bị cho trận đấu với U23 Kyrgyzstan. Ảnh: THANH QUỐC

Dù không thể dùng các kết quả ở những trận giao hữu để đánh giá tiềm năng một đội bóng nhưng các thất bại nặng tại giải giao hữu Doha Cup 2023 ít nhiều cũng tạo ra áp lực lớn cho HLV Troussier, người được kỳ vọng sẽ đem đến sức mạnh mới cho bóng đá Việt Nam hướng đến việc hiện thực hóa giấc mơ World Cup.

Không khó để nhận thấy ý đồ của HLV Troussier khi cho các cầu thủ U23 Việt Nam chơi bóng tự do hơn, đội hình dâng cao để chủ động tấn công và lối chơi này ít nhiều để lại dấu ấn với một vài tình huống phối hợp rõ nét, mạch lạc, tạo ra cơ hội ghi bàn trước khung thành các đối thủ mạnh như U23 Iraq và U23 UAE. Tuy nhiên, cách chơi ấy cũng bộc lộ những điểm yếu khi bị đối phương phản đòn. Với thể hình thua kém, các cầu thủ trẻ của chúng ta không kịp lui về hoặc bị đối phương chiếm vị trí ở các tình huống không chiến.

Cách tiếp cận trận đấu của HLV Troussier đem lại sự tươi mới nhưng gây ra không ít băn khoăn, nhất là khi so sánh với người tiền nhiệm. Thời gian thành công rực rỡ của HLV Park Hang-seo đến từ lối đá biết mình - biết người. Chúng ta buộc phải chủ động phòng ngự không phải vì sợ đối thủ, mà vì luôn phải có nhiều người ở tuyến sau nhằm bù đắp cho các điểm yếu về hình thể, tốc độ. Trong tấn công, một cầu thủ Việt Nam có thể đi bóng qua 2-3 cầu thủ đối phương nhưng trong phòng ngự, chúng ta không thể tranh chấp 1-1 với những đối thủ có thể hình vượt trội. Không đá với đội hình thấp, tận dụng số đông sẽ rất khó tạo ra thế trận cân bằng để tìm kiếm chiến thắng.

Thật ra, không chỉ trong bóng đá, thành công của thể thao Việt Nam chủ yếu rơi vào những môn ít đối kháng (bắn súng, điền kinh, cờ, billiard, thể dục…) hoặc đối kháng theo hạng cân (võ thuật, cử tạ, boxing…) trong khi những môn yếu tố thể chất mang tính quyết định như quần vợt, bơi… thì tài năng thiên bẩm cũng không thể vượt qua các giới hạn về cơ địa, thể lực. Còn với những môn mang tính tập thể như bóng đá, cơ hội thành công sẽ đến từ yếu tố chiến thuật, lựa chọn thi đấu theo kiểu biết người - biết mình. Ngay như đội bóng mạnh nhất châu Á là Saudi Arabia, vốn nổi tiếng về bóng đá tấn công, nhưng cơn địa chấn mà họ tạo ra trước Argentina ở World Cup 2022 vừa qua cũng đến từ lối chơi phòng ngự - phản công, cộng với tinh thần không bỏ cuộc.

Gần gũi và thực tế hơn là chuyến sang Pháp đang ngày càng tệ đi của ngôi sao Quang Hải. Tài năng của anh chắc chắn có, tinh thần cũng rất mạnh mẽ nhưng khi sang môi trường có đẳng cấp cao hơn, những điểm mạnh đó chỉ ở mức trung bình, không có khác biệt đáng kể nào để bù đắp cho những khiếm khuyết về thể hình, ngôn ngữ và tư duy chiến thuật. Dù có khen ngợi, cổ vũ hay tin tưởng vào năng lực của Quang Hải, vấn đề là chính cầu thủ này phải tạo ra giá trị của mình bằng cách được ra sân thi đấu. Nếu không thích ứng với hoàn cảnh ấy, mọi thứ còn lại chỉ là lý thuyết, cảm tính. Hiện tại, Quang Hải cũng chưa thể hiện được gì ngay cả khi xuống đá tận giải hạng 5 của nước Pháp trong đội hình B của Pau FC. Có muốn nói gì khác, cũng khó.

Ai cũng thích bóng đá đẹp, tấn công nhưng ở “đời thực” không thể cứ “đá đẹp rồi thua” nếu như đặt ra tham vọng lớn là giành vé dự World Cup. Các thất bại nặng nề của đội U23 vừa qua, hiểu theo nghĩa tích cực sẽ giúp chúng ta “biết mình - biết người” để rồi hy vọng HLV Troussier sẽ có điều chỉnh, chọn lựa chiến thuật phù hợp với tố chất và điểm mạnh của các cầu thủ trong tay ông.

Tin cùng chuyên mục