Từ “xứ sở chuột túi” đến “xứ sở bạch dương”, cụ thể từ 2 thành phố nổi tiếng nhất là Sydney đến Moskva, thông thường người ta chỉ phải trải qua quãng đường bay dài 14.496 kilomet. Tuy vậy, chuyến hành trình của Jedinak, Tim Cahill và các đồng đội không đơn giản như vậy. Để đến được nước Nga, các học trò ông Ange Postecoglou đã phải bay qua quãng đường dài 250 ngàn kilomet, họ phải trải qua 22 trận đấu lớn nhỏ trong suốt 2 năm. Australia đã trở thành đội bóng di chuyển trên quãng đường dài nhất để đến với “lễ hội bóng đá” vào năm sau.
Cụ thể, ở vòng đấu bảng đầu tiên (vòng 2 – Khu vực châu Á), Soceroos họ phải thi đấu với các đội bóng như là Jordan (Tây Á), Kyrgyzstan, Tajikistan (Trung Á, thuộc Liên Xô cũ) và Bangladesh (Nam Á). Sau khi đứng đầu bảng B với 21 điểm (7 trận thắng, 1 trận thua), tuyển Australia giành vé vào vòng 3 (vòng đấu bảng thứ 2). Ở đây, họ xếp chung bảng với Nhật Bản (Đông Á), Saudi Arabia (Tây Á), UAE (cũng thuộc Tây Á), Irag (Tây Á) và Thái Lan (Đông Nam Á). Thi đấu không quá thành công, Australia chỉ xếp hạng 3 chung cuộc với 19 điểm (5 trận thắng, 4 trận hòa và 1 trận thua).
Thành tích này khiến Australia chỉ giành được một suất vào vòng 4, hay còn gọi là vòng play-off của Khu vực châu Á. Ở vòng đấu này, họ phải thi đấu với Syria (Tây Á, xếp hạng 3 ở bảng A của vòng 3), nhưng không chơi trên sân Syria trong trận lượt đi, do tình hình chính trị bất ổn ở đây, trận đấu diễn ra ở Hang Jebat (Malaysia) kết thúc với tỷ số hòa 1-1. Ở trận lượt về trên sân nhà tại Sydney, Australia thắng với tỷ số 2-1 sau khi hòa đối 1-1 trong giờ thi đấu chính thức. Cahill đã sắm vai người hùng cho Australia khi ghi cả 2 bàn thắng trong trận đấu.
Nhưng mọi chuyện vẫn... chưa dừng lại ở đó. Chiến thắng trước Syria chưa có nghĩa là Australia đã giành vé đến Nga. Họ chỉ giành vé... tham dự loạt trận play-off quốc tế, và đối thủ của họ là Honduras, đội bóng xếp hạng 5 của Khu vực Bắc Trung Mỹ và Caribê (CONCACAF). Chuyến hành trình dài 13.781 kilomet từ Sydney đến San Pedro Sula đã mang lại kết quả hòa 0-0 thầy thuận lợi cho các học trò ông Postecoglou, để rồi, trong trận lượt về ở sân nhà, như chúng ta đã biết, họ giành được chiến thắng oanh liệt 3-1. Đây sẽ là lần thứ 4 Socceroos tham dự VCK World Cup. Nhưng chưa bao giờ họ phải bay xa và đấu quá nhiều trận như vậy. Chẳng sao cả, tấm vé đến Nga đủ để bù đắp mọi mất mát, hy sinh.
Cahill, người Australia đầu tiên tham dự 4 kỳ World Cup (ngang hàng với thành tích của những huyền thoại như Pele, Diego Maradona) hạnh phúc cho biết: “Tôi cảm thấy như mình vẫn còn là một đứa trẻ nhỏ bé. Tôi biết tôi sẽ bước sang tuổi 38 vào tháng sau, nhưng công việc của tôi là chuẩn bị cho cơ thể mình sẵn sàng vì đội tuyển”. Trên khán đài, nhiều CĐV trưng dòng chữ: “Siêu nhân đang khoác trên mình bộ pijama của Tim Cahill. Cahill, Postecoglou, Jedinak đang là những người hùng của làng bóng đá “xứ sở chuột túi”. Nhưng HLV Postecoglou vẫn chưa xác nhận tương lai của mình. Ông đã bị chỉ trích rất nhiều suốt thời gian qua. Rất may, Liên đoàn bóng đá Australia đã rất kiên nhẫn...
1 – Đây là lần thứ nhất, châu Á có đến 5 đại diện tham dự một VCK World Cup. Ngoài tuyển Australia, các đội bóng khác đã giành vé đến Nga bao gồm Iran, Hàn Quốc, Nhật Bản và Saudi Arabia.
1997 – Kể từ năm 1997 đến nay, châu Á mới có đại diện giành chiến thắng ở vòng đấu play-off tranh suất dự chung kết. Hồi năm 1997, Iran đã đánh bại chính Australia (lúc đó vẫn còn là thành viên của Liên đoàn bóng đá châu Đại Dương) để giành vé đến Pháp. Còn liên tục trong những năm vừa qua, các đại biểu châu Á đều thua, Iran thua CH Ailen hồi năm 2001, Bahrain thua Trinidad & Tobago hồi năm 2005, Bahrain thua New Zealand hồi năm 2009 còn Jordan thua Uruguay hồi năm 2013 (thua với tổng tỷ số 0-5).
9/12 – Các đại biểu của châu Á, bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran đã để thua 9/12 trận đấu ở VCK World Cup 2014 (3 trận đấu còn lại kết thúc với tỷ số hòa).
9/12 – Các đại biểu của châu Á, bao gồm Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Iran đã để thua 9/12 trận đấu ở VCK World Cup 2014 (3 trận đấu còn lại kết thúc với tỷ số hòa).