Rõ ràng, Djokovic là một tượng đài quá lớn so với tay vợt thua anh đến 229 bậc trên bảng điểm xếp hạng của ATP. Đây mới là trận đấu thứ 2 ở đấu trường Grand Slam của tay vợt người Mỹ, do vậy, dù đã nỗ lực rất nhiều, Krueger vẫn không thể chịu nổi “nhiệt” từ một Djokovic đang có phong độ rực lửa và một niềm tin lớn lao, trong việc giành cả 4 Grand Slam trong năm nay.
Có thể, cũng vì quá “nhiệt”, Djokovic đã có những màn ăn mừng hơi “quá lố”. Trong một số tình huống thắng điểm, đặc biệt, khi vượt lên dẫn trước 5-2 trong ván thứ 3, anh đã gào thét, rồi cả giơ cao nắm đấm lên trời, như kiểu đang ăn mừng một pha bóng “thoát chết” ngoạn mục sau một tình huống đôi công kéo dài, hoặc là khoảnh khắc như đang ăn mừng ngôi vô địch vậy. Hành động ăn mừng quá nhiệt của Djokovic, đã khiến BLV Simon Reed của Eurosport cảm thấy “ngứa mắt”.
BLV Reed thể hiện quan điểm của mình: “Ăn mừng ồn ào như thế, nếu anh đang ở trong ván đấu thứ 5 chống lại một người như là Rafael Nadal, thì có thể hiểu được. Nhưng gào thét như vậy khi anh đang đấu với một tay vợt vừa vượt qua vòng loại thì không”. BLV Frew McMillan cũng đồng ý với quan điểm của người đồng nghiệp: “Phải nói rằng, làm như vậy là không cần thiết”. BLV Reed sau đó đã “bồi” thêm một câu: “Vâng, tôi cũng nghĩ vậy. Làm như thế không giúp anh ấy giành được thêm bất kỳ người bạn nào đâu”.
Sao cũng được, đó chỉ là quan điểm riêng cá nhân của 2 BLV thuộc Eurosport. Còn Djokovic vẫn luôn là như vậy, vẫn “sống thật” với từng khoảnh khắc, với cảm xúc của chính mình. Không ít lần, anh thể hiện những màn ăn mừng ồn ào và sống động trên sân đấu, và đó là một nét hấp dẫn (dù chưa hẳn là “đẹp” trong con mắt của mỗi người) của quần vợt nam. Chính tài khoản Twitter của ATP Tour từng viết một dòng trạng thái: “Chờ đợi tiếng gầm thét, chờ đợi Djoker Nole cháy lửa” hôm 17-11-2018, hôm bán kết giải ATP Finals khi Djokovic sắp gặp Kevin Anderson. Nghĩa là, với ATP Tour, đây là "chuyện bình thường".
Còn ngay giờ đây, chắc chắn Djokovic sẽ không mấy quan tâm đến những chỉ trích của 2 vị BLV Eurosport, để tập trung vào trận đấu với Jo-Wilfried Tsonga (Pháp, mới thắng Martin Klizan của Slovakia cũng sau 3 ván đấu). Đây là trận đấu khiến người ta gợi nhớ đến chung kết của giải Úc mở rộng hồi năm 2008, khi Djokovic thắng Tsonga với điểm số 4-6, 6-4, 6-3, 7-6 (7-2) để giành danh hiệu Grand Slam đầu tay. Sau trận đấu này, Djokovic vỗ cánh bay cao, còn Tsonga cứ quanh quẩn với những cung đường sát dưới mặt đất…
Djokovic cho biết trước đám đông hiện diện tại sân Trung tâm Rod Laver Arena, những người tỏ ra rất phấn khích khi anh tái ngộ với tay vợt người Pháp ở vòng 2: “Tôi nghĩ, sự phản ứng của đám đông đã nói lên tất cả. Nếu có ai đó đến cho tôi những lời khuyên thông minh, tôi sẽ vào phòng thay đồ và bàn luận với HLV của tôi. Tôi có sự tôn trọng cực kỳ ghê gớm dành cho Jo. Chúng tôi đã chơi trận chung kết Grand Slam đầu tiên ở đây hồi 11 năm về trước. Chúng tôi sẽ tái ngộ trong vài ngày nữa, hy vọng, cũng trên sân đấu này”.
Các kết quả ở giải đơn nam
_Milos Raonic (Canada) – Nick Kyrgios (Australia) 6-4, 7-6 (7-5), 6-4
_Alexei Popyrin (Australia) – Mischa Zverev (Đức) 7-5, 7-6 (9-7), 6-4
_Philipp Kohlschreiber (Đức) – Zhe Li (Trung Quốc) 6-2, 6-2, 6-4
_Lucas Pouille (Pháp) – Mikhail Kukushkin (Nga) 6-1, 7-5, 6-4
_Borna Coric (Croatia) – Steve Darcis (Bỉ) 6-1, 6-4, 6-4
_Hyeon Chung (Hàn Quốc) – Bradley Klahn (Mỹ) 6-7 (5-7), 6-7 (5-7), 6-3, 6-2, 6-4