Trước trận đấu, không ai dám tin Zverev sẽ giành được chiến thắng, bất chấp việc anh vừa đả bại Roger Federer ở bán kết! Zverev vẫn được đánh giá là tay vợt trẻ non kinh nghiệm, không có sức mạnh tinh thần ở những khoảnh khắc then chốt, trước những tay vợt lớn, dù rằng anh chính là đại biểu ưu tú nhất của “lứa thế hệ kế tiếp”.
Trong khi đó, Djokovic lại đang sở hữu một phong độ quá khủng khiếp, toàn thắng cả 4 trận ở Nhà thi đấu O2 tại London, mà không đánh mất 1 ván đấu nào, và đã thắng 39/42 trận đấu gần đây. Nhưng quần vợt cũng như trong bóng đá, không phải cứ mạnh nhất, và được đánh giá cao nhất, là nghiễm nhiên giành được chiến thắng.
Với màn trình diễn đẹp mắt, nhưng quan trọng hơn là tự tin, và quan trọng nhất là ổn định và chắc chắn, Zverev đã đánh bại Djokovic theo đúng cái cách mà Nhà vua ATP từng “chinh phạt đám đông”, trong đó có chính bản thân anh, ở những vòng ngoài. Đó là thắng thuyết phục chỉ sau 2 ván đấu. Gậy ông đập lưng ông, Zverev đã trả lại đầy đủ, thậm chí cả vốn lẫn lãi, những gì mà Djokovic “trao tặng” cho anh ở trận đấu vòng bảng.
Hồi năm 2008, Djokovic đã đánh bại Nikolay Davydenko (Nga) 6-1, 7-5 trong trận chung kết giải “Bát đại cao thủ” ở Shanghai, khi đó vẫn còn có tên là… Masters Cup, để lên ngôi vô địch khi mới chỉ 21 tuổi. Chiến thắng ở Shanghai hồi 10 năm trước, cùng với danh hiệu Australian Open hồi đầu năm đó (2 danh hiệu lớn đầu tiên trong sự nghiệp của Djokovic) là dấu hiệu dự báo một ngôi sao, một tài năng thượng thừa đã ra đời, chen ngang vào sự thống trị của “trật tự 2 cực Federer – Nadal”.
Và 10 năm sau, chàng trai cũng 21 tuổi là Zverev, đã trở thành nhà vô địch trẻ tuổi nhất ở đấu trường ATP Finals kể từ thời của… Djokovic. Anh đã “kế vị” Djokovic bằng chiến thắng trước chính Djokovic. Còn điều gì tuyệt vời hơn điều này. Zverev cũng là nhà vô địch người Đức đầu tiên ở giải đấu tổng kết cuối mùa, kể từ thời của huyền thoại Boris Becker hồi năm 1995. Thêm một điều trùng hợp trớ trêu khá thú vị, Becker chính là “Đại sư phụ” một thời của Djokovic, là người rất “hợp cạ, hợp tính” tay vợt người Serbia.
Zverev – người đã từng thắng 3 danh hiệu Masters 1.000 trong sự nghiệp, nhưng mới lên ngôi ở giải đấu được mệnh danh là “Master của Masters” – hạnh phúc cho biết: “Đây là danh hiệu lớn nhất trong sự nghiệp của tôi, tính đến thời điểm này. Chiếc cúp vô địch này có ý nghĩa rất nhiều, là tất cả với tay vợt chuyên nghiệp. Ý của tôi là, ở đây, bạn chỉ có cơ hội đấu với những người giỏi nhất và rất ít cơ hội giành chiến thắng. Cách mà tôi chơi bóng hôm nay, cách mà tôi giành được chiến thắng, đơn giản là tuyệt vời”.
Nếu như Zverev là “thợ thi công” cho chính chiến thắng của mình, thì “Đại sư phụ” của anh – huyền thoại Ivan Lendl (một thời từng huấn luyện Andy Murray, là “đạo diễn” giúp Murray vượt qua các giới hạn, trở thành nhà vô địch Grand Slam và Olympic) là “kiến trúc sư” cho chiến công đình đám này. Zverev tiết lộ: “Ông ấy đã phân tích cặn kẽ trận thua của tôi trước Djokovic mấy ngày trước. Ông ấy nói với tôi phải thay đổi vài thứ để tạo ra sự khác biệt. Tôi đã chơi chủ động hơn, quyết liệt hơn hôm nay. Tôi cố nhướn lên để đánh bóng sớm hơn. Ông ấy có nhiều kinh nghiệm và đã giúp tôi cải thiện chiến thuật”.
Về phần mình, Djokovic thậm chí còn… thưởng ngoạn chiến thắng của đối thủ trẻ trung hơn anh rất nhiều: “Tôi thật sự hạnh phúc cho chiến thắng của cậu ấy. Tôi muốn nói là, rõ ràng, việc để thua một trận đấu chẳng tuyệt vời và hay ho gì, đặc biệt là trong chung kết một giải đấu lớn. Tôi rất thất vọng với lối chơi của mình. Nhưng tôi hạnh phúc khi cậu ấy thắng danh hiệu lớn nhất cuộc đời, vì chúng tôi có mối quan hệ bạn bè rất tốt. Các bạn có thể thấy chiến thắng này có ý nghĩa như thế nào với cậu ấy. Cậu ấy xứng đáng với điều đó”.
Với chiến thắng Novak Djokovic, Alexander Zverev trở thành “cao thủ thứ 4 trong thiên hạ” đả bại cả Djokovic lẫn Roger Federer ở cùng 1 giải đấu. Trước đây, những người đã từng làm được, và cũng dám làm được điều này, là David Nalbandian (Argentina, “đàn anh” của Juan Martin del Potro) ở Madrid Masters 2007; Andy Murray (dưới sự lược trận của “đại sư phụ” Lendl ở Olympic London 2012; và Rafael Nadal ở 2 giải đấu tại Hamburg và Roland Garros trong cùng năm 2008. |