Đối với gã trai 27 tuổi quê ở “vùng sâu vùng xa” Vladikavkaz, tất cả mọi thông số, cột mốc thành tích, kỷ lục… đều là những biến số không thể nào lường trước được. Bắt đầu chơi quần vợt chuyên nghiệp từ 10 năm trước, đến tận hôm nay, sau khi Australian Open khép lại và ATP công bố bảng xếp hạng được cập nhật mới nhất, Karatsev mới lọt được vào tốp 100, rồi tốp 50 thế giới.
Nhưng hóa ra, đó không chỉ là thứ “biến số quái lạ” duy nhất trong sự nghiệp thi đấu có thể được ví như là “hoa nở rất muộn màng” của gã trai sinh năm 1993, vốn chưa từng được người Nga chú ý đến quá nhiều, cho đến khi anh bước vào 2 tuần lễ quá diệu kỳ tại Melbourne Park hiện nay.
Đổi địa điểm tập luyện qua… 5 quốc gia, và “mắc kẹt” ở cuối BXH
Sau khi giành vé vào bán kết đơn nam của Australian Open 2021, và biết được rằng đối thủ của mình ở đây sẽ là Karatsev, tay vợt đương kim số 1 thế giới người Serbia - anh Djokovic, có nói rằng, các trường học quần vợt ở Nga sẽ trở nên cực kỳ nổi tiếng sau màn trình diễn mang tính đột phá và cực kỳ tuyệt vời này. Tuy vậy, Nga thậm chí còn không phải là “trường học đầu tiên” của Karatsev.
Karatsev, người đã chuyển sang sinh sống ở Israel cùng với cha mẹ (ông cố ngoại của Karatsev là người Do Thái) từ khi mới 3 tuổi, tại Tel Aviv. Do đó, “thuận lý thành chương”, Karatsev sẽ phải đi học trường quần vợt đầu tiên tại Israel. Kể từ đó trở đi, cuộc phiêu lưu đi tìm “sư môn”, rồi trường phái đích thực của Karatsev, đã bắt đầu với rất nhiều khúc quanh rất là thú vị…
“Tôi bắt đầu chơi tuần vợt khi còn nhỏ xíu ở Israel, tôi chuyển sang đó lúc 3 tuổi”, Karatsev tâm sự khi trả lời phỏng vấn báo giới Nga tại St Petersburg hồi tháng 10 năm ngoái, “HLV đầu tiên của tôi là ông Vladimir Rabinovich”. Đến năm 12 tuổi, Karatsev đã “làm trùm” Israel, khi trở thành nhà vô địch thiếu niên của môn quần vợt của quốc gia này. Tuy vậy, anh không trụ lâu ở đây.
Năm 14 tuổi, Karatsev quay về Nga với gia đình, vì Liên đoàn quần vợt Israel không bảo đảm đủ nguồn thu tài chính để hỗ trợ cho những người như Kratsev. Khỏi nói cũng hiểu, ở Israel, thể thao và đặc biệt là những môn chơi cá nhân như quần vợt có rất ít để kinh phí phát triển.
Karatsev quay về Nga, đến Taganrog (thành phố nằm trên bờ biển Azov, thuộc về Chủ thể Liên bang Rostov), sau đó đến với thủ đô Moscow. Đến đâu, Karatsev cũng tìm những Học viện đào tạo, nơi anh có thể được ăn học quần vợt theo cách hoàn hảo nhất. Tuy vậy, Nga vốn không phải là “trường học đầu tiên” của Karatsev, và cũng không phải là “trường học cuối cùng”.
“Tới năm 21 tuổi, tôi chuyển sang tập luyện ở Học viện Halle tại Đức. Mọi thứ đều rất ổn, ở đó có nhiều người thầy giỏi. Nhưng rồi, năng lực của tôi lại không thể tiến triển, không phải thái độ. Ở đó, cuối cùng mọi chuyện là không hiệu quả. Và tôi quyết định chuyển đến tập ở Barcelona!”.
Karatsev thừa nhận việc chuyển đổi quá nhiều Học viện trong quá trình học việc và tập luyện là một bất lợi, nhưng đó cũng là vì Karatsev không có được xuất phát điểm ổn định như nhiều tay vợt Nga khác, vẫn loay hoay tìm kiếm chỗ đứng thật sự vững chắc trước khi vươn mình.
Rồi thì chấn thương ập đến hồi năm 2017 làm hỏng mọi hoài bão của Karatsev. Aslan bị chấn thương đầu gối khi đang theo tập luyện tại Học viện Sergi Brugera ở Barcelona. Chấn thương khiến anh bị loại khỏi chương trình, chỉ 6 tháng sau khi theo học. Đó cũng là nguồn cơn “hoa nở muộn”.
Tình trạng thể lực bất ổn khiến Karatsev không thể quay lại sân tập, và thế là, ở mùa giải năm sau, khi những gương mặt tiêu biểu mới của làng quần vợt “Xứ sở bạch dương”, như chúng ta đã biết, chính là Medvedev và Rublev bắt đầu ghi dấu ấn khi giành các danh hiệu ATP Tour, Karatsev phải lăn lộn ở những giải đấu cấp thấp thuộc hệ thống Future (do ITF quản lý), nơi có điều kiện thi đấu rất hạn chế.
Đó là giai đoạn rất nguy kịch nhất trong sự nghiệp của anh, khi anh bị “mắc kẹt” ở cuối BXH, mà khu vực cuối BXH thế giới thì rất mơ hồ, có “biến số” từ hàng trăm đến… hàng ngàn. Tuy nhiên, khi trả lời phỏng vấn Eurosport, Karatsev xác nhận ngay vào lúc đó, anh vẫn chưa hề nghĩ đến việc bỏ chơi quần vợt, cho đến khi anh gặp nhà vật lý trị liệu Luis Lopes ở một giải đấu Future vào năm 2019, người sau này có liên hệ chặt chẽ với anh.
“Biến số” đến từ… cái đầu
Cựu tay vợt thuộc tốp 20 thế giới người Nga Dmitry Tursunov, từng đảm nhận vị trí giám sát cho Karatsev một thời gian khi anh này vừa gia nhập ATP Tour hồi năm 2013, đưa ra những nhận xét rất trực quan, nhưng vẫn chưa đủ khiến người ta hình dung đủ về “biến số” này.
“Rõ ràng rằng cậu ấy rất linh hoạt. Đủ cao to, một anh chàng lực lưỡng, nhưng di chuyển linh hoạt như một con mèo bự. Trông có đôi chút giống với Federer: như thể bóng được khỏi phát đi từ cậu ta, có tốc độ nhanh như một tàu điện. Không hề giống với Rublev, người mỗi khi tăng tốc thường gây ra đủ thứ ồn ào với tiếng còi hơi, tiếng động răng rắc, tia lửa bắn tung tóe, mặt đất trung chuyển (nghe như thể là tàu lửa hơi nước, phạm trù hoàn toàn khác so với tàu điện)”.
“Luôn có đủ dữ liệu để phân tính, nhưng để phát triển thì kết quả phải đến từ cái đầu: Từ tâm trạng, tính chuyên nghiệp, từ khát khao. Đây cũng là một trong những thách thức to lớn dành cho các tay vợt trẻ. Có rất nhiều hành khách đang chờ đợi đến lượt của mình, họ chen chúc đợi chờ trong khu bến đợi chừng trăm mét vuông, nhưng không phải ai cũng giành vé lên tàu, có rất nhiều tài năng rất điên rồ, những kẻ có thể giành được nhiều thứ, cuối cùng không thể”.
Khi Tursunov đề cấp đến vấn đề “đầu óc” của Karatsev, chính Karatsev cũng xác nhận hồi 4 tháng trước: “Tôi tin rằng về mặt lối chơi, tôi không hề thua kém những người được đánh giá cao hơn. Vấn đề của tôi, cuối cùng vẫn chỉ là cái đầu, tôi vẫn đang làm việc để cải thiện nó”.
Cuối cùng, sau một thời gian khá dài, “biến số” đã nhảy sang một con số có giá trị cao hơn, khi Karatsev trưởng thành hơn. Từ năm 2019 trở đi, vấn đề tâm lý, trí óc của Karatsev đã được cải thiện đáng kể khi anh làm việc với HLV Yegor Yatsyuk ở Minks, người sau này anh luôn nhắc đến mỗi khi có cơ hội, rằng anh sẽ không đạt được kết quả ngày hôm nay nếu không có ông này.
“Minks là nơi tập luyện thoải mái nhất đối vớ bản thân tôi. Một thành phố xinh đẹp, nơi có điều kiện vật chất tốt. Tôi có một HLV giỏi ở đó, và cùng với nhau, chúng tôi trải qua quãng thời gian tiến bộ rất ấn tượng. Tôi đã biết đến ông ấy một thời gian dài rồi”, Karatsev nhớ và kể lại.
Ở ATP Cup hồi đầu tháng Hai này, dù chỉ sắm vai phụ, đôi khi phải ra sân “biểu diễn” ở những trận đấu “vô thưởng vô phạt”, hoàn toàn bị chìm lấp dưới chiếc bóng to lớn của “Bộ đôi vô địch thủ” là Medvedev và Rublev, nhưng cái tên Aslan bắt đầu được nhắc đến khi Medvedev không ngần ngại nói về anh này: “Ngoài những trò đùa, thì đó vốn là vũ khí bí mật của chúng tôi”.
Karatsev sau đó kể lại động lực khiến anh hòa nhập và vươn lên mạnh mẽ: “Đầu tiên và tất cả, ở ATP Cup, đó chính là bầu không khí. Bạn được xem những tay vợt hàng đầu thế giới chơi bóng, tôi thì ở chung đội với những tay vợt đã thành danh như là Medvedev, rồi Rublev. Khi bạn tận mắt chứng kiến họ đã làm gì và làm thế nào, điều này rất hữu ích, trang bị thêm sự tự tin”.
Còn “phần còn lại”, như tất cả những gì chúng ta đã - đang và vẫn sẽ tiếp tục chứng kiến, ở Australian Open 2021, những gì mà chúng ta sẽ thấy trong trận bán kết đơn nam ngày mai giữa Karatsev và Djokovic, dù có bất kỳ chuyện gì xảy ra, thì: “Phần còn lại cũng là lịch sử”.
Những “biến số” khó lường về Aslan Karatsev _Xếp hạng 253 thế giới trước khi dịch Covid-19 bùng phát, xếp hạng 114 thế giới trước khi đến với Australian Open, chắc chắn sẽ lọt vào tốp 50 ATP sau khi Úc mở rộng năm nay khép lại. _Tổng số tiền thưởng giành được trong sự nghiệp (tính đến trước Australian Open): 618.354 USD; tổng số tiền thưởng cho tấm vé bán kết Úc mở rộng năm nay: 662.200 USD _Hồi tháng 7 năm ngoái, chơi 23 trận/30 ngày ở một giải đấu đóng trong trời gian cách ly _Tay vợt Nga đầu tiên, kể từ thời của Marat Safin, lọt đến bán kết Úc mở rộng (và nếu ai còn nhớ, chính Safin cũng là “một biến số khó lường”, trong một ngày đẹp trời, huyền thoại người Nga có thể đánh bại một Roger Federer thời “đỉnh phong”) _Novak Djokovic, sau khi biết sẽ đấu với Karatsev, thừa nhận anh KHÔNG biết chút gì về đối thủ _Karatsev mới chỉ có… 8 trận thắng ở ATP Tour, Djokovic đã có 8 ngôi vô địch Australian Open, Karatsev cũng chỉ thắng 18 ván ở Grand Slam, còn Djokovic đang săn danh hiệu Grand Slam thứ 18. |