Argentina và ám ảnh lời nguyền

Davis Cup 2016: Hướng đến trận chung kết

Cả 4 lần lọt đến trận chung kết của đấu trường Davis Cup, cả 4 lần đều “vấp ngã trước cánh cổng thiên đường”, với đội tuyển quần vợt Argentina, ngôi vô địch giải đấu đồng đội nam thế giới giống như “một lời nguyền chưa hề có… giải chú”, nó đã gây ra biết bao đau đớn, biết bao lần rạn nứt trong lòng các tay vợt nổi danh Argentina. Giờ đây, khi phải đối mặt với người Croatia trong loạt trận chung kết cuối cùng diễn ra vào cuối tuần này, ông Daniel Orsanic và các học trò đang muốn bước qua lời nguyền để lái con tàu Argentina cập cảng của “bến bờ hạnh phúc” lần đầu tiên tại Davis Cup.

Argentina và ám ảnh lời nguyền ảnh 1

Juan Martin del Potro – niềm hy vọng số 1 của tuyển Argentina ở trận chung kết Davis Cup cuối tuần này

Trong làng quần vợt nam thế giới, người ta thường có những thuật ngữ như là “Tay vợt huyền thoại nhưng chưa từng giành Grand Slam” (David Nalbandian – người Argentina lừng danh một thời được biết đến với biệt danh này), “Tay vợt xuất sắc nhất chưa từng lên ngôi số 1 thế giới”, hoặc là “Tay vợt giỏi nhất chưa từng giành HCV Olympic”… Với tuyển Argentina, người ta chỉ có thể miêu tả là “Đội tuyển mạnh nhất chưa từng đăng quang Davis Cup”. Với làng quần vợt Argentina, vốn sản sinh ra rất nhiều tài năng, như  “đại tiền bối Guillermo Vilas (từng thắng 4 danh hiệu Grand Slam), như là Nalbandian, việc họ chưa từng đăng quang ngôi vô địch Davis Cup, dù đã có 4 lần đến thật gần, điều đó giống như là bi kịch vậy. Thật sự thì, có phải họ chưa từng đăng quang vì ám ảnh của… lời nguyền?

Hồi năm 1981, tuyển Argentina với Jose Luis Clerc, Eduardo Bengoechea và đặc biệt là Vilas đã chơi rất hay, lần lượt thắng CHLB Đức 3-2 ở vòng 1, thắng Rumani 3-2 ở tứ kết, nghiền bẹp tuyển Anh với tỷ số 5-0 ở bán kết để giành quyền vào chơi trận chung kết với tuyển Mỹ. Tuy vậy, Vilas ở vào thời điểm đó không còn đạt phong độ đỉnh cao so với tay vợt người Mỹ đang làm mưa làm gió ở hệ giải cá nhân là John McEnroe (mới đăng quang ở Wimbledon hồi giữa năm). Đó là lý do trận đấu diễn ra tại Cincinati đã sớm phân định thắng thua với kết quả 3-1 nghiêng về phía người Mỹ.

Đến năm 2006, dưới sự gồng gánh của Nalbandian, tuyển Argentina xuất sắc tìm đường quay trở lại trận đấu chung kết Davis Cup sau 25 năm trời chờ đợi, bằng các chiến thắng 5-0 trước tuyển Thụy Điển ở vòng 1, thắng Croatia 3-2 ở tứ kết và thắng Australia 5-0 ở bán kết. Tuy nhiên, đối mặt với Nalbandian khi đó là một tuyển Nga rất đồng đều, Marat Safin vẫn còn đó, bên cạnh Dmitry Tursunov và Nikolay Davydenko đang từng bước trưởng thành. Quá đơn độc trong đội hình, Nalbandian chỉ giành được 2 chiến thắng và kết cuộc là tuyển Argentina thất thủ với tỷ số sát sao là 2-3.

Hai năm sau, năm 2008, tuyển Argentina đã bỏ lỡ cả một cơ hội đăng quang lớn chưa từng có khi họ sở hữu tất cả ưu thế ở trong tay, nhưng lại để thua vì mâu thuẫn nội bộ. Tiếp tuyển Tây Ban Nha vốn không có Rafael Nadal trong đội hình ở trận chung kết, người Argentina tiếp tục làm khó đội khách khi di dời trận đấu từ mặt sân đất nện ngoài trời ở Buenos Aires sang mặt sân cứng trong nhà ở Mar del Plata (nằm gần cực Tây của đất nước Argentina) – hòng hạn chế năng lực chơi bóng trên mặt sân đất nện của đội khách. Họ còn có Nalbandian và Juan Martin del Potro – một tài năng mới nổi – sát cánh cùng với nhau. Cả đất nước Argentina đã chuẩn bị trẩy hội để ăn mừng, Nalbandian thắng David Ferrer trong trận đấu mở màn, nhưng rồi… Del Potro bất ngờ thua Feliciano Lopez, trong trận đánh đôi, Nalbandian và Agustine thua Lopez và Fernando Verdasco. Mâu thuẫn nội bộ bị đẩy lên đỉnh điểm. Trong phòng thay đồ, Nalbandian suýt xông vào tẩn nhau với Del Potro khi cậu “đàn em” mở miệng bốp chát lại “đàn anh”. Cả Nalbandian lẫn Del Potro từ chối ra sân trong trận đấu then chốt, Jose Acasuso trở thành “vật thế thân” và anh này để thua Verdasco, tuyển Argentina thua chung cuộc 1-3, tan mộng vô địch Davis Cup. Như thể trêu người, gần 1 năm sau, Del Potro giành Grand Slam đầu tay ở US Open, danh hiệu mà chưa bao giờ Nalbandian từng giành được, dù anh là tay vợt duy nhất ở thời điểm đó “dám thắng” cả Roger Federer lẫn Rafael Nadal trong cùng một giải đấu.

Thất bại ở Mar del Plata hồi năm 2008 khiến cho thất bại ở chung kết Davis Cup trước chính “cựu thù” Tây Ban Nha trở nên quá bình thường, không còn khiến người Argentina quá đớn đau. Xét cho cùng, trong trận chung kết hồi 5 năm trước, tuyển Argentina với Del Potro – lúc đó bắt đầu bị chấn thương cổ tay hành hạ, với Juan Monaco, không thể mạnh bằng tuyển Tây Ban Nha với Nadal đang ở phong độ đỉnh cao, với Ferrer có sự bọc lót của Nadal đã tự tin hơn rất nhiều. Chiến thắng chung cuộc với tỷ số 3-1 đó, giống một lời khẳng định của tuyển Tây Ban Nha dành cho Argentina, hơn là một lời nguyền mà người Argentina phải gánh chịu.

Nhưng lời nguyền là có thật. Trong lịch sử phát triển 116 năm của Davis Cup, chưa có đội tuyển nào lọt đến nhiều trận chung kết như tuyển Argentina mà vẫn không đăng quang. Năm nay, cũng như hồi 5 năm về trước, họ vẫn bị đánh giá là cửa dưới, so với tuyển Croatia mạnh hơn hẳn vì có Marin Cilic (hạng 7 thế giới), “Vua giao bóng” Ivo Karlovic (hạng 20 thế giới) và Borna Coric (hạng 48 thế giới, một trong những đại biểu ưu tú nhất của “nhóm thế hệ kế tiếp”). Tuy vậy, Del Potro (hiện xếp hạng 38 thế giới) đang hồi sinh mãnh liệt và đang rất muốn đưa các đồng đội của mình vượt qua lời nguyền, lần đầu tiên sau 4 trận chung kết…

ĐỖ HOÀNG

Tin cùng chuyên mục

Đọc nhiều nhất

Andreescu đánh bại Raducanu

Miami Open: Bianca Andreescu đánh bại Emma Raducanu trong trận “Mỹ nhân đại chiến”

Hai người đẹp trẻ trung của làng quần vợt nữ thế giới, và cũng là 2 nhà vô địch US Open gần đây, đã có cuộc đối đầu thu hút sự chú ý của đông đảo giới mộ điệu ngay ở vòng 1 giải đơn nữ Miami Open - Miami Masters 2023. “Công chúa lọ lem” Bianca Andreescu đánh bại “Quý cô Anh quốc” Emma Raducanu với điểm số 6-3, 3-6, 6-2 trong cuộc đối đầu này...

Bóng đá quốc tế

Bóng đá Indonesia, vì đâu nên nỗi?

Indonesia vừa bị FIFA rút quyền đăng cai U20 World Cup cho dù sự kiện này chỉ còn 2 tháng nữa là khởi tranh. Điều đó cho thấy FIFA đã không thể “chịu đựng” được nữa và họ buộc phải sửa sai theo kiểu bất chấp hậu quả. Uy tín của bóng đá Indonesia và hình ảnh đất nước vạn đảo trên bờ vực suy giảm nghiêm trọng. Tổng thống Joko Widodo buộc phải “lệnh” cho Chủ tịch LĐBĐ Indonesia (PSSI), tỷ phú Erick Thohir, bay gấp sang Zurich (Thụy Sĩ) nhằm cứu vãn tình hình.