
Có lẽ VFF chưa bao giờ nảy ra ý tưởng nhờ… các tuyển thủ làm “quân sư” trong việc chọn người kế nhiệm HLV Calisto. Nhưng muốn học trò phát triển, học hành tiến tới thì ngoài sự nỗ lực của cha mẹ (VFF), không thể chỉ biết chăm chăm làm theo ý do bậc phụ huynh lựa chọn.
Cọc đi tìm trâu?
Có thể ví von thế này: VFF hay hầu hết nền bóng đá nào trên thế giới, chọn HLV trưởng đội tuyển quốc gia (hay đội Olympic) đều do “cha mẹ” quyết định. Sau khi có thầy, VFF mới mở lớp tuyển sinh, cho ông thầy ấy chọn gà nòi đi thi thố. Sẽ rất kỳ cục, đi ngược quy luật bóng đá khi dùng học trò lựa thầy, bởi sân cỏ khác với trường học, nhất là cấp độ đội tuyển, vì chưa biết cầu thủ ấy có được HLV trưởng triệu tập lên tuyển hay không.

Nhiều tuyển thủ tin rằng HLV Phan Thanh Hùng đủ khả năng đảm nhiệm vị trí của HLV Calisto để lại. Ảnh: Hoàng Hùng
Như vậy, việc trâu đi tìm cọc mới là phù hợp với thời thế, điều kiện của bóng đá. Tuy nhiên, cục diện bóng đá Việt Nam lúc này lại rất khác, vì sau khi HLV Calisto chia tay với chiếc ghế HLV trưởng, bóng đá Việt Nam đã có một di sản khá ổn định. Ví dụ, trong 22 cầu thủ được ông Calisto đem sang Lào dự SEA Games 25, ông thầy người Bồ đã chọn đội hình có 1 nửa đủ tuổi đá tại SEA Games 26. Một loạt cầu thủ có trình độ xấp ngửa, thậm chí nhỉnh hơn 1-2% trong thời điểm ấy đã bị ông Calisto gạt khỏi đội hình, bởi ông thầy người Bồ muốn “dù làm tiếp hay không, tôi vẫn muốn Olympic Việt Nam có sự kế thừa”.
Giờ này, ông Calisto đã cập bến Muang Thong United (Thái Lan), nhưng di sản của ông thầy người Bồ để lại chắc chắn ảnh hưởng lớn đến người kế nhiệm. Không một HLV nào lại muốn xóa đi, làm lại sau khi kế nhiệm ông Calisto. Cũng bởi vậy, khi VFF tuyên bố “tuyển rể”, có lẽ VFF cũng nên đặt mình vào góc độ… cầu thủ, bởi họ cần những thầy sâu sát, hiểu họ nhất chứ không phải một HLV trưởng vừa huấn luyện, vừa dò tìm để làm quen.
Với điều kiện của đội tuyển Việt Nam, đặc biệt là Olympic Việt Nam lúc này, nếu xảy ra chuyện cọc đi tìm trâu thì cũng hết sức bình thường. Đội Olympic Việt Nam có nhiệm vụ nặng nề nhất trong năm 2011, trong khi quỹ thời gian VFF dành cho đội bóng mang nhiệm vụ tìm vàng này không dài (chỉ 2 tháng tập trung) đòi hỏi một ông thầy gần gũi, thấu hiểu họ nhất.
“Cọc nội” chiếm thượng phong
Hôm qua, trong một cuộc khảo sát bỏ túi của SGGP Thể thao đối với một số tuyển thủ, hầu hết các cầu thủ được hỏi đều cho rằng, trong thời điểm hiện tại, bóng đá Việt Nam có thể sử dụng được HLV nội ở cấp độ đội tuyển. Tất nhiên, nhận xét về chất lượng của thầy là hơi… khiên cưỡng đối với các học trò, nhưng hầu hết các cầu thủ đều cho rằng, chất lượng giữa thầy nội và thầy ngoại lúc này là “tám lạng, nửa cân”.
Trên thực tế, theo quan điểm của các tuyển thủ, việc chọn nội hay ngoại không phải là quá quan trọng. Cái khó là chọn ông thầy phù hợp và xem xét sự hợp lý về đầu tư, điều kiện của đội bóng lúc này. Trình độ của cầu thủ Việt Nam đã có bước tiến nhất định, có chỗ đứng trong khu vực. Thế cho nên, mấu chốt là chọn ông thầy nào có sự am hiểu tâm lý, quy tụ được sức mạnh cả đội chứ không phải nhất quyết phải dùng thầy ngoại mới làm được điều ấy.
Theo quan điểm của nhiều tuyển thủ, năm 2011, mục tiêu quan trọng nhất là SEA Games, còn đội tuyển Việt Nam không có nhiều mục tiêu lớn. Vậy cho nên, trong bối cảnh ấy, những thử nghiệm hay đúng hơn là chấm một ông thầy nội cầm quân cũng là cách để kiểm nghiệm lại đẳng cấp, trình độ của HLV bản địa đã đạt đến tầm cỡ thế nào. Trong đó, 3 cái tên HLV nội được các tuyển thủ ưu ái, bày tỏ là rất phù hợp với đội tuyển Việt Nam lẫn Olympic Việt Nam lúc này là Phan Thanh Hùng, Lê Huỳnh Đức và Nguyễn Đức Thắng.
|
Thanh Chi
>> Tìm thầy cho bóng đá Việt Nam: Giá của thầy nội