
Hệt như những siêu ảo thuật gia, VFF liên tục xáo trộn phương án chọn thầy thế chỗ ông Calisto: HLV ngoại thành thầy nội rồi… 99% là thầy ngoại! Cách VFF “đảo kèo” liên tục khiến nhiều người hồ nghi rằng, họ đang chơi trò thăm dò dư luận để tính đường…

HLV Phan Thanh Hùng (phải) tự tin có thể dẫn dắt tuyển U23 dự SEA Games 26, liệu VFF có dám trao quyền? Ảnh: Bách Nhật
Tại sao phải là thầy ngoại?
Cho đến giờ, VFF vẫn tỏ ra rất kín đáo trong việc dò tìm ứng cử viên thay thế ông Calisto ngồi vào ghế HLV trưởng. Trong vài chục ứng cử viên hiện tại, người ta chỉ đoán già, đoán non rằng VFF đang chấm Peter Reid, David Booth, Almeida hay Gede cho những vị trí sáng giá nhất. Nói tóm lại, VFF chưa chốt và cũng muốn kín tiếng để khỏi bị làm phiền khi đang thương thảo với những nhân vật “nặng ký”.
Dẫu vậy, có một điều VFF đang dần biến thành hiện thực: đưa ra 3 HLV nội làm ứng viên, nhưng họ lại chủ yếu tìm kiếm HLV ngoại làm người thế chỗ ông Calisto. Điều đó khiến nhiều người hoài nghi, chính VFF đang dùng ảo thuật để thăm dò dư luận chứ thâm tâm, phương án thầy ngoại đã là ưu tiên hàng đầu, được VFF cụ thể hóa bằng những bước đi khá quyết liệt. Thế cho nên, Chủ tịch VFF Nguyễn Trọng Hỷ sau phút ngả nghiêng bỗng chốc trở nên rụt rè: “Quyết định cuối do tập thể”.
Sự thật thì cũng có những người ở VFF tỏ rõ quan điểm của mình: Phó Chủ tịch tài chính Lê Hùng Dũng ủng hộ phương án dùng HLV nội, còn Phó Chủ tịch chuyên môn Phạm Ngọc Viễn cho rằng, phương án dùng HLV ngoại là hợp lý nhất. Ông Viễn lý giải: “Chúng tôi muốn chọn 1 HLV làm chuyên trách, quán xuyến trong cả mùa bóng chứ không phải chạy theo thời vụ. HLV nội có vài người sáng giá, nhưng họ bận cả. Do đó, ưu tiên số 1 vẫn là chọn HLV ngoại chứ không phải HLV nội. Bởi ngoài việc định hướng, tìm quân cho đội tuyển, ông thầy sắp tới còn phải giữ trọng trách chỉ huy một BHL thường xuyên mà VFF lập ra”.
Không chỉ vậy, VFF cũng đề sẵn chỉ tiêu mà HLV ngoại kế nhiệm ông Calisto phải gánh vác: đoạt HCV SEA Games 26! Đối với HLV nội, chỉ tiêu này giảm xuống còn lọt vào chung kết SEA Games 26. Như vậy, dựa vào tính thực dụng, chọn HLV ngoại hẳn nhiên là giúp bóng đá Việt Nam “hân hoan” hơn là dùng một ông thầy nội.
Ai là người dũng cảm?
Cách nay không lâu, trả lời SGGP Thể Thao, HLV Phan Thanh Hùng tuyên bố, nếu được VFF tín nhiệm, ông sẵn sàng bước ra nhận trọng trách cầm quân ở đội Olympic Việt Nam. Ông Hùng từ chối ứng cử làm HLV trưởng ĐTQG, bởi ông thừa nhận phù hợp với bóng đá trẻ hơn là dẫn dắt những ngôi sao đã thành danh. Cũng theo ông Hùng, chỉ đáp ứng một số điều kiện: toàn quyền tự quyết chuyên môn, đãi ngộ nhỉnh hơn so với lúc cầm quân ở đội Olympic Việt Nam tại Asian Games 2010 và chỉ cầm quân đoạn ngắn, ông Hùng sẵn sàng lao vào chiếc ghế nóng. Ông Hùng nói: “Kể cả cầm quân ở SEA Games 26 chăng nữa, tôi cũng sẵn sàng thử thách”.
Nói như ông Hùng có nghĩa, không phải chỉ tiêu thành tích ở SEA Games 26 là thách thức mà HLV nội nào cũng ngán sợ. Vấn đề bây giờ là cách tính toán của VFF, bởi có nhiều điều tế nhị ràng buộc lựa chọn của VFF: sức ép thành tích, sức ép trách nhiệm một khi thất bại. Thế nhưng, trong hoàn cảnh năm 2011, bóng đá Việt Nam dồn mục tiêu số 1 cho SEA Games 26 thì việc dùng HLV nội như ông Phan Thanh Hùng, điều đó cũng mang lại những lợi thế. Ở HLV Phan Thanh Hùng, đội Olympic Việt Nam kế thừa được lối chơi, bản sắc do HLV Calisto để lại, đồng thời cũng tạo ra khoảng thời gian đủ để cho VFF cân nhắc thiệt hơn khi tìm thuyền trưởng mới cho bóng đá Việt Nam, thay vì phải vội vã giải quyết chỉ trong vòng không đầy 1 tháng.
Ai là người dũng cảm? Ông Hùng tự tin và dám bản lĩnh đứng ra lĩnh trọng trách. Nhưng đối với VFF, chuyện tìm thuyền trưởng hình như không chỉ gói gọn ở trong vài yếu tố, như cái cách VFF đã tung loạt đòn ảo thuật để thăm dò.
NGỌC LINH