Xử lý dự án xây dựng trung tâm TDTT Phan Đình Phùng: Phấn đấu khởi công dịp 30-4-2025

TPHCM đặt mục tiêu khởi công dự án Xây dựng mới Trung tâm Thể dục thể thao (TDTT) Phan Đình Phùng (số 8 Võ Văn Tần, quận 3) vào dịp 30-4-2025, nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Trúc trắc công tư

Tổ công tác giải quyết vướng mắc dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng (gọi tắt là Nhà thi đấu Phan Đình Phùng) vừa có văn bản tham mưu cho UBND TPHCM về việc chấm dứt thỏa thuận đầu tư với liên danh nhà đầu tư dự án. Nếu chấm dứt thỏa thuận, TPHCM phải rà soát những công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định các chi phí hợp lý, hợp lệ để hoàn trả. Trước đó, liên danh nhà đầu tư báo cáo đã đầu tư hơn 171 tỷ đồng cho dự án, chưa tính đến các khoản bồi thường thiệt hại cho các nhà thầu do phải chấm dứt hợp đồng trước hạn theo chủ trương dừng thực hiện dự án của thành phố.

Cuối tháng 4-2024, Chủ tịch UBND TPHCM đã chỉ đạo dừng việc thực hiện dự án này theo hình thức BT, chuyển sang đầu tư công. Tuy nhiên phía nhà đầu tư vẫn tha thiết đề nghị được tiếp tục thực hiện dự án nhằm tránh việc thành phố thiệt hại khi hoàn trả số tiền cho nhà đầu tư và không kế thừa được những sản phẩm, hạng mục đã thực hiện. Việc không được tiếp tục thực hiện dự án cũng gây thiệt hại cho chính nhà đầu tư vì phải bồi thường cho các nhà thầu, thiệt hại về cơ hội đầu tư, về giá trị vốn hóa do nhà đầu tư là công ty đại chúng đã niêm yết. Nhà đầu tư cho biết đã rất tích cực thực hiện các thủ tục để triển khai dự án nhưng việc chậm trễ do nguyên nhân khách quan khi các quy định thay đổi... Thực tế dự án “đứng hình” nhiều năm qua. Các hạng mục mà nhà đầu tư đã thực hiện cũng mới chỉ dừng ở một số thủ tục, chưa khởi công, triển khai xây dựng.

nhathidau_phandinhphung.jpg
Dự án xây dựng Trung tâm TDTT Phan Đình Phùng chờ ngày khởi công. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Đầu tư công, có nhanh hơn?

Từng là địa chỉ hoạt động sôi nổi của thể thao TPHCM suốt hàng chục năm, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng khi được xây mới sẽ trở thành trung tâm TDTT quy mô ngay giữa trung tâm thành phố. Nhưng sau 16 năm “thai nghén”, dự án chưa thể thành hình.

Trước khi có chủ trương chính thức dừng thực hiện theo hình thức BT, tổ công tác giải quyết vướng mắc dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng gồm nhiều sở ngành của TPHCM đã phân tích, đánh giá các phương án để có thể sớm khởi công, hoàn thành dự án đưa vào sử dụng.

Nếu tiếp tục thực hiện như cũ (theo hình thức BT), TPHCM có thể “tiết kiệm” trong việc lựa chọn nhà đầu tư (vì đã có), ngân sách cũng không phải chi để thực hiện dự án. Nhưng song song đó là những vướng mắc, tiềm ẩn rủi ro lớn về pháp lý. Trong đó nan giải nhất là việc thanh toán bằng quỹ đất cho nhà đầu tư. Theo quy định hiện nay về pháp luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, những quỹ đất dự kiến thanh toán cho nhà đầu tư thuộc diện nhà đất công (khu đất 257 Trần Hưng Đạo, số 3-3bis Phan Văn Đạt, quận 1), TPHCM phải xin ý kiến của Thủ tướng.

Nếu chuyển sang đầu tư công, TPHCM có thể chủ động trong thực hiện các thủ tục đầu tư và triển khai dự án. Từ đó sớm khởi công, hoàn thành dự án, đưa vào sử dụng. Song với phương án này, TPHCM phải thương thảo, hoàn trả chi phí mà nhà đầu tư đã thực hiện dự án, thậm chí phải đối mặt với việc khiếu nại, khiếu kiện... Cân nhắc các phương án, TPHCM đã chọn chuyển sang phương thức đầu tư công. Sở VH-TT TPHCM được giao chủ trì, cùng các đơn vị liên quan xem xét cơ sở pháp lý, rà soát các công việc nhà đầu tư đã thực hiện, xác định chi phí hợp lý, đúng quy định để làm cơ sở đàm phán, thương thảo, trao đổi thống nhất với nhà đầu tư về hướng xử lý dứt điểm theo nguyên tắc “hợp lý, hài hòa, theo đúng quy định”. Sở VH-TT cũng được giao chuẩn bị đầu tư dự án theo phương thức đầu tư công; phấn đấu hoàn thành thủ tục đầu tư, khởi công dự án trước ngày 30-4-2025.

Một dự án đã kéo dài 16 năm mới chỉ triển khai được một số thủ tục, để có thể hoàn thiện tất cả thủ tục và khởi công trong hơn 8 tháng nữa là mục tiêu không đơn giản. Nhất là khi TPHCM phải giải quyết nhiều vấn đề phát sinh với nhà đầu tư sau khi chấm dứt triển khai đầu tư theo hình thức BT.

Nhà thi đấu Phan Đình Phùng đi vào hoạt động từ những năm 1980, là nơi tổ chức các giải bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông… cùng nhiều sự kiện văn hóa, giải trí, thể thao khác trước khi xuống cấp. Năm 2008, dự án được Thủ tướng chấp thuận chủ trương thí điểm đầu tư theo hình thức BT. Qua một số lần thay đổi nhà đầu tư, thay đổi thiết kế, tổng vốn đầu tư dự án được nâng từ 988 tỷ đồng lên 1.954 tỷ đồng. Thỏa thuận đầu tư được UBND TPHCM và nhà đầu tư ký vào tháng 6-2018. Đến ngày 26-4-2024, Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi chỉ đạo dừng dự án theo hình thức BT, chuyển sang đầu tư công.

Phó Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM Nguyễn Nam Nhân: Nhà thi đấu Phan Đình Phùng góp phần phát triển du lịch thể thao và kinh tế địa phương

Ngành TDTT TPHCM đặt nhiều kỳ vọng vào dự án Nhà thi đấu Phan Đình Phùng, nhất là khi dự án này dừng thực hiện theo hình thức BT và chuyển sang đầu tư công. Dự án này được lãnh đạo thành phố, ngành thể thao và người dân mong chờ từ lâu bởi vai trò, vị trí lịch sử quan trọng trong đời sống văn hóa và thể thao thành phố... Chúng tôi mong muốn Nhà thi đấu Phan Đình Phùng sớm được xây dựng một cách quy mô, hiện đại, chất lượng, đúng tiến độ và đảm bảo đầy đủ tiện ích để phục vụ các sự kiện, hoạt động thể thao, văn hóa của TPHCM. Khi đó, Nhà thi đấu Phan Đình Phùng không chỉ trở thành một biểu tượng mới của thể thao TPHCM mà còn là nơi tổ chức các sự kiện thể thao mang tầm quốc gia và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế thể thao thành phố nói riêng và TPHCM nói chung.

Ngoài ra, khi có một nhà thi đấu mới tầm cỡ, TPHCM có thể thu hút và đăng cai nhiều giải đấu quốc tế, tạo cơ hội phát triển du lịch thể thao và kinh tế địa phương. Công trình này sẽ là biểu tượng của sự phát triển và đầu tư cho thể thao, thể hiện cam kết của thành phố với việc thúc đẩy phong trào thể thao cộng đồng và chuyên nghiệp.

NGUYỄN ANH

Tin cùng chuyên mục